An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn

08:04 | 11/11/2020

Đây chính là chủ đề của Hội thảo và Triển lãm quốc tế về An toàn, an ninh mạng 2020, đã được diễn ra vào ngày 10/11/2020 tại Hà Nội, với sự góp mặt của một số đại diện lãnh đạo các cấp và ban, ngành, cũng như các đại biểu cấp cao đến từ khối Chính phủ, Tài chính - Ngân hàng, Bảo hiểm,... cùng hơn 30 tập đoàn và doanh nghiệp bảo mật hàng đầu trong nước và quốc tế như Công ty An ninh mạng Viettel, Fortinet, Darktrace,...

Với mong muốn hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng cập nhật và thích ứng với các xu hướng an toàn, an ninh mạng thế hệ mới, Hội thảo đã được diễn ra dưới sự đồng bảo trợ và chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông; phối hợp chuyên môn với Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86) tổ chức.

Với chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn”, Hội thảo hướng đến mục tiêu cung cấp một diễn đàn giúp các chuyên gia, nhà cung cấp giải pháp hàng đầu trong và ngoài nước trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực ứng phó với các rủi ro an toàn, an ninh mạng phi truyền thống và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng.

Hội thảo đã diễn ra với 01 Phiên Báo cáo chính được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến và 02 Hội thảo chuyên đề. Phiên Báo cáo chính của sự kiện có chủ đề “An toàn bảo mật thông tin trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn”, đã đưa ra cái nhìn tổng quan về tình hình an toàn, an ninh mạng và xu hướng bảo mật hàng đầu hiện nay cùng với những định hướng triển khai đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu.

Trong đó, công ty An ninh mạng Viettel đã tham dự Hội thảo và đóng góp tham luận với chủ đề “Tấn công mạng 3 quý đầu năm tại Việt Nam và một số giải pháp”, được ông Lê Quang Hà, Giám đốc Giải pháp An toàn thông tin cho Doanh nghiệp, Công ty An ninh mạng Viettel trình bày. Nội dung của bài tham luận này tập trung vào tình hình tấn công mạng tại Việt Nam 2020 và một số cách tiếp cận mới để hạn chế tấn công.

Ông Lê Quang Hà cho biết, trong năm vừa qua, tình hình tấn công mạng ở Việt Nam tiếp tục gia tăng. Trong đó, tấn công giả mạo nhắm vào một số tổ chức lớn, các ngân hàng và 26.055 người dùng. Tấn công giả mạo chủ yếu qua hình thức kỹ thuật xã hội như qua tin nhắn, cuộc gọi giả mạo, lợi dụng nỗi sợ hãi và mất cảnh giác, nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Về tấn công có chủ đích APT, có 8 nhóm tấn công có chủ đích nguy hiểm đang hoạt động nhắm vào 156 tổ chức tại Việt Nam. Tấn công thay đổi giao diện web deface đỉnh điểm nhất là trong tháng 6/2020 với 76 cuộc tấn công vào các trang web thuộc chính phủ, nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng nền tảng CMS cũ.

Tấn công DDoS cũng lên tới 3.044.685 cuộc tấn công từ đầu năm đến tháng 10/2020. Xu hướng làm việc tại nhà do đại dịch COVID-19 cũng dẫn đến bề mặt tấn công lớn hơn, rủi ro đối với các thiết bị đầu cuối cao hơn và các kết nối ít đáng tin cậy hơn.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất một số hướng tiếp cận mới có thể triển khai để giảm thiểu tấn công bao gồm: cải thiện thời gian trung bình để phát hiện và thời gian trung bình để ứng phó (MTTD & MTTR), xây dựng trung tâm điều hành an ninh (SOC) hoạt động 24/7, khắc phục những điểm mù trong hệ thống an ninh mạng, chủ động ngăn chặn tấn công, điều phối và tự động hóa, áp dụng mô hình bảo mật zero-trust…

Trong bối cảnh việc lưu trữ, bảo mật dữ liệu của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước đang đặt ra nhiều vấn đề, phiên Tọa đàm cấp cao mang lại những chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, những chiến lược an toàn, an ninh mạng của các quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo mật, lưu trữ dữ liệu, quản trị rủi ro.

Toàn cảnh phiên Tọa đàm

Đặc biệt, dịch vụ Giám sát và sử lý sự cố an toàn thông tin do Công ty An ninh mạng Viettel phát triển đã được trình diễn tại Triển lãm những ưu điểm nổi bật như: Hỗ trợ giám sát và ứng cứu sự cố 24/7/365; Hỗ trợ giám sát và ứng cứu sự cố trên tất cả các lớp trong hệ thống; Thực hiện bảo vệ chủ động định kỳ; Được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm có năng lực xử lý các sự cố phức tạp nhất; Tổ chức quản lý, vận hành và phối hợp theo 6 nhóm nhân sự: SOC manager, Content, Threat & 3 Tier giám sát.

Các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm của Công ty An ninh mạng Viettel