An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia

13:40 | 30/11/2019

Phát biểu khai mạc Hội thảo ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019, đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: “Bảo đảm an toàn, an ninh không gian mạng đồng nghĩa với xây đắp cho tương lai, giúp đất nước thịnh vượng hơn. An toàn, an ninh mạng là điều kiện cơ bản, yếu tố sống còn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.”

Đồng chí nhận định rõ, Thế giới và Việt Nam đã và đang bước vào không gian mạng với cuộc cách mạng số, trong đó có nhiều thách thức và cơ hội song hành. Không gian mạng là một không gian hoàn toàn mới, cứ mỗi giây lại có khoảng 108 cuộc tấn công mạng và 32 mã độc mới được tạo ra. Trên không gian mạng, các quốc gia phải đối mặt với những thách thức giống nhau, và vì vậy, có cơ hội để trở thành một thế giới sát cánh bên nhau.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai mạc Hội thảo ngày An toàn thông tin Việt Nam 2019

Trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam năm 2019 năm nay, với chủ đề “Nâng tầm an toàn, an ninh mạng quốc gia trong kỷ nguyên số”, đồng chí Bộ trưởng TT&TT đã chỉ ra một một số nội dung cần thực hiện như sau:

Thứ nhất, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách nghĩ.

Nếu như trước đây, chúng ta đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trước, thì giờ đây, ứng dụng và phát triển CNTT phải song hành cùng an toàn, an ninh mạng.

Trong mọi dự án CNTT đều phải có cấu phần an toàn, an ninh mạng như một cấu phần bắt buộc. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạng tối thiểu 10% tổng kinh phí chi cho CNTT. Ở Việt Nam hiện nay, tỷ lệ này đang ở mức dưới 5%.

Nếu như trước đây khi xảy ra ra sự cố, thì chúng ta cố gắng giữ kín, càng ít người biết càng tốt, thì giờ đây, theo Bộ trưởng, chúng ta phải hiểu rằng: không ai an toàn một mình trong không gian mạng. Càng chia sẻ, chúng ta càng an toàn hơn.

“Không chia sẻ thì sau chúng ta lại sẽ là một ai đấy nữa bị tấn công tương tự, và sau đó lại là một người tiếp theo, và cứ như vậy. Mức độ bảo đảm an toàn, an ninh mạng của một cơ quan, tổ chức không phải nằm ở việc cơ quan, tổ chức đó có bị tấn công hay không? Mà nằm ở cách thức cơ quan, tổ chức đó phản ứng như thế nào sau khi bị tấn công.

Chúng ta cần phải có một mạng lưới chuyên gia và đơn vị chuyên trách dưới sự điều phối của cơ quan chức năng. Thông tin phải được chia sẻ kịp thời. Khi sự cố xảy ra với một đơn vị, các đơn vị sẽ cùng coi đây là trách nhiệm của mình, sẵn sàng tham gia ứng cứu theo sự điều phối chung, vì một không gian mạng an toàn hơn cho tất cả chúng ta”.

Thứ hai,  đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách làm.

Nếu như trước đây, khi đầu tư, chúng ta thường chú trọng đầu tư cho giải pháp, thiết bị mà ít chú trọng đến con người, quy trình, thì giờ đây, con người là quan trọng nhất, sau đó đến quy trình, rồi mới đến giải pháp, thiết bị. Mỗi cơ quan, tổ chức cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý, cân đối cả 3 yếu tố này.

Nếu như trước đây, chúng ta thường tự đầu tư, tự bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho cơ quan, tổ chức của mình, thì giờ đây, chúng ta phải hiểu rằng, những dịch vụ tốt nhất được cung cấp bởi những doanh nghiệp (DN) chuyên nghiệp nhất.

Các cơ quan, tổ chức một mặt kiện toàn lực lượng tại chỗ, mặt khác thuê dịch vụ giám sát, bảo vệ của các DN đã được Bộ TTTT cấp phép. Định kỳ thực hiện kiểm tra, đánh giá. Bộ TTTT giao Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục ATTT thực hiện giám sát quốc gia trên không gian mạng để phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “An toàn, an ninh mạng luôn là điều kiện tiên quyết để phát triển chính phủ điện tử".

