Bảo đảm an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt trong quá trình chuyển đổi số

09:34 | 11/11/2020

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho rằng, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, bảo đảm an ninh mạng được Việt Nam xác định có vị trí đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của các cấp, các ngành. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư đã xác định ngành an toàn, an ninh mạng là một trong những ngành ưu tiên; đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.

Do đó, trong khuôn khổ các hoạt động sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông đồng bảo trợ và chỉ đạo, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng 2020 (Vietnam Security Summit 2020).

Tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nêu bật lên những nỗ lực góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về an toàn, an ninh mạng trong thời gian qua.

Nỗ lực nâng cao xếp hạng của Việt Nam về an toàn, an ninh mạng trong thời gian qua

Trong thời gian qua, công tác bảo đảm an ninh mạng đã được Đảng, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; các cơ quan có chức năng và vai trò chính như Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ, Bộ Công An, Bộ Tư lệnh 86 đã có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả. Qua tổng hợp, phục vụ xây dựng Báo cáo sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 52-NQ/TW của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, riêng trong lĩnh vực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, số bộ, ngành địa phương triển khai bảo đảm an ninh thông tin theo mô hình 4 lớp đạt 82% (trong đó các bộ, ngành đạt 65%, địa phương đạt 87%); đã triển khai trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) bảo vệ 2 lớp đạt 95% (trong đó các bộ, ngành đạt 82% và địa phương đạt 97%); triển khai giám sát từ xa cho 85 cơ quan, trực tiếp cho 15 cơ quan tại 23 địa điểm; cấp tài khoản giám sát kỹ thuật và tài khoản giám sát thông tin trên hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn an ninh mạng quốc gia cho 63 Sở Thông tin và Truyền thông.

Đến nay, đã có 215 cơ quan tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Về phát triển thị trường và hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện cấp phép cho 87 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa chiếm khoảng 72,7% so với hệ sinh thái sản phẩm an toàn thông tin mạng; thành lập Liên minh phát triển sản phẩm an toàn thông tin mạng Việt Nam với sự tham gia của 21 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng an toàn, an ninh thông tin đã được chú trọng hoàn thiện, đã hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030, ban hành hướng dẫn về danh mục yêu cầu bảo đam an toàn thông tin cho trạm gốc 5G, ban hành 13 tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thông tin mạng, 9 văn bản hướng dẫn chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Những nỗ lực đó đã góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về an toàn, an ninh mạng. Theo Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) công bố năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50 trên tổng số 175 hạng của 194 quốc gia (tăng 50 bậc so với kỳ trước). Việc tăng hạng quốc tế lên 50 bậc và nằm trong Top 50 là điểm sáng trong thời gian qua, là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức đối với an toàn, an ninh mạng.

Kết quả đó cũng mang lại cho Việt Nam, cho từng cơ quan, tổ chức nhiều động lực và thách thức để duy trì và cải thiện và phấn đấu với mục tiêu đến 2025 là Việt Nam nằm trong Top 40 và đến năm 2030 là Top 30 các nước mạnh về an toàn, an ninh mạng trên thế giới như mục tiêu đã đề ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phê duyệt tại Quyết định 749-QĐ/TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Mối nguy cơ về an toàn, an ninh mạng vẫn luôn hiện hữu

Tuy vậy, bên cạnh các kết quả tích cực, vấn đề bảo đảm an ninh mạng vẫn còn những hạn chế nhất định về tiềm lực, nhận thức của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, cá nhân, về huy động, khai thác các nguồn lực,…

Năm 2021, một số nghiên cứu quốc tế đã dự báo các chi phí liên quan đến vấn đề vi phạm bảo mật, tội phạm mạng, an ninh mạng sẽ tiêu tốn của các tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới 24,7 USD mỗi phút, tăng 2 USD so với năm 2020. Điều này có nghĩa là sẽ mất ít nhất 11,4 triệu USD mỗi phút cho các vấn đề liên quan đến vi phạm an ninh mạng trong năm 2021, tăng 100% so với năm 2015.

Dự báo tính trung bình, cứ mỗi phút sẽ có 1,5 cuộc tấn công vào máy tính có kết nối Internet, 375 mối đe dọa mới được phát hiện, 16.172 bản ghi dữ liệu bị xâm phạm, 35 email rác về COVID-19 được phân tích... 

Đối với Việt Nam, năm 2021 là năm diễn ra Đại hội khóa XIII của Đảng; năm đầu tiên Việt Nam triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, Việt Nam phải thực hiện mãnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Vì vậy, nhiệm vụ bảo đảm an ninh mạng tiếp tục được coi kà nhiệm vụ trọng yếu, then chốt cần được đặc biệt ưu tiên trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh và tăng cường áp dụng công nghệ số trước tác động của dịch COVID-19 và cuộc CMCN lần thứ tư.

Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam năm 2020

Tại Hội thảo này, ông Nguyễn Đức Hiển đề nghị cần thảo luận, làm rõ các vấn đề sau: Đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ Việt Nam về an ninh mạng, trọng tâm là Nghị quyết 30, ngày 23/7/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 52, ngày 29/9/2019 của Bộ Chính trị; chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong xây dựng và triển khai chính sách an ninh mạng; nhận diện, đánh giá và phân tích tình hình an ninh mạng Việt Nam năm 2020, dự báo xu hướng công nghệ an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu trong năm 2021 và những năm tiếp theo; chia sẻ kinh nghiệm quản trị rủi ro trong môi trường mạng và các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng; trao đổi, thảo luận đề xuất các giải pháp để nâng cao tiềm lực an toàn, an ninh mạng quốc gia.

Hội thảo và Triển lãm quốc tế về an toàn, an ninh mạng Việt Nam được tổ chức thường niên, là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng mở rộng mối quan hệ hợp tác, tăng cường đoàn kết hơn nữa trong việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn, an minh mạng mới thực sự được triển khai đồng bộ, lâu dài, ổn định và bứt phá nhằm đạt được các mục tiêu mà chúng ta đã đề ra.

Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về kinh tế - xã hội, là cơ quan được giao chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư”, Ban Kinh tế Trung ương định kỳ phối hợp các cơ quan tổ chức các diễn đàn, hội thảo để phục vụ công tác định kỳ sơ kết, tổng kết cũng như nhân rộng các mô hình, chính sách thí điểm, cách làm hay trong việc triển khai chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, trong đó có lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng. Ông Nguyễn Đức Hiển mong muốn nhận được các ý kiến thẳng thắn, xây dựng của các chuyên gia, các doanh nghiệp tại Hội thảo này.