Ban Cơ yếu Chính phủ làm việc với các tỉnh ủy miền Trung về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin

11:24 | 29/07/2023

Trong 04 ngày từ 25-28/7, đoàn công tác của Ban Cơ yếu Chính phủ do đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban làm Trưởng đoàn đã có các buổi làm việc tại 04 tỉnh miền Trung: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế về công tác cơ yếu và bảo mật, an toàn thông tin.

Toàn cảnh buổi làm việc với Tỉnh ủy Hà Tĩnh

Tham gia Đoàn công tác còn có đại diện lãnh đạo Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu; Cục Viễn thông và Cơ yếu, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị của Ban Cơ yếu Chính phủ: Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, Cục Chính trị - Tổ chức, Cục Quản lý Kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Công ty TNHH MTV 129, Văn phòng.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ tại Tỉnh ủy Thanh Hóa, có đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy; tại Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, có đồng chí Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ; tại Tỉnh ủy Quảng Bình, có đồng chí Vũ Đại Thắng, Bí thư Tỉnh ủy; tại Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan chức năng của các Tỉnh ủy.

Thông qua các buổi làm việc giữa đoàn công tác với các Tỉnh ủy, có thể thấy được công tác cơ yếu luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, lãnh đạo các cấp, đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách, tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ cho người làm công tác cơ yếu. Tỉnh ủy các tỉnh đã rất quan tâm xây dựng tổ chức lực lượng cơ yếu; triển khai sử dụng sản phẩm mật mã, bảo mật thông tin; ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, Ủy Ban Nhân dân tỉnh và chỉ huy lực lượng vũ trang.

Các sản phẩm mật mã được Ban Cơ yếu Chính phủ trang cấp như bảo mật truyền hình hội nghị trực tuyến tại Ủy ban nhân dân tỉnh, Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các phần mềm bảo mật cơ sở dữ liệu đảng viên, phần mềm bảo mật trong hệ thống cơ quan đảng và chính quyền được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ bí mật, an toàn thông tin, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định trong công tác cơ yếu trên địa bàn của các Tỉnh.

Khó khăn hạn chế tại các Tỉnh về công tác cơ yếu

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cơ yếu ở các đơn vị không đồng đều, cán bộ làm công tác cơ yếu ở nhiều độ tuổi khác nhau nên các đồng chí tuổi cao kiêm nhiệm công việc Công nghệ thông tin còn hạn chế.

- Chất lượng tham mưu của cơ yếu các cấp còn hạn chế, cụ thể tham mưu trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước, mới tham mưu các văn bản pháp luật về công tác cơ yếu mà chưa nghiên cứu rộng thêm về Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, Luật An ninh mạng để tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy các cấp.

- Khối lượng thông tin mật mã, mã hóa của các cấp còn thấp, do công tác tham mưu của cơ yếu các cấp, đồng thời lãnh đạo một số cơ quan cấp ủy chưa hiểu quy định các thông tin mật phải gửi qua mạng cơ yếu để bảo vệ bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo trong hệ thống cơ quan Đảng và Nhà nước.

- Giải pháp bảo mật, sản phẩm mật mã triển khai, trang cấp chưa đáp ứng đủ nhu cầu, như các thiết bị sao lưu dữ liệu bảo mật, máy tính đa giao diện các cơ quan đăng ký, dự trù nhưng chưa được trang cấp.

- Biên chế, nhân lực cơ yếu hiện nay ở một số đơn vị còn thiếu, nguồn đào tạo chưa đáp ứng kịp thời, đề án xây dựng biên chế và vị trí việc làm của cơ yếu chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến công tác xây dựng nguồn nhân lực cơ yếu cho các đơn vị để thay thế những đồng chí sắp nghỉ chế độ, chuyển ngành.

