Đạo luật này được thông qua vào ngày 06/12/2018. Theo các nhà lập pháp, nó được coi là thiết yếu cho an ninh quốc gia và là một công cụ quan trọng để thực thi pháp luật trong cuộc chiến chống khủng bố.
Đạo luật mới được đưa ra khi các công ty công nghệ và chính phủ trên khắp thế giới tranh luận về tầm quan trọng của các giải pháp mã hóa trong bối cảnh an ninh quốc gia đang thay đổi. Chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ, châu Âu và các quốc gia phương Tây khác cho rằng, những kẻ khủng bố và tội phạm đang sử dụng các dịch vụ truyền tin được mã hóa để tránh bị phát hiện. Họ cho rằng, các cơ quan thực thi pháp luật cần được phép truy cập tới các dịch vụ này để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Các công ty công nghệ và các tổ chức về quyền tự do dân sự cho rằng, việc sử dụng các thuật toán mã hóa yếu cho một thiết bị hoặc một trường hợp cụ thể sẽ mở ra một cánh cửa cho tin tặc có cơ hội xâm phạm an ninh, an toàn thông tin, trong nền tảng thế giới kỹ thuật số hiện đại của chúng ta. Đối với thế giới công nghệ, mã hóa đơn giản là vấn đề của toán học (ngay cả khi các chính trị gia không đồng ý).
Theo đạo luật được thông qua tại Úc, cơ quan thực thi pháp luật và một số cơ quan chính phủ được lựa chọn có thể buộc các công ty công nghệ cung cấp ba cấp độ "hỗ trợ" trong việc truy cập các thông điệp được mã hóa:
Mức độ 1 - Yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật: Các cơ quan chính quyền sẽ gửi một thông báo "hỗ trợ tự nguyện" tới các công ty công nghệ để giúp cơ quan thực thi pháp luật về "bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật".
Mức độ 2 - Thông báo hỗ trợ kỹ thuật: Một thông báo yêu cầu các công ty công nghệ cung cấp bộ giải mã khi các công ty công nghệ giải mã được kênh liên lạc mật này.
Mức độ 3 - Thông báo về khả năng kỹ thuật: Một thông báo được Tổng chưởng lý (người đứng đầu Tư pháp liên bang) đưa ra, yêu cầu các công ty công nghệ "xây dựng tính năng mới" để giải mã thông tin liên lạc cho cơ quan thực thi pháp luật.