4G có thể được triển khai tại Việt Nam năm 2015

16:33 | 27/03/2015

Trước xu thế phát triển của công nghệ 4G (mạng di động thế hệ thứ 4) hiện nay trên thế giới, việc lựa chọn thời điểm triển khai công nghệ này là rất quan trọng. Bộ TT&TT xác định năm 2015 là thời điểm thích hợp để triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam. Dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức triển khai cấp phép 4G từ đầu năm 2016.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE "Quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ hướng tới đồng nhất công nghệ 4G tại khu vực tiểu vùng sông Mekong" diễn ra ngày 26/3/2015 tại Hà Nội. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các cơ quan, đơn vị từ nhiều Bộ, ngành, Sở TT&TT các tỉnh thành, các Hiệp hội, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài…

Tính đến nay, dịch vụ công nghệ 3G đã chính thức cung cấp ra thị trường Việt Nam được 5 năm, mạng lưới 3G đã được phát triển mạnh cả về độ phủ sóng, thị trường và số lượng khách hàng. Với 3G, người sử dụng có thể đọc tin tức, lượt web, xem phim, tải nhạc, game… Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ nhiều khi chưa thoả mãn người sử dụng, do tốc độ đường truyền dữ liệu còn hạn chế, nhất là những dịch vụ như xem phim độ phân giải cao, chơi game, dịch vụ định vị, giám sát giao thông… 

Trong khi đó, 4G LTE đang phát triển rất nhanh trên thế giới. Theo số liệu của GSA, tính đến hết năm 2014, tổng số thuê bao 4G LTE trên toàn cầu đạt 497 triệu, tăng trưởng hàng năm đạt 140%. Riêng trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng của thuê bao 4G còn nhanh hơn cả thuê bao 3G. Dự kiến đến hết năm 2015, toàn thế giới sẽ có ít nhất 450 mạng LTE trển khai thương mại so với con số 364 mạng đã chính thức cung cấp dịch vụ tại thời điểm cuối năm 2014. Do vậy, 4G sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới, bởi khả năng cho phép người sử dụng có thể truyền tải dữ liệu với tốc độ cao gấp 20 lần so với 3G, truyền số liệu, đa phương tiện tốc độ cao…

Ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, Bộ TT&TT đã quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm LTE từ năm 2010. Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và các điều kiện khác, Việt Nam sẽ cấp phép 4G với mục tiêu sử dụng hiệu quả băng tần cao, khả năng dùng chung, chia sẻ mạng... tạo một môi trường viễn thông ngày càng cạnh tranh và phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của đất nước. 

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai 4G tại Việt Nam sao cho hiệu quả, bền vững là một vấn đề cần được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Do vậy, Hội thảo cần tập trung vào một số vấn đề: Trao đổi các chính sách quản lý nhà nước, bảo đảm thị trường viễn thông phát triển bền vững, hiệu quả khi triển khai mạng 4G LTE, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư của các mạng di động; Các quy hoạch cấp phép băng tần, phương thức cấp phép cho 4G trong tương lai; Các giải pháp cho phép doanh nghiệp OTT, doanh nghiệp viễn thông dần chuyển sang mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu thế phát triển.

Hội thảo bao gồm 01 phiên báo cáo chính và 02 phiên thảo luận chuyên đề.

Tại phiên báo cáo chính “Quy hoạch tổng thể 4G tại Việt Nam và kinh nghiệm triển khai 4G tại các quốc gia khác”, các diễn giả đã giới thiệu một số vấn đề như quản lý và cấp phép tần số 4G tại Việt Nam; những cam kết và lợi ích khi triển khai hệ sinh thái 4G; cơ hội và thách thức khi triển khai 4G tại Việt Nam; bài học kinh nghiệm xây dựng, triển khai công nghệ 4G tại các quốc gia khác. Đại diện lãnh đạo ngành viễn thông đến từ một số quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong cũng đã thảo luận về việc làm thế nào phát triển hài hòa công nghệ 4G tại các quốc gia này. 

Phiên thảo luận Chuyên đề diễn ra diễn ra với chủ đề “Định hướng phát triển công nghệ, hạ tầng và hệ sinh thái 4G”“Đa dạng hoá dịch vụ trên nền tảng 4G”. Các đại biểu đã thảo luận về chủ đề làm thế nào để tối ưu hóa công nghệ, tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu mà vẫn xây dựng được một hạ tầng công nghệ 4G đạt tiêu chuẩn? Xu hướng phát triển dịch vụ nội dung số trên nền tảng 4G và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý. Các diễn giả cũng sẽ tập trung thảo luận về việc làm sao để thu hút được nhiều người sử dụng 4G thông qua những dịch vụ dành cho doanh nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải.... 

Trong thời gian tới, các đơn vị viễn thông Việt Nam sẽ hoàn thành thử nghiệm công nghệ 4G theo sự chỉ đạo của Bộ TT&TT. Qua đó sẽ báo cáo kết quả thử nghiệm và đưa ra những vấn đề cần chú ý trong lộ trình phát triển 4G.

Các đại biểu thăm quan các gian hàng tại Hội thảo

Hội thảo "Quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ hướng tới đồng nhất công nghệ 4G tại khu vực tiểu vùng sông Mekong" do Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT. Bên lề hội thảo là hoạt động triển lãm sản phẩm, thiết bị đầu cuối và giới thiệu công nghệ mới đến từ các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước VNPT, Mobifone, Vinaphone, FPT Telecom, CMC Telecom, Netnam…