Chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Cách đây hơn 20 năm, khi lần đầu tiên kết nối Internet, Việt Nam đã đặt những “dấu chân” đầu tiên trên một miền không gian hoàn toàn mới - không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã đi được một hành trình dài trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam chủ động khai thác triệt để các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
"Chuyển đổi số là cuộc chuyển đổi toàn diện từ không gian thực lên không gian số, cho phép đưa toàn bộ hoạt động lên không gian số. Cuộc dịch chuyển này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giống như khai phá những vùng đất mới, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo dư địa và mở ra không gian phát triển mới cho đất nước", Bộ trưởng cho hay.
Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Chuyển đổi số không phải là cuộc cách mạng của công nghệ mà là cuộc cách mạng về thể chế. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới. Chỉ có đổi mới sáng tạo, Việt Nam mới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ số, kinh tế số và xã hội số quốc gia. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.
Chuyển đổi số còn là cuộc cách mạng của toàn dân. Chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại. Chuyển đổi số mang trong mình sứ mệnh lớn lao, đó là phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, …) tới từng người dân để phục vụ người dân tốt hơn. Chuyển đổi số tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Năm 2020, được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số được thay đổi đột biến. Năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương. Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia. Nhận thức của toàn xã hội về chuyển đổi số được thay đổi đột biến. Năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/020) với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước, đặt ra các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh...
Để đạt được mục tiêu đó, cần có quyết tâm và đột phá với cách làm mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn. Phát huy nội lực là cách làm của Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng độc lập”. Trong thời đại số, khi không gian mạng đã trở thành không gian chiến lược thứ năm, chuyển đổi số đặt ra yêu cầu cấp bách về việc tự chủ trên không gian mạng, di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trở thành kim chỉ nam xuyên suốt cho quá trình chuyển đổi số của Việt Nam: làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia dựa trên các sản phẩm “Make in Viet Nam”.
An toàn, an ninh mạng là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số
Thứ nhất, về vấn đề làm chủ hạ tầng số, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ di động 5G, làm chủ hạ tầng điện đám mây thông qua các nền tảng “Make in Viet Nam”. Bên cạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc làm chủ hạ tầng số, làm chủ dữ liệu của người Việt là nhiệm vụ chiến lược, cần được ưu tiên hàng đầu.
Thứ hai, vấn đề làm chủ các nền tảng số. Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy Chính phủ số, chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Nhanh hơn ở chỗ các nền tảng đã sẵn sàng đưa vào sử dụng, dùng chung. Giảm chi phí ở chỗ không cần đầu tư kinh phí và thời gian phát triển mới từng phần mềm. Dịch vụ được cung cấp qua các nền tảng số sẽ ngày càng rẻ như hoá đơn điện nước nếu có lượng người dùng lớn. Và vì vậy, chuyển đổi số dựa trên các nền tảng số sẽ trở nên hiệu quả.
Thứ ba, vấn đề làm chủ không gian mạng quốc gia, hướng tới phát triển không gian mạng quốc gia an toàn, lành mạnh, nhân văn và rộng khắp. Nếu coi chuyển đổi số là một vũ khí sắc bén để mở rộng không gian mạng quốc gia, thì an toàn, an ninh mạng sẽ là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số. An toàn, an ninh mạng phải song hành và trở thành một phần không thể tách rời của chuyển đổi số.
Phát triển hạ tầng số an toàn (SAFE), tin cậy (TRUST), tạo niềm tin số cho xã hội khi tham gia vào các hoạt động trên không gian mạng, từ đó thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển. Trong năm 2021, mỗi người dân sẽ có cơ hội sở hữu một danh tính số và được xác thực khi tham gia vào các dịch vụ trực tuyến để bảo đảm an toàn và nâng cao mức độ tin cậy của các dịch vụ. Phổ cập định danh và xác thực điện tử sẽ góp phần tạo ra một không gian mạng quốc gia an toàn, văn minh và rộng khắp.
Đặt mục tiêu đưa Việt Nam thành cường quốc an toàn, an ninh mạng với trọng tâm là làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Với năng lực làm chủ tới hơn 90% hệ sinh thái vào năm 2020, Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào và tin tưởng rằng hệ sinh thái Make in Viet Nam sẽ đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng và cùng với các nền tảng số Việt Nam vươn ra toàn cầu. Công nghiệp an toàn, an ninh mạng nội địa chiếm lĩnh thị trường trong nước, doanh số tăng trưởng 25-30%/năm.
Thứ tư, vấn đề làm chủ công nghệ sản xuất “Make in Viet Nam”, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Với lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đông đảo, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số. Đây là tiền đề vững chắc để hình thành nền một ngành công nghiệp không khói, hàm lượng chất xám cao, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng; phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.