Phương hướng khắc phục nhằm đẩy mạnh công tác cơ yếu tại các Tỉnh ủy trong thời gian tới

Nhằm khắc phục những hạn chế khó khăn, đồng thời phát huy tốt năng lực của lực lượng cơ yếu trên địa bàn các Tỉnh ủy, đồng chí Phó Trưởng ban Nguyễn Hữu Hùng, Lãnh đạo các Hệ cơ yếu và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban đã có những kiến nghị và đề xuất đến các Tỉnh ủy, cụ thể:

- Các Tỉnh ủy cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, kịp thời xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu thay thế, bổ sung cơ yếu ở các đơn vị khi có các đồng chí nghỉ hưu, chuyển ngành. Chủ động lựa chọn nguồn nhân lực cơ yếu tại chỗ, tuyển chọn cán bộ, chuyên viên đang làm công nghệ thông tin tại Văn phòng tỉnh ủy, huyện ủy cử đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu – đây là một trong các phương án tạo nguồn nhân lực cho các Tỉnh ủy.

- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời chấn chỉnh, bổ sung, nhắc nhở việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về công tác cơ yếu đối với cấp ủy các cấp.

- Nghiên cứu chỉ đạo, đưa nội dung quản lý nhà nước về cơ yếu vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị của các Tỉnh ủy.

- Thường xuyên tổ chức tập huấn về an ninh mạng, an toàn thông tin, quản lý sử dụng sản phẩm bảo mật cho cán bộ làm công tác cơ yếu, công nghệ thông tin, cán bộ trực tiếp quản trị, sử dụng hệ thống thông tin mật. 

- Đẩy mạnh triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, xác thực điện tử cho các hệ thống thông tin và các thiết bị di động để thuận lợi cho việc sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan nhà nước.

- Tăng cường phối hợp trong công tác quản lý song trùng đối với người làm công tác cơ yếu (quản lý, tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm, chuyển ngành, thực hiện chế độ chính sách).

- Cần có các ý kiến đóng góp và ủng hộ Ban Cơ yếu Chính phủ trong quá trình xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban với các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các nhiệm vụ về cơ yếu và quản lý người làm công tác cơ yếu.

- Tỉnh ủy cần chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan trong tỉnh thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, thống kê, quản lý, sử dụng sản phẩm mật mã theo đúng quy định khai thác, vận hành, nhất là đối với sản phẩm mật mã trang bị cho cá nhân sử dụng không phải là cơ yếu và sản phẩm bảo mật tích hợp trên các hệ thống công nghệ thông tin.

- Các Tỉnh ủy cần xác định rõ những nội dung sẽ ưu tiên phối hợp triển khai bảo mật thông tin năm 2023 và các năm tiếp theo. Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức khảo sát, xây dựng giải pháp kỹ thuật, phương án sản phẩm, kế hoạch triển khai bảo mật các hệ thống công nghệ thông tin có nội dung mật, tối mật của tỉnh; phương án bảo mật mạng LAN của Tỉnh ủy kết hợp triển khai máy tính an toàn đa giao diện.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Quảng Bình

Về phía Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ luôn sẵn sàng cử cán bộ phối hợp khảo sát, đánh giá, tư vấn triển khai các giải pháp, sản phẩm bảo mật theo đề nghị của các Tỉnh ủy; Đảm bảo cung cấp đầy đủ trang thiết bị, đặc biệt là chứng thư số chuyên dùng Chính phủ; triển khai ký số trên thiết bị di động theo đề nghị của Tỉnh ủy; Luôn sẵn sàng cử cán bộ giảng viên phối hợp với các Tỉnh ủy trong công tác đào tạo, tập huấn về công tác cơ yếu.

Nhìn chung, trong thời gian qua được sự quan tâm của Ban Cơ yếu Chính phủ, Thường trực Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp, công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt. Nổi bật là đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm cho cấp ủy đảng, chính quyền về tầm quan trọng của công tác cơ yếu, bảo mật, an toàn thông tin, từ đó không ngừng củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức, đội ngũ cán bộ làm công tác cơ yếu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Các chế độ chính sách đối với người làm công tác cơ yếu được các tỉnh ủy thực hiện đầy đủ, kịp thời động viện cán bộ, nhân viên trong lực lượng cơ yếu, nhất là các đồng chí làm công tác cơ yếu tại biên giới, hải đảo.