Các sản phẩm như tủ lạnh thông minh, đồng hồ thông minh, máy theo dõi sức khỏe, khóa xe đạp thông minh… đã dần trở nên phổ biến trong đời sống con người. Theo báo cáo mới đây của McKinsey (công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý và chiến lược kinh doanh, Hoa Kỳ), số lượng thiết bị IoT trên toàn thế giới đang tăng vọt. Ước tính sẽ có hơn 75 tỷ thiết bị IoT được lắp đặt vào năm 2025, gấp 5 lần so với năm 2015. Sự tăng trưởng này đã tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng các sản phẩm IoT sáng tạo. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các thiết bị IoT thì rủi ro của nó cũng gia tăng. Sau đây là một số giải pháp được các chuyên gia khuyến cáo để khắc phục vấn đề này.
Giảm thiểu kết nối tới đám mây
Một yếu tố làm gia tăng đáng kể những lo ngại về quyền riêng tư là khả năng quyền truy cập dữ liệu mọi lúc, mọi nơi. Khi kết nối các thiết bị với đám mây, mạng sẽ truyền dữ liệu đến nơi lưu trữ. Nếu giảm sự phụ thuộc vào đám mây, giảm lượng dữ liệu mà các thiết bị gửi lên đám mây thì có thể giảm đáng kể nguy cơ xâm phạm dữ liệu.
Sử dụng trí tuệ nhân tạo của vạn vật
Hiện nay, có một giải pháp mới đó là Trí tuệ nhân tạo của vạn vật (Artificial Intelligence of Things - AIoT), là sự kết hợp giữa AI với IoT. AIoT mang tính biến đổi và cùng có lợi cho cả hai loại công nghệ khi AI tăng giá trị cho IoT thông qua khả năng học máy và IoT tăng giá trị cho AI thông qua kết nối, báo hiệu, trao đổi dữ liệu.
Về cơ bản, AIoT đẩy các khả năng xử lý dữ liệu từ đám mây sang thiết bị. Vì vậy, thay vì đám mây đóng vai trò là "bộ não" trung tâm, bản thân các thiết bị đều có một bộ não của riêng và có khả năng đưa ra quyết định của riêng chúng. Với xu hướng này, nhu cầu kết nối tới đám mây sẽ ít hơn và do đó, tin tặc sẽ ít có cơ hội lấy được các thông tin nhạy cảm hơn.
Tuy nhiên, AIoT cũng đặt ra nhu cầu lớn hơn về bảo mật đối với chính các thiết bị. Do đó, các kỹ sư điện tử đang làm việc để sản xuất chip AIoT bao gồm các tính năng bảo mật nâng cao như khởi động an toàn, lưu trữ khóa có thể lập trình một lần, tạo số ngẫu nhiên thực và hướng dẫn mã hóa/giải mã tùy chỉnh... Các tính năng này được thiết kế để đảm bảo an toàn cho cả dữ liệu và việc đưa ra các quyết định.
Khai thác tiềm năng của các thiết bị được kết nối
AIoT cung cấp một giải pháp không chỉ đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật mà còn mang lại rất nhiều lợi ích khác. Bằng cách kết hợp giọng nói với công nghệ cảm biến, như phát hiện sự hiện diện và sinh trắc học có thể giúp con người xây dựng một tương tác đa phương thức mang lại trải nghiệm cá nhân hóa, liền mạch và tiết kiệm năng lượng. Cảm biến đa phương thức mở ra con đường cho những bước tiến đáng kể về an toàn, bảo mật và hiệu quả năng lượng. Trong các văn phòng và tòa nhà công cộng, người sử dụng sẽ không cần phải nhấn nút trên thang máy hoặc dùng thẻ quẹt để đi thang máy, thay vào đó, sinh trắc học sẽ hình thành chữ ký số để truy cập, cho phép trải nghiệm nhanh chóng, an toàn và thuận tiện.
AIoT sẽ giúp giải quyết bài toán về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng mới trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra một tương lai an toàn và bảo mật hơn.