Ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

15:43 | 23/06/2020

Ngày 28/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 26/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020.

Nghị định quy định chi tiết về xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; Sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Giao, nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ; Địa điểm tổ chức, phương án bảo vệ và sử dụng phương tiện, thiết bị tại Hội nghị, Hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; Chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; Phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước.

Theo đó, một số nội dung về bảo vệ bí mật nhà nước được quy định như sau:

Việc xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước

Nghị định quy định người soạn thảo, tạo ra thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước phải đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước, nơi nhận, số lượng bản phát hành; được hay không được phép sao, chụp tài liệu tại Tờ trình, Phiếu trình hoặc văn bản xác định độ mật và phải có trách nhiệm bảo vệ nội dung bí mật nhà nước trong quá trình soạn thảo, tạo ra.

Tài liệu bí mật nhà nước phải thể hiện nơi nhận, số lượng bản phát hành, tên người soạn thảo, được phép hoặc không được phép sao, chụp ở mục nơi nhận của tài liệu. Trường hợp văn bản điện tử, người soạn thảo phải tạo dấu chỉ độ mật trên văn bản sau khi được người có thẩm quyền xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước; văn bản điện tử khi in ra để phát hành phải đóng dấu độ mật theo quy định. Người tiếp nhận thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, nhưng chưa được xác định là bí mật nhà nước phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức và chuyển đến đơn vị có chức năng xử lý.

Người được giao xử lý phải có văn bản đề xuất người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước, độ mật của bí mật nhà nước, nơi nhận, số lượng bản phát hành, được phép hoặc không được phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Thông tin tiếp nhận phải được bảo vệ trong quá trình tiếp nhận và xử lý.

Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước

Theo Nghị định số 26/2020/NĐ-CP có 03 hình thức sao: sao y bản chính, sao lục và trích sao. Việc sao chụp phải được tiến hành ở nơi đảm bảo an toàn do người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý bí mật nhà nước quy định và phải được ghi vào “sổ quản lý, sao chụp bí mật nhà nước”. Chỉ được sao, chụp đúng số bản cho phép và tiêu hủy ngay những bản dư thừa, hỏng.

Phương tiện, thiết bị sử dụng để sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước không được kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu. Việc sao, chụp điện mật được thực hiện theo quy định pháp luật về cơ yếu. Mẫu dấu sao, chụp bí mật nhà nước; mẫu văn bản ghi nhận việc chụp bí mật nhà nước, mẫu sổ quản lý sao, chụp bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Bộ Công an.

Việc giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước

Trước khi giao và sau khi nhận tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải đăng ký vào “Sổ đăng ký bí mật nhà nước đi” và “Sổ đăng ký bí mật nhà nước đến” theo quy định. Việc giao nhận phải được quản lý bằng “Sổ chuyển giao bí mật nhà nước”.

Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước phải làm bì hoặc đóng gói riêng, dùng loại giấy dai, bền khó thấm nước, không nhìn thấu qua được để làm bì, hồ dán phải dính, khó bóc; Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ “tuyệt mật” phải được bảo vệ bằng hai lớp phong bì, bì trong ghi thông tin và đóng dấu theo quy định, bì ngoài đóng dấu ký hiệu chữ “A”; Tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước độ “Tối mật” và “Mật” được bảo vệ bằng một lớp bì, ngoài bì đóng dấu chử “B” và chử “C” tương ứng với độ mật của tài liệu.

Phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước

Cũng theo quy định tại Nghị định số 26/2020/NĐ-CP thì các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phân công người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước, cụ thể: Văn phòng Trung ương và Ban Đảng; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị xã hội; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán Nhà nước; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phân công người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước tại văn phòng hoặc đơn vị hành chính, tổng hợp.

Các đơn vị thuộc, trực thuộc các cơ quan, tổ chức nêu trên; “Tỉnh ủy, Thành ủy, Thị ủy, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm phân công người thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước tại văn phòng hoặc đơn vị hành chính, tổng hợp.”

Người thực hiện nhiệm vụ chuyên trách và kiêm nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước phải đáp ứng tiêu chuẩn quy định và được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra nghị định còn quy định về địa điểm, phương án bảo vệ và phương tiện, thiết bị sử dụng tại hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước; thời hạn bảo vệ, gia hạn bí mật nhà nước; cách điều chỉnh độ mật và giải mật bí mật nhà nước; tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước....

Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước sẽ hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định số 26/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.