85% người dùng Singapore lo ngại về cách các công ty sử dụng dữ liệu của họ

11:58 | 19/12/2022

Tội phạm mạng thường nhắm mục tiêu vào các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi quy mô để đánh cắp dữ liệu nhạy cảm. Với lượng dữ liệu được tạo và lưu trữ, tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng. Các cuộc tấn công mạng và vi phạm dữ liệu có thể gây ra những thiệt hại thảm khốc. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển từ cách tiếp cận phản ứng sang chủ động bảo vệ an ninh mạng trong kỷ nguyên số, nhằm bảo vệ dữ liệu của mình.

Một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi OpenText tiết lộ rằng 9/10 người dân Singapore đang lo lắng về cách dữ liệu cá nhân của họ được quản lý và bảo vệ. Cũng tại Singapore, các tổ chức, doanh nghiệp phải hứng chịu trung bình 54 sự cố bảo mật/ngày, các mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng và 62% chuyên gia an ninh mạng cảm thấy khó có thể ứng phó kịp.

Nghiên cứu mới từ OpenText cho thấy mức độ quan tâm ngày càng tăng của người dân Singapore đối với quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19. Kết quả khảo sát cho thấy sự thiếu hiểu biết tổng thể về dữ liệu cụ thể nào được lưu trữ và vì lý do gì, cũng như sự thiếu tin tưởng vào cách các tổ chức, doanh nghiệp lưu trữ và quản lý dữ liệu đó.

Chìa khóa để khôi phục niềm tin đó nằm ở việc quản trị và bảo vệ thông tin tốt hơn, kết hợp chiến lược quản lý thông tin tổ chức, doanh nghiệp mạnh mẽ với bảo mật nhiều lớp và bảo vệ dữ liệu, mang lại sự đảm bảo cao hơn và mang lại lợi thế về thông tin.

Mối quan tâm ngày càng tăng từ giải pháp số của chính phủ

Người dân Singapore đang trở nên cảnh giác hơn với những người có quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của họ trong hai năm đại dịch bùng phát trở lại đây. Điều này là do mô hình làm việc từ xa trở nên phổ biến hơn, sự chuyển đổi sang thực hiện các công việc hàng ngày trực tuyến và chính phủ triển khai các giải pháp số như ứng dụng truy vết TraceTogether, thiết bị Bluetooth có thể đeo được (TraceTogether token), hệ thống check-in SafeEntry... Theo đó, người dân Singapore phải sử dụng các ứng dụng TraceTogether/token để quét mã QR của SafeEntry tại từng địa điểm; hoặc chạm điện thoại/token vào thiết bị SafeEntry để check-in nhằm giúp truy vết và kiểm soát dịch Covid-19.

Mặc dù, Chính phủ Singapore cho biết việc quản lý, kiểm soát và bảo vệ dữ liệu liên quan tới các ứng dụng trên được thực hiện rất nghiêm ngặt. Nhưng theo kết quả nghiên cứu từ OpenText, 85% người dân cho biết họ có những lo ngại về cách các tổ chức đang xử lý dữ liệu của họ kể từ khi đại dịch bùng phát.

Những lo ngại này khiến 2/5 (39%) những người được khảo sát nói rằng họ sẽ ngừng sử dụng hoặc mua hàng từ một tổ chức, doanh nghiệp mà họ đã trung thành trước đây nếu tổ chức, doanh nghiệp đó không bảo vệ hoặc làm rò rỉ dữ liệu cá nhân của họ. Ngoài ra, 7/10 (69%) khẳng định sẵn sàng trả thêm tiền để sử dụng hoặc mua hàng từ một tổ chức, doanh nghiệp có triển khai các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Mối quan tâm về bảo vệ dữ liệu trong bối cảnh bình thường mới

Khi thế giới bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, người dân Singapore ngày càng quan tâm hơn đến việc dữ liệu của họ đang được quản lý và bảo vệ như thế nào trong giai đoạn bình thường mới này. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để hạn chế tiếp xúc, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc từ xa với sự hỗ trợ của các nền tảng, giải pháp công nghệ. Trong giai đoạn bình thường mới, nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn áp dụng phương pháp làm việc phân tán để có thể tận dụng được nhân tài toàn cầu, cho phép mọi người làm việc ở không gian hiệu quả nhất với họ để nâng cao hiệu suất làm việc cũng như đảm bảo đầy đủ các mục tiêu mà tổ chức, doanh nghiệp đặt ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng mô hình làm việc phân tán đang khiến 9/10 (89%) người tham gia khảo sát lo lắng hơn về dữ liệu cá nhân của họ và 2/5 (39%) người mong đợi các tổ chức, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng mọi thứ đều an toàn, bất kể nhân viên của họ làm việc từ đâu.

Chưa kể rằng việc sử dụng các ứng dụng chẳng hạn như TraceTogether không còn bắt buộc khiến cứ 5 người Singapore được hỏi thì có 2 người (39%) lo lắng rằng dữ liệu của họ sẽ không bị xóa ngay cả khi không còn cần thiết để phòng chống dịch CovidD-19.

Nâng cao nhận thức về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu

Do nhận thức của người dân về các luật liên quan tới quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu được nâng cao, các tổ chức, doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp để đảm bảo dữ liệu của người tiêu dùng được an toàn. Gần một nửa (46%) người dùng Singapore cho rằng họ có hiểu biết chung về các quy định pháp luật về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, tăng hơn 40% khi đại dịch bùng phát. Điều này cho thấy đại dịch đã khiến người dân Singapore ý thức hơn về pháp luật bảo mật dữ liệu. Sự hiểu biết chung về các quy tắc bảo mật dữ liệu cũng đã được cải thiện, nhưng vẫn cần được giáo dục nhiều hơn để nâng cao nhận thức.

"Các tổ chức, doanh nghiệp cần thúc đẩy cách tiếp cận tích hợp, tập trung vào dữ liệu để quản lý thông tin và quản lý quyền riêng tư bằng cách tận dụng các công cụ phát hiện và phân loại để giảm thiểu rủi ro liên quan đến cách họ xử lý quyền riêng tư và dữ liệu nhạy cảm, cũng như bảo mật nội dung với khả năng phân loại và lưu trữ mạnh mẽ hơn. Trong thế giới hậu đại dịch ngày nay, các tổ chức, doanh nghiệp phải khai thác lợi thế thông tin của mình để bảo vệ thông tin của khách hàng và giảm bớt mối lo ngại cũng như xây dựng được niềm tin của họ", Andy Teichholz, nhà chiến lược toàn cầu về tuân thủ và pháp lý tại OpenText cho biết.