An toàn mạng LAN 5G riêng dành cho doanh nghiệp - Đ/c Thuỷ đã gửi phản biện => gửi tác giả => chuyển tc in

10:00 | 01/04/2022

Khi công nghệ phát triển và chi phí bắt đầu giảm xuống, mạng LAN 5G đang dần thay thế cho các mạng wifi của các doanh nghiệp. Kết nối không dây trong doanh nghiệp từ lâu đã được sử dụng thông qua wifi, nhưng mô hình đó đang thay đổi khi có sự xuất hiện của 5G. Đây dường như là sự thay đổi tất yếu và sẽ tạo ra thị trường cho các mạng LAN 5G.

Việc chuyển từ wifi sang 5G là một sự thay đổi tạo ra nhiều kết quả mới. Cả wifi và 5G đều có thể tồn tại trong cùng một môi trường với nhau, cung cấp các chức năng bổ sung cho nhau. Có thể nói rằng, hai công nghệ này về cơ bản cung cấp những thứ giống nhau, đó là truy cập Internet chất lượng cao, tuy nhiên chúng lại có nhiều điểm khác nhau.

Wifi sử dụng phổ tần không được cấp phép, có chi phí triển khai và bảo trì thấp hơn và là môi trường lý tưởng để kết nối số lượng lớn các thiết bị như PC và máy tính bảng. Để truy cập an toàn thì mạng wifi yêu cầu SSID và yêu cầu người dùng cuối phải xác thực thủ công ít nhất một lần.

5G (phát triển từ 4G LTE) là một dịch vụ mà các nhà cung cấp dịch vụ di động yêu cầu một số loại đăng ký để có thể truy cập mạng. Nó cung cấp phạm vi kết nối rộng hơn và có thể kết nối nhiều thiết bị khác nhau như: điện thoại thông minh, thiết bị IoT, ô tô,... Việc xác thực mạng 5G cần ít sự can thiệp của con người hơn so với wifi; 5G dựa trên SIM nằm trên thiết bị thay vì SSID và hơn nữa mạng LAN 5G riêng sẽ cung cấp tính năng quản lý truy cập chi tiết, người dùng cuối không phải làm bất cứ điều gì để kết nối.

Các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa 5G bằng cách sử dụng công nghệ tạo mạng LAN riêng. Có thể thấy đây là sự kết hợp đơn giản của một mạng LAN không dây điển hình với những lợi ích của công nghệ 5G.

Lợi ích và hạn chế của mạng LAN 5G riêng trong doanh nghiệp

Các doanh nghiệp có thể quyết định chuyển dần sang sử dụng mạng LAN 5G hoặc thay đổi theo từng giai đoạn. Họ có thể sử dụng cả mạng wifi và 5G song song với nhau. Mạng LAN 5G riêng hoạt động song song với các mạng dựa trên wifi và chúng sẽ phục vụ các nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên, mạng LAN 5G sẽ cung cấp vùng phủ sóng tốt hơn và khôi phục kết nối đáng tin cậy hơn, đảm bảo sự ổn định của giao tiếp trong các môi trường quan trọng, đối với những ứng dụng kinh doanh quan trọng không được có độ trễ, mất đường truyền hoặc thay tốc độ truyền. Mạng LAN 5G giúp giải quyết nhiều thách thức cố hữu mà các doanh nghiệp phải đối mặt với công nghệ không dây thông thường.

Có thể thấy rằng, mạng LAN 5G cung cấp hiệu suất không dây cao, phạm vi phủ sóng không dây rộng khắp và khả năng di động không bị gián đoạn ở mức an toàn cao. Một lợi ích đáng kể khác của mạng LAN 5G là tính linh hoạt của chất lượng dịch vụ, các doanh nghiệp có thể cấp cho các ứng dụng chất lượng dịch vụ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ quan trọng của chúng.

Bên cạnh đó, cũng có những khó khăn khi phát triển mạng LAN 5G, phần lớn nó liên quan đến sự hỗ trợ của thiết bị. Các doanh nghiệp có thể cần đầu tư vốn vào các thiết bị mới hỗ trợ kết nối CBRS di động gốc hoặc trên các cổng thích ứng với hệ thống wifi hoặc Ethernet cũ, đồng thời cũng phải tính đến chi phí triển khai ban đầu và chi phí này thường cao hơn so với mạng wifi.

Các trường hợp sử dụng mạng LAN 5G cho doanh nghiệp

Công nghệ mạng LAN 5G riêng được sử dụng nổi bật và hiệu quả đáng kể trong các ngành nghề sau:

- Nông nghiệp (sử dụng máy bay không người lái phun thuốc, máy thu hoạch hái sản phẩm và theo dõi cây trồng);

- Nhà kho và hậu cần (robot, xe nâng tự động và giao hàng bằng máy bay không người lái);

- Bệnh viện (điều dưỡng có sự hỗ trợ của robot và phẫu thuật từ xa);

- Quản lý sân vận động (phân tích người chơi, trải nghiệm đám đông, máy quay người chơi và máy bay không người lái);

- Cảng và sân bay;

- Bán lẻ (phòng thử đồ có hỗ trợ công nghệ thực tế ảo và mua sắm không cần thu ngân).

