Sau 25 năm, kể từ ngày 19/11/1997 (Khai trương dịch vụ Internet Việt Nam), Internet Việt Nam đã hình thành và có những bước phát triển vượt bậc. Việt Nam hiện tại đã được xếp hạng cao trong kết quả khảo sát của McKinsey tại các quốc gia với câu hỏi: Có sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Báo cáo "e-Conomy SEA 2022" của Google, Temasek and Bain & Company (mới công bố vào 27/10/2022) cũng khẳng định: Việt Nam sẽ dẫn đầu về kinh tế Internet ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện mới đây thì các xu hướng kỳ vọng dẫn dắt ngành công nghệ trong giai đoạn bình thường tiếp theo bao gồm: Điện toán đám mây (Cloud computing), Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Công nghệ 5G, Internet băng thông rộng cố định và Chuỗi khối (Blockchain).
Được sự ủng hộ của Bộ Thông tin và Truyền thông; Hưởng ứng và tiếp nối ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10), chương trình sẽ đóng góp các nội dung chuyên môn sâu về tương lai bền vững cho hệ sinh thái Internet Việt Nam nhằm cùng nhìn lại chặng đường 25 năm đã qua của Internet Việt Nam và cùng định hình tương lai của Internet Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh phiên toàn thể với các bài tham luận và tọa đàm chia sẻ về tương lai bền vững cho Hệ sinh thái Internet Việt Nam là các phiên chuyên môn thể hiện các chủ đề liên quan đến thực trạng và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hệ sinh thái Internet, nhấn mạnh và thúc đẩy các lợi ích mà chuyển đổi số có thể mang lại cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam.
Song song với đó là sự kiện ngoại giao hưởng ứng chuỗi sự kiện 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992 - 22/12/2022); Kết nối và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân để phát triển các ngành công nghiệp CNTT, game và metaverse ở Hàn Quốc và Việt Nam.