Thứ ba, về việc nâng cao tiềm lực an toàn, an an ninh mạng quốc gia.

Việt Nam cần phải làm chủ công nghệ để bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cơ quan, tổ chức nhà nước phòng, chống tấn công mạng, ưu tiên sử dụng các sản phẩm “Make in Vietnam”. Tới đây, Bộ TT&TT sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp (DN) tiên phong nhằm phát triển hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam phục vụ CPĐT, đô thị thông minh và hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Hệ sinh thái là một mô hình tổng thể, toàn diện và đầy đủ các giải pháp. DN có thế mạnh về giải pháp nào sẽ được giao để tập trung phát triển sâu, chuyên nghiệp về giải pháp đó, được ưu tiên và khuyến nghị sử dụng.

Cùng với đó, một Liên minh cũng sẽ được thành lập nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển sản phẩm, bảo đảm các sản phẩm có sự liên thông, kết nối. Liên minh DN này cũng cam kết sử dụng sản phẩm của nhau để cung cấp một giải pháp tổng thể cho khách hàng.

Việt Nam có lợi thế lớn khi có xấp xỉ 1 triệu nhân lực trong lĩnh vực ICT. Nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng vào loại tốt trên thế giới, với những chuyên gia đạt đẳng cấp quốc tế.

Cùng với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, với sự ủng hộ của Nhà nước và liên kết chặt chẽ của Liên minh, Việt Nam hoàn toàn có thể sinh ra những DN lớn mạnh để trở thành cường quốc an toàn, an ninh mạng, nhằm bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng. Và chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội ấy.

Bộ trưởng cũng cho biết: Thời gian vừa qua, cơ quan nhà nước và các DN, chuyên gia đang chung tay, chung sức bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT luôn sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN phát triển. Đặc biệt là DN an toàn, an ninh mạng. Cơ quan quản lý nhà nước gần đây đã áp dụng một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Các DN an toàn, an ninh mạng cũng cần một sự đột phá trong tư duy và phương pháp tiếp cận. Chúng ta luôn phải tự tin và vào cuộc thực sự để thực hiện khát vọng của mình.

Qua 12 năm được tổ chức, Ngày ATTT Việt Nam đã trở thành một sự kiện thường niên quan trọng, là diễn đàn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, giải pháp, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về ATTT. Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi và đề nghị:

Thứ nhất, các cơ quan, tổ chức và toàn thể cộng đồng cùng tham gia bảo đảm một không gian mạng an toàn, lành mạnh, rộng khắp. Cần rất nhiều nỗ lực để thực hiện điều này. Cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và chuyên gia an toàn, an ninh mạng cần là những người có sứ mệnh tiên phong mở đường, chung vai gánh vác trách nhiệm này.

Thứ hai, Hiệp hội ATTT Việt Nam cần đẩy mạnh, thay đổi tư duy và đổi mới hoạt động, giữ vai trò hạt nhân đối với các DN an toàn, an ninh mạng, trở thành cầu nối, sợi dây liên kết giữa các tổ chức, DN trong nước và nước ngoài.

Những sự kiện như Ngày ATTT Việt Nam hàng năm cần được tổ chức nhiều hơn và thiết thực hơn nữa, phát triển thành sự kiện quy mô khu vực và quốc tế.

Thứ ba, Việt Nam cần tham gia tích cực, đóng góp thiết thực hơn cho các hoạt động an toàn, an ninh mạng quốc tế. Đặc biệt đối với các hoạt động do Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) khởi xướng. Tạo ra một không gian mạng Việt Nam an toàn, chia sẻ thông tin, tổ chức các sự kiện khu vực và quốc tế, đóng góp cho thị trường quốc tế. Các DN lớn mạnh, sản phẩm an toàn, an ninh mạng chất lượng cao là phương pháp tốt nhất để thực hiện mục tiêu này.