15 năm hoạt động cung cấp, quản lý và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng

14:48 | 21/07/2022

Phát triển công nghệ thông tin (CNTT) phải gắn liền với đảm bảo xác thực, an toàn, bảo mật thông tin. Đây là nhiệm vụ trọng tâm đã được Đảng và Nhà nước xác định về quan điểm, chủ trương, chính sách thông qua việc hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo đã được ban hành. Trong các văn bản này đều giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, đảm bảo các sản phẩm phục vụ xác thực, bảo mật an toàn thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành và tác nghiệp của các cơ quan Đảng và Nhà nước. Việc triển khai hoạt động xác thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia là vấn đề thực sự cấp bách, đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ.

Cục CTS&BMTT nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày truyền thống (18/7/2007 - 18/7/2017)

Thực hiện Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Trung tâm Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ được thành lập trực thuộc Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã. Trước yêu cầu quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong tình hình mới, theo Nghị định số 09/2014/NĐ-CP của Chính phủ, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (Cục CTS&BMTT) được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2014 trên cơ sở phát triển Trung tâm Chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ. Trải qua chặng đường 15 năm, Cục CTS&BMTT đã triển khai toàn diện công tác cung cấp, quản lý và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Một số kết quả chính đạt được như sau:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ

Cục CTS&BMTT đã tham mưu giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực chứng thực chữ ký số chuyên dùng (Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP, Thông tư số 05/2010/TT-BNV, Thông tư 08/2016/TT-BQP, Thông tư số 185/2019/ TT-BQP,...). Đồng thời nghiên cứu tham mưu góp ý các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử; Luật Lưu trữ sửa đổi; Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử... Bên cạnh đó, công tác kiểm tra đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số được tiến hành thường xuyên theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3949/QĐ-BQP ngày 18/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cụ thể, Cục CTS&BMTT đã tham mưu cho Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các đoàn công tác liên ngành tiến hành kiểm tra đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước các cấp tại 46 đầu mối (12 cơ quan Bộ, Ngành và 34 địa phương). Qua công tác kiểm tra đánh giá đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp.

Đồng chí Đặng Duy Mẫn, Cục trưởng Cục CTS&BMTT phát biểu tại buổi thẩm định đề nghị xây dựng Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) tại Văn phòng Quốc hội (4/2022)

THAM MƯU, PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ, CHUYỂN ĐỔI SỐ

Cục CTS&BMTT đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ công tác quản lý, điều hành, trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai các giải pháp xác thực, định danh sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong các hệ thống nền tảng Chính phủ điện tử, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Tham mưu tổ chức triển khai các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong Ban Cơ yếu Chính phủ. Trong đó, trọng tâm là tham mưu cho Trưởng ban ban hành Kế hoạch số 61/KH-BCY ngày 07/02/2022 về cải cách hành chính và chuyển đổi số trong Ban Cơ yếu Chính phủ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hoạt động năm 2022 và hàng năm của Ban chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số Ban Cơ yếu Chính phủ.

TUYÊN TRUYỀN, NÂNG CAO NHẬN THỨC, TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ KỸ THUẬT

Hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật luôn được Cục CTS&BMTT chú trọng thực hiện và có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây. Cục đã tham mưu tổ chức các hội nghị, hội thảo của quốc gia và Ngành Cơ yếu về lĩnh vực chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ, tổ chức huấn luyện, tham gia đào tạo, tập huấn và tư vấn triển khai cho nhiều cơ quan, đơn vị trong phạm vi cả nước. Qua đó, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng chữ ký số của lãnh đạo, cán bộ, công chức nhà nước các cấp được chuyển biến rõ rệt, tạo được sự đồng thuận về nhận thức và hành động, chấp hành và triển khai nghiêm các văn bản của Nhà nước liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng.

TRIỂN KHAI DỊCH VỤ CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG

Hoạt động bảo đảm cung cấp chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số thời gian qua đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, các giải pháp như sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, ứng dụng khoa học - công nghệ, đầu tư trang thiết bị, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, tăng cường thời gian, nhân lực… đã giúp nâng cao chất lượng và tiến độ cung cấp, sản xuất chứng thư số. Mặc dù nhu cầu sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng ngày càng tăng nhưng Cục đã đáp ứng kịp thời 100% yêu cầu của 35 đầu mối bộ, ngành trung ương và 63 địa phương. Từ khi có Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, Cục đã cung cấp trên 500 nghìn chứng thư số và nhu cầu dự báo còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.

Đoàn đại biểu Cục CTS&BMTT dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Cơ yếu giai đoạn 2014 - 2019

PHÁT TRIỂN, MỞ RỘNG, DUY TRÌ HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống từng bước được đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ, làm chủ mật mã, được vận hành bởi đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu về sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Hạ tầng kỹ thuật của Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tiếp tục được mở rộng để phục vụ công tác cấp, quản lý hộ chiếu và căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Cục CTS&BMTT luôn chấp hành nghiêm quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và tổ chức, triển khai trực giám sát hạ tầng kỹ thuật 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần để quản lý, duy trì hạ tầng hoạt động an toàn, liên tục, đáp ứng kịp thời hàng triệu lượt truy cập dịch vụ trực tuyến từ các cơ quan Đảng, Nhà nước qua mạng.

Đồng chí Nguyễn Đăng Lực, Phó Trưởng ban (người đứng giữa hàng đầu) và các đại biểu của Ban Cơ yếu Chính phủ dự Đại hội Đảng bộ Cục CTS&BMTT lần thứ I, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chụp ảnh lưu niệm (6/2020)

Giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biễn phức tạp; cùng với sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và viễn thông, các thế lực thù địch, phản động, tội phạm mạng tăng cường tấn công, thâm nhập hệ thống mạng CNTT trọng yếu; chiến tranh mạng đã trở nên hiện hữu. Nhu cầu ứng dụng và triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số là rất lớn. Trong bối cảnh đó, công tác triển khai và duy trì dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng đặt ra cho Ban Cơ yếu Chính phủ, ngành Cơ yếu Việt Nam nói chung, Cục CTS&BMTT nói riêng nhiều thách thức mới cần phải vượt qua. Để thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng và triển khai chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Cục CTS&BMTT tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tăng cường tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; ban hành các chủ trương, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng và triển khai chữ ký số phục vụ ứng dụng CNTT và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số.

- Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của chữ ký số nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức từ các cấp lãnh đạo đến cán bộ công chức nhà nước.

- Phát triển, mở rộng hạ tầng hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng tiên tiến, hiện đại. Nâng cao năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật. Rà soát, rút ngắn thời gian, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để phục vụ việc cung cấp, quản lý chứng thư số.

- Đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ công, đặc biệt là dịch vụ công mức độ 3, 4; nghiên cứu triển khai giải pháp ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các loại hình thiết bị di động, căn cước công dân có gắn chíp, hộ chiếu và thị thực điện tử…

- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ về chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho cán bộ phụ trách, cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành, địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, giai đoạn tới, hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ sẽ tiếp tục phát triển, góp phần hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng dụng CNTT, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số.