ASEAN: Hướng đến triển khai các quy tắc ứng xử và trách nhiệm quốc gia trên không gian mạng

07:45 | 03/12/2019

Sáng 27/11/2019, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Viện Chính sách Chiến lược Australia tổ chức hội thảo về “Các quy tắc ứng xử, trách nhiệm của quốc gia trên không gian mạng”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các nước trong khu vực ASEAN.

Đây là cơ hội để các quốc gia thành viên ASEAN gặp gỡ, trao đổi và thảo luận về cách tiếp cận, đưa ra giải pháp phù hợp với thực tiễn để triển khai các nguyên tắc ứng xử trên không gian mạng. Sự kiện này còn đặc biệt hơn nữa khi tổ chức trong khuôn khổ Ngày An toàn thông tin Việt Nam - sự kiện thu hút được hơn 1000 khách mời, tạo ảnh hưởng lan toả rộng rãi trong cộng đồng ATTT Việt Nam và trong khu vực.

Các nội dung thảo luận tại Hội thảo bao gồm: Các trao đổi cấp độ Liên Hợp Quốc về hành vi trách nhiệm trên không gian mạng: cập nhật các thảo luận gần đây về OEWG và UN GGE; Cập nhật các kết quả Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về an ninh mạng (AMCC) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về lĩnh vực số (ADGMIN); Giới thiệu về khung tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc về hành vi trách nhiệm trên không gian mạng và triển khai các quy tắc; Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong triển khai các quy tắc mạng ở Việt Nam và nỗ lực quốc gia về triển khai 11 quy tắc về hành vi quốc gia trách nhiệm trên không gian mạng…

11 quy tắc về ứng xử của các quốc gia trên không gian mạng của Liên Hợp Quốc gồm: Hợp tác giữa các quốc gia về an ninh mạng; Xem xét tất cả thông tin liên quan; Ngăn chặn sử dụng ICT sai mục đích trên lãnh thổ của bạn; Hợp tác để ngăn chặn tội phạm và khủng bố; Tôn trọng nhân quyền và sự riêng tư của con người; Không huỷ hoại hạ tầng quan trọng; Bảo vệ hạ tầng trọng yếu; Phản hồi các các yêu cầu hỗ trợ; Đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng; Báo cáo các lỗ hổng ICT; và Không làm nguy hại các đội ứng cứu khẩn cấp.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng khẳng định, cộng đồng ASEAN đã có bề dày lịch sử hơn 50 năm hình thành và phát triển, với các hoạt động hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu theo từng lĩnh vực.

Hợp tác trên không gian mạng ngày càng nhận được sự quan tâm từ các thành viên, mở ra một không gian mới góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và thịnh vượng chung cho khu vực. Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Viễn thông ASEAN (TELMIN) đã chính thức được đổi tên thành Hội nghị Bộ trưởng số (ADGMIN), thể hiện mối quan tâm chung của các quốc gia thành viên đến việc phát triển môi trường số của khu vực.

Năm 2018, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, các quốc gia thành viên đã cùng nhau thống nhất về mặt nguyên tắc đối với 11 quy tắc ứng xử và trách nhiệm của các quốc gia trên không gian mạng. Đây là bước đi quan trọng trong việc khẳng định tầm nhìn chung của khu vực trong bối cảnh chưa có luật quốc tế trên không gian mạng được chấp thuận rộng rãi. Tuy nhiên, các quy tắc ứng xử này mới dừng ở mức nguyên tắc chung. Do vậy, cần sự nghiên cứu, thảo luận để những quy tắc này có thể được triển khai thực tiễn.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định, việc tổ chức hội thảo về các quy tắc ứng xử và trách nhiệm quốc gia trên không gian mạng tại Việt Nam là cơ hội để các quốc gia thành viên ASEAN gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về cách tiếp cận, đưa ra giải pháp phù hợp với thực tiễn để triển khai các nguyên tắc ứng xử.

Năm 2020, Việt Nam lần thứ 3 giữ vai trò Chủ tịch của ASEAN. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, Việt Nam sẽ nỗ lực thể hiện vai trò của mình, góp phần vào việc gìn giữ hòa bình của khu vực trên không gian mạng.

Toàn cảnh hội thảo

Bà Rebecca Bryant, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết: Đe doạ không gian mạng toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng, chúng ta cần nỗ lực triển khai và ủng hộ các quy tắc chung về hành vi có trách nhiệm trên không gian mạng. Cần phải có quy định để đảm bảo cho một môi trường mạng an toàn cho tất cả mọi người.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh, quá trình phát triển không gian mạng sẽ giúp ASEAN tận dụng được các làn sóng công nghệ mới để tạo ra nhiều giá trị mới cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc ứng dụng các công nghệ số nói chung, các công nghệ số mới nói riêng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến an ninh mạng.

Khi không gian mạng được mở rộng, các hệ thống phục vụ Chính phủ điện tử, các hệ thống thông tin quan trọng, hệ thống ngân hàng, tài chính sẽ đứng trước nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cuộc sống của người dân, sự thịnh vượng của mỗi quốc gia ngày càng trở nên phụ thuộc vào không gian mạng, phụ thuộc vào năng lực của từng quốc gia trong việc bảo vệ hệ thống khỏi các cuộc tấn công trên mạng. Do vậy, chỉ có phát triển về an toàn, an ninh mạng mới có thể tận dụng, phát huy nguyên vẹn ý nghĩa, mang lại những giá trị về sự thịnh vượng, bền vững, an toàn.

Không gian mạng đã, đang được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ coi là một không gian chiến lược thứ năm, bên cạnh bốn không gian truyền thống khác bao gồm: đất liền, biển, bầu trời và ngoài vũ trụ. Thực tiễn chỉ rõ, các hoạt động trên mạng ngày càng đa dạng, phức tạp, trong khi nhiều quốc gia kể cả Việt Nam vẫn chưa có quy định chung để điều chỉnh những hoạt động này.

Do vậy, xây dựng pháp luật về không gian mạng là cần thiết, bao gồm việc đưa ra các quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Tuy không mang tính pháp lý và áp dụng bắt buộc nhưng các quy tắc ứng xử sẽ góp phần nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các quốc gia khi tham gia vào không gian mạng; tạo tiền đề cho việc xây dựng, hình thành các hiệp định, công ước quốc tế sau này.