Các quy định mới yêu cầu tất cả các công ty truyền thông xã hội phải có ba đại diện ở Ấn Độ, gồm: một viên chức tuân thủ - người sẽ đảm bảo họ tuân thủ luật pháp địa phương; một nhân viên giải quyết khiếu nại - có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại từ người dùng Ấn Độ về nền tảng của họ; một người liên hệ để các cơ quan thực thi pháp luật Ấn Độ có thể liên hệ 24/7.
Các công ty cũng sẽ phải công bố báo cáo tuân thủ hàng tháng, nêu chi tiết số lượng khiếu nại mà họ nhận được và cách thức mà họ giải quyết khiếu nại đó. Các nền tảng xã hội cũng bị yêu cầu xóa bỏ một số nội dung, bao gồm các bài đăng có ảnh/video đồi trụy, những hình ảnh kích động bạo lực,....
Chính phủ Ấn Độ cho biết, các mạng xã hội lớn sẽ có 3 tháng để tuân thủ các thay đổi chính sách, trong khi các mạng xã hội nhỏ hơn sẽ phải tuân thủ ngay lập tức.
Các quy định mới được đưa ra sau khi quan hệ giữa Twitter và Chính phủ Ấn Độ trở nên căng thẳng. Twitter đã khôi phục một số tài khoản mà Chính phủ này trước đó ra lệnh gỡ bỏ với cáo buộc sử dụng thẻ hashtag gây bạo động và vô căn cứ có liên quan đến việc nông dân phản đối các biện pháp cải cách nông nghiệp.
Twitter cuối cùng đã gỡ xuống hàng trăm tài khoản và hạn chế một phần những tài khoản khác, nhưng từ chối chặn tài khoản của các nhà báo, nhà hoạt động và chính trị gia.
Ravi Shankar Prasad, Bộ trưởng Điện tử và Thông tin của Ấn Độ nhấn mạnh rằng, trong khi Chính phủ hoan nghênh những lời chỉ trích và quyền phản đối của người dân thì các công ty công nghệ cần phải làm nhiều hơn để chống lại việc lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội.
Facebook cho biết họ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định mới. Phát ngôn viên của Facebook cho biết: “Với tư cách là một công ty, chúng tôi hoan nghênh các quy định đưa ra hướng dẫn giải quyết những thách thức khó khăn nhất hiện nay trên internet. Facebook là đồng minh của Ấn Độ và chương trình nghị sự về an toàn và bảo mật của người dùng là một yếu tố quan trọng cho nền tảng của chúng tôi".
Twitter cũng cho biết họ đang nghiên cứu các quy tắc với mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ Ấn Độ để đạt được sự cân bằng giữa tính minh bạch, quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư. "Chúng tôi tin rằng quy định có lợi khi nó bảo vệ các quyền cơ bản của công dân và củng cố các quyền tự do trực tuyến".
Một số điều khoản khác trong các quy tắc của Ấn Độ có thể gây tranh cãi nhiều hơn, đặc biệt là yêu cầu truy tìm người khởi tạo đầu tiên của các tin nhắn hoặc bài đăng có vấn đề được lan truyền.
WhatsApp, ứng dụng nhắn tin di động thuộc sở hữu của Facebook cực kỳ phổ biến ở Ấn Độ, trước đây đã từ chối những yêu cầu đó, nói rằng nó sẽ phá vỡ mã hóa đầu cuối của ứng dụng.
Sự leo thang ở Ấn Độ tạo ra một thách thức đặc biệt cho Thung lũng Silicon vì quốc gia Nam Á này đại diện cho một trong những thị trường lớn nhất. Ấn Độ có nhiều người sử dụng Iinternet hơn bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Trung Quốc, nhưng New Delhi đã cho thấy xu hướng ngày càng tăng trong việc quản lý và hạn chế (hoặc thậm chí cấm hoàn toàn) các công ty công nghệ nước ngoài trong những năm gần đây.
Hiện WhatsApp có 530 triệu người dùng tại nước này. Nền tảng hàng đầu của Facebook có 410 triệu người dùng và Instagram do Facebook sở hữu có 210 triệu. YouTube và Twitter có lần lượt khoảng 450 triệu và 17,5 triệu người dùng.