Hầu hết các ngành nghề kinh doanh này là những trường hợp yêu cầu tính di động liền mạch và kết nối đáng tin cậy. Có thể thấy, mạng LAN 5G có thể hỗ trợ nhiều trường hợp sử dụng và hoạt động tốt hơn wifi trong các tình huống khác nhau, hỗ trợ IoT, các giao tiếp quan trọng và có độ trễ cực thấp.

Mạng LAN 5G mang lại những lợi ích hấp dẫn cho các nhà sản xuất vì các công nghệ hỗ trợ 5G là nền tảng phát triển tiên tiến của các nhà máy hiện đại. Chúng phục vụ cho các công nghệ cao và nắm vai trò thiết yếu, chẳng hạn như xe tự lái, phương tiện dẫn đường tự động (AGV), thực tế ảo,… Hơn nữa, mạng LAN 5G cho phép các doanh nghiệp có khả năng xây dựng kết nối trong các nhà máy mà không cần dây hoặc cáp. Với mạng này, các nhà máy thông minh có thể triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và học sâu (DL) một cách nhanh chóng mà không làm gián đoạn dây chuyền sản xuất và chuỗi cung ứng.

Hiện nay, một ứng dụng lớn khác cho mạng LAN 5G đang được phát triển gọi là Mạng máy chủ trung lập (NHN). Trước đây, các tổ doanh nghiệp muốn xây dựng mạng di động riêng sẽ cần đầu tư vào các trạm gốc, thiết bị biên và đóng vai trò là nhà điều hành mạng để đảm bảo mạng hoạt động trơn tru. Giờ đây, một mạng duy nhất có thể được chia sẻ giữa nhiều bên để giảm chi phí và chi phí quản lý.

Ưu điểm và rủi ro về an toàn bảo mật

Mạng 5G được thiết kế sử dụng các dải tần số cao, hoạt động trong băng tần bước sóng milimet, dao động trong khoảng 30-300 GHz. Do đó tốc độ mạng 5G có thể đạt đến 10 Gbp/s, thậm chí cao hơn. Trong điều kiện lý tưởng và ổn định, tốc độ mạng 5G sẽ tương đương với tốc độ cáp quang. Trên thực tế, tại Việt Nam, mạng 5G của Viettel đã đạt tốc độ truyền dữ liệu kỷ lục là 4,7 Gbp/s, cao hơn 40 lần tốc độ 4G hiện có. Hơn nữa, mạng 5G có độ trễ cực thấp trong khoảng 5-20 ms và có thể cải tiến đẩy độ trễ của mạng 5G xuống chỉ còn 1 ms.

Công nghệ 5G có khả năng tương thích ngược với mạng khác, nó sẽ bổ sung thêm kiến trúc mới cho mạng truy nhập vô tuyến đám mây với các trung tâm dữ liệu nano hỗ trợ các chức năng mạng dựa trên máy chủ như cổng IoT công nghiệp, bộ nhớ đệm video và chuyển mã cho định dạng UltraHD (độ nét siêu cao). Mạng 5G còn hỗ trợ cấu trúc liên kết với các mạng không đồng nhất, tạo thuận tiện hơn cho người dùng, mang đến sự gia tăng đáng kể trong các trạm gốc và các yêu cầu mới cho đường truyền kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ với các trạm phân phối tới người dùng đầu cuối.

Tuy nhiên, giống như hầu hết các tiến bộ phát triển công nghệ khác, mối quan tâm về an toàn bảo mật luôn là vấn đề cần phải được giải quyết. Với sự gia tăng của các cuộc tấn công mã độc tống tiền, mối đe dọa từ các tổ chức nhà nước quốc gia,… thì các doanh nghiệp cần phải làm nhiều hơn khi nói đến vấn đề an ninh mạng. Đây dường như là một lưu ý đầu tiên trong quá trình lập kế hoạch phát triển mạng 5G.

Những rủi ro tiềm ẩn về an ninh bảo mật mạng 5G mà tin tặc có thể lợi dụng gồm có:

Lỗ hổng bảo mật của dịch vụ viễn thông và cơ sở hạ tầng: khi công nghệ 5G ngày càng phát triển kéo theo sự gia tăng của các thiết bị phần cứng, những phần mềm mới cũng như những mô hình, cách thức quản trị mới xuất hiện. Điều này dẫn đến các lỗ hổng bảo mật, nguy cơ rủi rơ cũng sẽ gia tăng theo để những kẻ tấn công phá hoại kết cấu hạ tầng mạng viễn thông, gây gián đoạn, làm giảm chất lượng đường truyền, gây ảnh hưởng lớn đến kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp. Tin tặc có thể lợi dụng các lỗ hổng bảo mật phát tán mã độc nhằm phá hủy hệ thống hay lợi dụng thực hiện tấn công từ chối dịch vụ DDoS.

