Bảo mật điện toán đám mây: Cách bảo mật dữ liệu trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số

09:02 | 27/12/2023
ThS. Hoàng Thu Phương (Viện Khoa học - Công nghệ mật mã)

Trong bối cảnh kỹ thuật số phát triển nhanh chóng ngày nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp (TC/DN) đang trải qua những chuyển đổi quan trọng để ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh doanh nhằm thích ứng tốt hơn với nhu cầu của khách hàng và nhà đầu tư. Quá trình này được gọi là “chuyển đổi kỹ thuật số”. Một khía cạnh quan trọng của sự chuyển đổi này là điện toán đám mây, khi nó mang đến nhiều lợi ích như khả năng mở rộng, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả. Tuy nhiên, khi chuyển đổi dữ liệu lên đám mây cũng mang đến những thách thức bảo mật mới mà các TC/DN cần phải giải quyết. Vì thế, xây dựng chiến lược và áp dụng các thực tiễn bảo mật đám mây phù hợp là mục tiêu mà các TC/DN nên hướng đến nhằm bảo vệ dữ liệu được an toàn hiệu quả.

VẤN ĐỀ BẢO MẬT ĐÁM MÂY

Bảo mật đám mây là một tập hợp các phương pháp, công nghệ và nguyên tắc nhằm bảo vệ môi trường điện toán đám mây tránh khỏi truy cập trái phép, vi phạm dữ liệu và các mối đe dọa an ninh mạng khác. Khi các TC/DN ngày càng dựa vào các dịch vụ đám mây để lưu trữ và quản lý dữ liệu nhạy cảm, điều quan trọng là phải hiểu các loại mối đe dọa bảo mật khác nhau liên quan đến dịch vụ này.

Bất chấp sự phổ biến ngày càng tăng của điện toán đám mây, vẫn còn một số lầm tưởng và quan điểm sai lầm về bảo mật trên môi trường đám mây. Một trong những lầm tưởng phổ biến nhất về bảo mật đám mây là nó không an toàn. Điều này là không chính xác. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đầu tư mạnh vào các giải pháp bảo mật để bảo vệ dữ liệu của khách hàng. Họ có các nhóm chuyên gia bảo mật hỗ trợ mọi thời điểm, sử dụng nhiều giao thức bảo mật mạnh mẽ và công nghệ mã hóa tiên tiến để đảm bảo dữ liệu của khách hàng được an toàn tuyệt đối.

Một quan điểm sai lầm khá phổ biến khác là chỉ các nhà cung cấp dịch vụ đám mây mới phải chịu trách nhiệm về tất cả các khía cạnh của bảo mật đám mây. Mặc dù được cung cấp các tính năng và dịch vụ bảo mật, nhưng các TC/DN cũng phải chịu trách nhiệm bảo mật dữ liệu của họ trên đám mây. Điều này liên quan đến việc triển khai các biện pháp bảo mật nhiều tầng, kiểm tra bảo mật thường xuyên và đánh giá rủi ro, đồng thời đào tạo và nâng cao nhận thức của người dùng về các phương pháp bảo mật đám mây tốt nhất.

Một số TC/DN tin rằng bảo mật đám mây rất tốn kém và không đáng để đầu tư. Mặc dù việc triển khai các biện pháp bảo mật đám mây cần một số khoản đầu tư, tuy vậy chi phí có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với tổn thất tài chính tiềm ẩn và thiệt hại về uy tín có thể xảy ra do vi phạm dữ liệu hoặc tấn công mạng.

Ngoài ra, một số TC/DN nhỏ quan niệm rằng bảo mật đám mây chỉ cần thiết cho các TC/DN lớn với nhu cầu xử lý và lưu trữ dữ liệu quan trọng hơn. Tuy nhiên trên thực tế, các tin tặc không loại trừ bất kỳ ai, các mối đe dọa vì thế cũng chính là sự thách thức đến việc bảo vệ dữ liệu của mọi TC/ DN. Do đó, công tác bảo mật đám mây cần phải được tăng cường và chú trọng nhằm bảo vệ thông tin được lưu trữ trong các TC/DN được an toàn. Mặt khác, nên nhớ rằng những tổn thất, thiệt hại do ảnh hưởng của các sự cố mạng có thể còn lớn hơn chi phí triển khai bảo mật đám mây. Chủ động phòng ngừa sẽ giúp giảm thiểu được những phát sinh tài chính có thể xảy ra.

CHIẾN LƯỢC BẢO MẬT DỮ LIỆU ĐÁM MÂY

Trong số các mối đe dọa an toàn đám mây, phổ biến nhất là vi phạm dữ liệu, nguyên nhân chính có thể do thiết lập mật khẩu yếu, lỗi thao tác hành vi hoặc đến từ những nỗ lực “bẻ khóa” của tin tặc. Các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại và mã độc tống tiền cũng là mối đe dọa cần lưu tâm vì chúng có thể lây nhiễm trên các máy chủ đám mây và gây hại nghiêm trọng cho các TC/DN. Các mối đe dọa khác bao gồm các cuộc tấn công nội bộ, liên quan đến nhân viên hoặc quản trị viên công nghệ thông tin trong hệ thống mạng nội bộ cố ý hoặc vô tình tiết lộ các thông tin, dữ liệu bí mật và các cuộc tấn công từ chối dịch vụ có thể vô hiệu hóa các dịch vụ đám mây dành cho người dùng.

