Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố báo cáo kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp Bộ, cấp Tỉnh năm 2020. Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã tăng gấp 4,5 lần so với 2019. Tính đến hết quý 3/2021, cả nước đã có 29 Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức độ 4, đạt tỉ lệ gần 35%.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 6/2020 đã xác định rõ quan điểm lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Vì thế, trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số là để phục vụ người dân tốt hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia. Phát triển kinh tế số để người dân giàu hơn và phát triển xã hội số để người dân hạnh phúc hơn.
Cũng với quan điểm đó, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 phê duyệt giữa tháng 6/2021 đã đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025.
Trên cơ sở xác định đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức 4 là một chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này.
Để hiện thực hóa được mục tiêu cao kể trên, theo đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Bộ, tỉnh) cần có cách tiếp cận và cách làm mới, đó là làm trên 1 nền tảng đồng bộ. Với cách làm mới, các Bộ, tỉnh sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí.
Ông Nguyễn Phú Tiến cho biết, quyết tâm thúc đẩy, đôn đốc các Bộ, tỉnh hoàn thành chỉ tiêu đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 trong năm nay, Bộ TT&TT đã có tới 6 văn bản đốc thúc, hướng dẫn triển khai. Trong đó, có hướng dẫn xây dựng kế hoạch, hướng dẫn quy trình, đặc biệt là đưa ra các danh mục dịch vụ công đủ điều kiện đưa lên trực tuyến mức 4 của các tỉnh đã cung cấp để những địa phương chưa cung cấp có thể tham khảo.
Theo thống kê, đến hết quý 3/2021, toàn bộ 20/20 Bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công đều đã ban hành kế hoạch, danh mục các dịch vụ công đủ điều kiện đưa lên trực tuyến mức 4, với các địa phương là 60/63 tỉnh, thành phố, đạt 95%.
Cập nhật số liệu hiện trạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, đại diện Cục Tin học hóa thông tin: Tính đến ngày 20/9/2021, trung bình trên cả nước tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã đạt 48,27%, gấp 4,5 lần so với năm 2019 và gấp 1,5 lần so với năm 2020.
Đặc biệt, đến hết quý 3/2021, đã có 29/83 Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc đưa 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4. Trong đó, 6 Bộ, ngành hoàn thành nhiệm vụ này là Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Bộ KH&CN.
Với các địa phương, 23 tỉnh, thành phố đã cung cấp trực tuyến mức 4 cho người dân, doanh nghiệp toàn bộ 100% dịch vụ công đủ điều kiện gồm có Tây Ninh, Ninh Thuận, Nam Định, Đà Nẵng, Hà Giang, Lào Cai, Hậu Giang, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Phước, Thái Nguyên, Bình Dương, Bến Tre, Hà Nam, Vĩnh Long, Ninh Bình, Kiên Giang, Phú Yên, Lạng Sơn, Sóc Trăng, Bình Định và Bắc Giang.
Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4 cần được ưu tiên hàng đầu
Từ thực tế triển khai thời gian qua, Cục Tin học hóa phân tích, cho đến nay vẫn có nhiều Bộ, tỉnh chưa thực sự coi việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 là việc cấp thiết nhất, cần được ưu tiên hàng đầu và quyết liệt triển khai trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, các Bộ, tỉnh còn gặp vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ này do thiếu kinh phí đầu tư, hoặc không kịp thực hiện quy trình đầu tư; do e ngại về hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 4, hồ sơ xử lý trực tuyến còn ít.
Điều này cũng do phía cơ quan nhà nước chưa khuyến khích người dân sử dụng, chuyển làm việc môi trường số; nhiều người dân thiếu thói quen, kỹ năng, thiết bị sử dụng dịch vụ.
Để tháo gỡ khó khăn này, các Bộ, tỉnh có thể áp dụng kinh nghiệm của TP.HCM. Từ trung tuần tháng 8, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã quyết định giảm 50% lệ phí khi người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 như đăng ký cư trú, hộ tịch; cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; đăng ký kinh doanh; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất; cấp phép xây dựng.
“Trong các tháng tới, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm thực hiện theo Kế hoạch đưa dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức 4 đã được Bộ, tỉnh mình phê duyệt. Cùng với đó, kết nối, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời có chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân sử dụng”, đại diện Cục Tin học hóa khuyến nghị.