1. Bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh mạng cho các sự kiện quốc tế lớn Việt Nam đăng cai
Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt với Việt Nam. Dù phải đối mặt với đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn thể hiện được vai trò là chủ tịch ASEAN 2020 một cách thành công và liên tục có các sáng kiến mới đóng góp cho thế giới.
Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020
Việt Nam đã tổ chức thành công hàng loạt sự kiện trực tuyến lớn, quan trọng mang tầm vóc quốc tế và khu vực chưa có tiền lệ trong lịch sử như: Chuỗi hàng chục sự kiện năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37; Hội nghị thượng định lần thứ 41 của Hội đồng liên nghị viện ASEAN; ITU Digital World 2020.
Góp phần vào thành công chung đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia an toàn, an ninh mạng đến từ các đơn vị nghiệp vụ các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.
Việc bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh mạng cho các sự kiện một lần nữa thể hiện được trách nhiệm và vai trò, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
2. 100% Bộ, ngành, địa phương triển khai Trung tâm SOC kết nối với NCSC
Việc tất cả Bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai cơ bản Trung tâm giám sát, điều hành an toàn an ninh mạng (SOC) và kết nối kỹ thuật với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) là một bước tiến mới trong công tác bảo đảm an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị, khi hoàn thành việc triển khai mô hình 4 lớp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Triển khai Trung tâm SOC giúp cho các Bộ, ngành và địa phương có thể chủ động trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm/dịch vụ SOC.
3. Chiến dịch rà quét, xử lý mã độc lần đầu được triển khai trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam
Chiến dịch rà quét và xử lý mã độc toàn quốc năm 2020 do Bộ TT&TT đồng hành cùng các doanh nghiệp trong Liên minh phòng chống mã độc và xử lý tấn công mạng và doanh nghiệp quốc tế triển khai.
Được triển khai thông qua website khonggianmang.vn trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2020, Chiến dịch được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố từ cấp địa phương đến trung ương.
Không những nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dùng Internet Việt Nam, Chiến dịch đã đạt được mục tiêu đề ra là giảm 50% tỉ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet.
4. Các cuộc thi về an toàn thông tin quy mô quốc gia và thế giới
Trong năm 2020 đã có nhiều cuộc thi về an toàn thông tin quy mô quốc gia và thế giới được tổ chức, nổi bật là cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 06 và cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2020.
Các cuộc thi này đã góp phần thúc đẩy, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đồng thời quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
5. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên công bố danh mục yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật cho thiết bị đầu cuối, trạm gốc và chất lượng dịch vụ mạng 5G
Sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin. Việt Nam đang tăng tốc triển khai thương mại hóa mạng di động 5G. Bộ TT&TT đã xác định, yếu tố cần thiết nhất khi triển khai 5G là an toàn, an ninh mạng.
Vì thế, hành lang pháp lý về an toàn thông tin cho mạng 5G đã được thiết lập, cụ thể là: Quyết định 1529 ngày 8/9/2020 của Bộ TT&TT ban hành bộ chỉ tiêu kỹ thuật cho thiết bị đầu cuối, trạm gốc và chất lượng dịch vụ mạng 5G; Quyết định 1569 ngày 16/9/2020 của Bộ TTT&TT ban hành Danh mục yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin cho trạm gốc 5G (5G gNodeB).
6. Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Make in Vietnam đã chiếm hơn 90% các chủng loại sản phẩm
Năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái an toàn thông tin do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Make in Vietnam trong ngành an toàn, an ninh mạng thể hiện rõ nhất qua việc sáng tạo, sản xuất và nội địa hóa hệ sinh thái của ngành này.
Theo thống kê, nếu vào năm 2015, tỉ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa mới chỉ đạt 5%. Đến năm 2019, tỉ lệ này đã tăng lên 55%. Một dấu mốc rất lớn của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng nước ta năm 2020 là Việt Nam đã làm chủ hơn 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và người dân Việt Nam.
Mục tiêu phát triển kép được đặt ra là làm chủ công nghệ, giải pháp, sản phẩm an toàn, an ninh mạng trong nước, từ đó vươn ra thị trường toàn cầu.
7. Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 và Diễn tập thực chiến DF Cyber Defense 2020 diễn ra theo hình thức trực tuyến
Là sự kiện do VNISA chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020 đã lần đầu tiên diễn ra theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Đây là một diễn đàn quy mô lớn và nổi bật nhất tại Việt Nam năm 2020, những vấn đề bàn luận tại hội thảo góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam làm chủ hệ sinh thái, sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Sự kiện Banking Tech 2020 do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và IEC Group tổ chức. Điểm nhấn của sự kiện là Chương trình diễn tập thực chiến DF Cyber Defense có sự tham gia của 30 doanh nghiệp, tổ chức tiêu biểu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
8. Chính phủ quyết liệt xử lý "rác viễn thông"
Nghị định 91/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã được Chính phủ ban hành ngày 14/8/2020. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc đẩy lùi nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Triển khai Nghị định này, nhiều giải pháp đã được thực thi. Trong đó, nhà mạng triển khai hệ thống chặn, lọc tin rác; xử lý các thuê bao tiến hành cuộc gọi rác; ngăn chặn, phát hiện những cuộc gọi giả mạo.
Có thể thấy, các biện pháp quyết liệt trong năm 2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã mang lại hiệu quả và biến chuyển rõ rệt.
9. Các phương thức, thủ đoạn và quy mô lừa đảo trực tuyến tăng cao
Các hình thức lừa đảo trực tuyến là một hình thức tấn công mạng phổ biến và lâu đời. Tuy nhiên, trong năm 2020, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội để phòng, chống dịch của Chính phủ, hầu hết mọi hoạt động sinh hoạt của người dân đều được thực hiện qua không gian mạng, hoạt động lừa đảo qua hình thức này ngày càng gia tăng, nhất là thủ đoạn đối tượng sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo.
10. Hàng loạt phần mềm, sản phẩm phổ biến đã bị khai thác lỗ hổng để tấn công APT
Năm 2020 khi thế giới đang đối phó với một loại virus mang tên COVID-19, trên không gian mạng các nhóm tin tặc trên khắp thế giới cũng hoạt động rất tích cực.
Hàng loạt sản phẩm, phần mềm, ứng dụng phổ biến được công bố các điểm yếu và lỗ hổng bảo mật nguy hiểm. Các nhóm tin tặc khác nhau đã lợi dụng những lỗ hổng bảo mật này để tiến hành nhiều chiến dịch tấn công mạng quy mô khác nhau. Trong đó, Việt Nam không là ngoại lệ khi phát hiện và ngăn chặn hàng loạt chiến dịch tấn công có chủ đích lớn.