Để đảm bảo an toàn, an ninh đám mây hiệu quả, các TC/DN cần phải triển khai một số chiến lược bảo mật cụ thể. Việc triển khai các chiến lược này cho phép giảm thiểu hiệu quả các mối đe dọa tiềm ẩn và đảm bảo tính bảo mật của dữ liệu có giá trị trên đám mây, bao gồm:

- Mã hóa dữ liệu và quản lý khóa: Mã hóa là một phần quan trọng của bảo mật đám mây vì nó cung cấp khả năng bảo vệ chống truy cập trái phép. Bằng cách mã hóa dữ liệu, các TC/DN có thể đảm bảo rằng ngay cả khi người lạ có quyền truy cập vào hệ thống lưu trữ đám mây, họ cũng không thể truy xuất hoặc sử dụng được dữ liệu. Quản lý khóa cũng rất quan trọng vì nó đảm bảo rằng chỉ những người được ủy quyền mới có thể truy cập dữ liệu được mã hóa.

- Quản lý danh tính và quyền truy cập (IAM): Việc xây dựng và triển khai các giải pháp IAM là một yếu tố quan trọng của bảo mật đám mây, giúp kiểm soát quyền truy cập vào tài nguyên đám mây. IAM cho phép TC/DN quản lý định danh và quyền của người dùng, đảm bảo rằng chỉ những người dùng được ủy quyền mới có quyền truy cập vào dữ liệu.

- An toàn hệ thống mạng: Đây là một khía cạnh quan trọng khác của bảo mật đám mây liên quan đến việc bảo vệ cơ sở hạ tầng mạng được sử dụng để truy cập các dịch vụ đám mây. Bằng cách triển khai tường lửa mạng, hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập cũng như các biện pháp bảo mật hệ thống mạng khác, các TC/ DN có thể bảo vệ cơ sở hạ tầng đám mây của mình trước các mối đe dọa trên môi trường mạng.

- Yêu cầu tuân thủ và quy định: Tuân thủ chính sách và các quy định liên quan cũng là những yêu cầu quan trọng đối với bảo mật đám mây. Bên cạnh những chính sách an toàn đám mây trong phạm vi nội bộ, TC/DN cần phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định quốc tế trên nhiều khía cạnh, ví dụ như Quy định chung về bảo mật dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu, hay Tiêu chuẩn Bảo mật Dữ liệu Thẻ thanh toán (PCI-DSS),… để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm cũng như tránh các hình phạt pháp lý và tài chính.

THỰC TIỄN TỐT NHẤT CHO BẢO MẬT ĐÁM MÂY

Ngoài việc triển khai các chiến lược bảo mật đám mây quan trọng, các TC/DN cũng nên tuân theo các phương pháp thực tiễn tốt nhất để đảm bảo an toàn và bảo vệ hệ sinh thái đám mây của họ, bao gồm:

- Thường xuyên kiểm tra bảo mật và đánh giá rủi ro: Điều này có thể giúp các TC/DN xác định các điểm yếu và lỗ hổng bảo mật trong môi trường đám mây. Việc kiểm tra và đánh giá phải được thực hiện thường xuyên và định kỳ để phát hiện sớm các mối đe dọa bảo mật, từ đó tiến hành khắc phục kịp thời các rủi ro trong hệ thống mạng.

- Tổ chức các buổi đào tạo và nâng cao nhận thức cho người dùng: Người dùng cuối thường là mắt xích yếu nhất trong bảo mật đám mây của các TC/DN, vì không phải người dùng nào cũng có kiến thức và trang bị những kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng các tài nguyên trên môi trường đám mây. Do đó, điều quan trọng là phải đào tạo và nâng cao nhận thức người dùng thường xuyên về các phương pháp bảo mật đám mây tốt nhất để giúp họ xác định các mối đe dọa và cách thức phòng tránh.

- Khôi phục dữ liệu sau sự cố và lập kế hoạch duy trì liên tục: Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây phải đảm bảo khả năng khôi phục dữ liệu và tính liên tục để cho phép các TC/DN nhanh chóng phục hồi dữ liệu sau các sự cố không mong muốn. Các TC/DN phải có một kế hoạch phục hồi dữ liệu và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo tính hiệu quả của nó.

- Cộng tác với nhà cung cấp dịch vụ đám mây đáng tin cậy: Đây là một bước quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, an ninh cho đám mây. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây cung cấp các tính năng và dịch vụ bảo mật khác nhau mà các TC/DN có thể sử dụng để cải thiện tình trạng bảo mật của họ.

- Chủ động phát hiện mối đe dọa: Phương pháp này liên quan đến việc giám sát liên tục trên môi trường đám mây. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây như Google Cloud cung cấp dịch vụ phát hiện mối đe dọa sử dụng công nghệ học máy. Bằng cách sử dụng các nền tảng này, các TC/DN có thể chủ động phát hiện và giảm thiểu các mối đe dọa bảo mật trước khi chúng có thể gây ra thiệt hại.