Mã điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ TT&TT được xây dựng căn cứ theo quy định tại Quyết định 20/2020/QĐ-TTg ngày 22/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành, địa phương.
Theo quyết định mới, bên cạnh một mã định danh điện tử cấp 1 và 35 mã định danh điện tử cấp 2, Bộ TT&TT còn ban hành các mã điện tử cấp 3, 4 của các cơ quan, đơn vị.
Để phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, Bộ TT&TT đã xây dựng và đưa nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia vào sử dụng. Đến tháng 12/2020, cả 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ, tỉnh và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Tổng số hệ thống đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là 220 hệ thống thông tin của 90 cơ quan, đơn vị, trong đó có 85 nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ, ngành, địa phương; 7 cơ sở dữ liệu và 9 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương.
Theo thống kê, tính đến ngày 23/3, tổng số giao dịch thực hiện qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong tháng 3/2022 là gần 48 triệu giao dịch, tăng hơn 18 lần so với cùng kỳ tháng 3/2021; tổng số giao dịch thực hiện qua nền tảng trong quý I/2022 là trên 134,5 triệu giao dịch, tăng 24 lần so với quý I năm ngoái; trung bình hằng ngày có hơn 1,5 triệu giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương được đánh giá sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.
Cũng trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước đã tích cực thực hiện trao đổi văn bản điện tử. Số văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia trong tháng 3/2022 là 463.910 văn bản, gồm 111.456 văn bản gửi và nhận 352.454 văn bản, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ khi Trục liên thông văn bản quốc gia được khai trương ngày 12/3/2019 đến nay, đã có hơn 10,2 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên hệ thống này.