Thông thường, các cuộc hội thoại giữa người dùng và loa thông minh của Google, đặc biệt là với khẩu lệnh “OK Google/Hey Google” được Google lưu trữ nhằm cải thiện khả năng phản hồi bằng giọng nói từ trợ lý ảo. Dữ liệu này luôn được Google lưu trữ bí mật.
Tuy nhiên, theo thông tin từ trang tin VRT (Bỉ) cho biết, một đối tác của Google đồng thời là chuyên gia ngôn ngữ đã cung cấp cho họ bộ dữ liệu này. VRT sau đó đã sử dụng chúng và xác định được một số người dùng trong các đoạn ghi âm.
Hầu hết các bản ghi âm bị rò rỉ được tạo ra từ các thiết bị Google Home tại Bỉ và Hà Lan. Tuy nhiên, các bản ghi âm cũng có xuất xứ từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. VTR cũng đã kiểm tra các cuộc hội thoại khi Google thu thập câu lệnh "OK Google" trên các sản phẩm loa gia đình thông minh với trợ lý ảo thuộc hệ sinh thái Google Home.
Trong số các bạn ghi âm bị rò rỉ, có cả những cuộc hội thoại chứa thông tin cá nhân, đời sống riêng tư, thậm chí cả địa chỉ nhà của người dùng. Thậm chí theo VRT, ngay cả khi người dùng không nói khẩu lệnh "OK Google/Hey Google" thì các thiết bị thông minh vẫn tự động ghi âm lại các cuộc trò chuyện.
Theo thông báo của Google, vụ việc lần này xảy ra là do một chuyên gia ngôn ngữ hợp tác với Google đã vi phạm chính sách bảo mật của hãng khi làm rò rỉ dữ liệu âm thanh từ giọng nói của người dùng. Giám đốc sản phẩm Google, ông David Monsees cho biết, Google đang tiến hành xem xét lại các biện pháp bảo vệ để ngăn chặn các hành vi sai trái tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Hiện tại, ngoài Google, những hãng đang phát triển sản phẩm loa gia đình thông minh như Apple (với trợ lý ảo Siri) và Amazon (với trợ lý ảo Alexa) chưa rõ có thuê các đối tác bên ngoài để nghiên cứu và chỉnh sửa ngôn ngữ cho trợ lý ảo của mình hay không. Do đó, nguy cơ rò rỉ các cuộc hội thoại được kích hoạt bằng câu lệnh "Hey Siri" hay "Hey Alexa" là có thể xảy ra. Người dùng nên cẩn trọng khi sử dụng các thiết bị có hỗ trợ trợ lý ảo, không nên tiết lộ thông tin cá nhân khi sử dụng các thiết bị này.