30 triệu dữ liệu thông tin người dùng Việt Nam bị rao bán

07:47 | 13/07/2022

Thông tin này được đăng tải trên một diễn đàn hacker từ ngày 8/7 và tin tặc rao bán với giá 3.500 USD. Tài khoản meli0das khẳng định, dữ liệu thu thập từ một website trường học nổi tiếng ở Việt Nam.

Hacker mô tả các thông tin bao gồm tên đăng nhập, email, số điện thoại, họ tên đầy đủ, ngày sinh, trường học, địa chỉ. Đây là những dữ liệu chưa từng rò rỉ trước đây và mới được cập nhật trong tháng 7/2022.

Để tăng sự tin tưởng, meli0das đăng ảnh chụp thông tin của khoảng 70 người, hầu hết là giáo viên và thông tin được cho là đều chính xác. Ngoài ra, hacker này cũng cho biết có thể cung cấp bản xem trước của khoảng 10.000 người, hoặc có thể thương lượng để mua bán các gói dữ liệu nhỏ hơn.


Một phần dữ liệu rò rỉ được hacker chia sẻ công khai.

"Cơ sở dữ liệu này rất hữu ích cho việc tiếp thị hay đánh cắp thông tin, vì con số này tương đương với gần 1/3 dân số Việt Nam", meli0das viết. Số tiền được hacker này đưa ra là 3.500 USD, thanh toán bằng tiền điện tử Monero.

Một chuyên gia bảo mật tại Việt Nam cho biết đã thử liên hệ với hacker nói trên, nhưng tin tặc này "tương đối thận trọng". "Ở nhiều vụ rò rỉ trước, hacker sẵn sàng giao bản sample. Còn meli0das chỉ đồng ý cho xem và mua bán với những tài khoản có độ tin cậy cao trên diễn đàn, hoặc những người có đủ số tiền đưa ra", chuyên gia này cho biết.

Bài viết của hacker cũng được đặt chế độ hạn chế bình luận. Những người muốn mua phải liên hệ qua nền tảng Telegram. Truy tìm theo tên tài khoản, meli0das còn rao bán dữ liệu "360.000 sinh viên Việt Nam" được thu thập từ một website về giáo dục.

Theo kỹ sư bảo mật Ngô Minh Hiếu, với thông tin xem trước nói trên việc rò rỉ có thể là thật. Tuy nhiên, kỹ sư này cũng đánh giá con số 30 triệu vẫn chưa thể xác minh. Thời gian qua, không ít vụ bán dữ liệu diễn ra nhưng thực chất là lừa đảo tiền điện tử.

"Nếu là thật, đây sẽ là một trong những vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam", ông Hiếu cho hay. Với những dữ liệu cá nhân nói trên, kẻ gian có thể sử dụng vào những mục đích xấu như quảng cáo, tống tiền, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ, xâm phạm danh dự, nhân phẩm.

Gần đây, một hacker khác cũng rao bán dữ liệu được cho là của một tỷ người Trung Quốc với giá 200.000 USD. Dữ liệu này cũng chưa được xác minh, tuy nhiên quản trị diễn đàn đã khóa bình luận và xóa bài đăng.