Quyền riêng tư và an toàn của người dùng dễ bị tổn thương: sự phổ biến của 5G cùng với xu thế IoT đồng nghĩa với việc mọi thiết bị có kết nối Internet, các trạm thu phát sóng siêu nhỏ được triển khai ở mọi nơi. Như vậy, tin tặc có thể thu thập và theo dõi chính xác vị trí của người dùng, dễ dàng hơn trong việc nắm bắt hành vi và lịch sử truy cập của người dùng. Một vấn đề khác là các nhà cung cấp dịch vụ mạng sẽ có quyền truy cập sâu hơn, rộng hơn vào lượng dữ liệu lớn được gửi tới từ nhiều thiết bị của người dùng. Qua đó, có thể làm lộ thông tin riêng tư hoặc bị sử dụng sai mục đích như quảng cáo, môi giới.

Sự phụ thuộc vào mạng 5G càng cao thì rủi ro càng lớn, thậm chí có thể gây ra thảm họa ở quy mô quốc gia hoặc quốc tế. Ví dụ như sự cố trong điều khiển hoạt động từ xa có thể gây nguy hiểm đến sinh mạng của bệnh nhân đang phẫu thuật; xe tự lái có thể gây tai nạn nếu mất kết nối; rò rỉ thông tin mật khiến an ninh quốc gia bị đặt vào tình huống nguy cấp...

Giải pháp bảo đảm phát triển mạng LAN 5G dành cho doanh nghiệp

Mạng di động 5G với tốc độ vượt trội và sự phát triển nhanh chóng sẽ kéo theo nguy cơ rất cao về an ninh mạng. Bên cạnh đó, cấu trúc phức tạp của mạng LAN 5G cũng khiến việc bảo vệ hệ thống khó khăn hơn nhiều so với các mạng trước đó. Do đó, các tổ chức doanh nghiệp cần đưa ra các bộ tiêu chuẩn an toàn bảo mật cho từng lĩnh vực trong việc áp dụng 5G. Để đảm bảo được an ninh, an toàn các ứng dụng trên nền tảng 5G, các tập đoàn, doanh nghiệp cần phải cùng nhau hợp tác trên nhiều khía cạnh, cụ thể như:

- Thiết lập các tiêu chuẩn 5G và xác định các tiêu chuẩn ứng dụng, yêu cầu an ninh bảo mật theo từng giai đoạn để hỗ trợ các hoạt động sản xuất trong việc sử dụng công nghệ 5G.

- Xây dựng một hệ thống mạng và một đội ngũ công nghệ thông tin đủ mạnh, bền vững, sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công mạng.

- Tìm kiếm đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ đảm bảo an ninh mạng một cách đồng bộ, đảm bảo an ninh bảo mật của các sản phẩm và dịch vụ đang được cung cấp; tăng cường đầu tư và đổi mới công nghệ, phát triển và sử dụng các công nghệ tiên tiến trong đảm bảo an ninh, bảo mật mạng 5G;

- Nâng cao nhận thức về an ninh bảo mật mạng 5G, đào tạo các kiến thức về mạng Internet và các mối đe dọa trên môi trường Internet, hình thành thói quen sử dụng mạng an toàn, bảo mật cho toàn thể cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp.

Kết Luận

Công nghệ 5G được coi là tương lai của Internet với nhiều ứng dụng mới và sáng tạo. Đây được coi là bước tiến mới và quan trọng đối với các doanh nghiệp đang hướng đến áp dụng các công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất, phát triển công nghệ. Theo báo cáo “5G tại Đông Nam Á”, Việt Nam và Singapore dự kiến sẽ là 2 nước triển khai 5G đầu tiên trong khu vực, điều đó chứng minh chính phủ Việt Nam đã và đang tạo điều kiện ngày càng nhiều cho lĩnh vực công nghệ số, thúc đẩy quá trình hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia.

TLTK:

1. https://aita.gov.vn/tiem-nang-va-thach-thuc-cua-cong-nghe-mang-di-dong-5g

2. https://www.lexology.com/library/detail.aspx?g=c7e14fad-8ae0-44f8-a024-c4cf67a94313

3. https://www.darkreading.com/emerging-tech/understanding-private-5g-lans-in-the-enterprise

4. http://vjst.vn/vn/tin-tuc/5966/5g-va-nhung-van-de-an-ninh-bao-mat-mang.aspx