Cần tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật và những quy định pháp lý trong giao dịch điện tử tại Việt Nam
Để hiện thực hoá nền kinh tế số, trước hết mỗi cơ quan, doanh nghiệp cần nghiêm túc tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật và những quy định pháp lý trong giao dịch điện tử tại Việt Nam. Đây cũng là chia sẻ của ông Hoàng Nguyên Vân, CTO Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS trong Hội thảo "Bảo mật giao dịch điện tử và ứng dụng di động trong nền kinh tế số" do Công ty Cổ phần Công nghệ SAVIS phối hợp cùng Công ty V-key tổ chức ngày 14/9.
Theo ông Hoàng Nguyên Vân tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật và những quy định pháp lý trong giao dịch điện tử tại Việt Nam là nền tảng để phát triển các giải pháp, dịch vụ công nghệ liên quan, bao gồm: Luật giao dịch điện tử 2005, Nghị định 130/2018/NĐ-CP, Thông tư 06/2015/TT-BTTTT, Thông tư 16/2019/TT-BTTTT, Thông tư 22/2020/TT-BTTTT và những văn bản pháp lý chuyên ngành như Nghị định 165/2018/NĐ-CP, Nghị định 35/2007/NĐ-CP cho Tài chính - Ngân hàng, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, Thông tư 02/2019/TT-BNV về lưu trữ điện tử.
Ông Vân nhấn mạnh đến quy định về công nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, tài liệu điện tử phát sinh khi giao dịch điện tử: “Thông điệp dữ liệu điện tử được coi là có giá trị pháp lý khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện: tính toàn vẹn kể từ khi khởi tạo, độ tin cậy vào cách thức khởi tạo, lưu trữ, truyền gửi; cách thức đảm bảo tính toàn vẹn; cách thức xác định người khởi tạo. Để đảm bảo tính toàn vẹn và định danh chính xác người khởi tạo bắt buộc áp dụng công nghệ chữ ký số PKI cho giao dịch điện tử. Ký số cũng đồng thời là một giải pháp bảo mật, mã hoá dữ liệu quan trọng trên môi trường số”.
Ứng dụng di động là nhân tố quan trọng để hiện thực hoá nền kinh tế số
Trong khuôn khổ hội thảo, ông Jimmy Phạm, Giám đốc kinh doanh, Công ty V-key Việt Nam đã nhấn mạnh, ứng dụng di động là nhân tố quan trọng để hiện thực hoá nền kinh tế số. Theo ông, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn tới kinh tế số khi sở hữu hơn 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 95% sử dụng Internet qua di động, thời gian sử dụng Internet trung bình là 6,5 giờ/ngày/người và là một trong những nước có cước 3G/4G rẻ nhất thế giới. Đồng thời, Việt Nam cũng còn rất nhiều dư địa để phát triển giao dịch điện tử, thanh toán điện tử khi là nước xếp thứ hai trên thế giới về số người dân chưa tiếp cận dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng (69%), có tới 26% các giao dịch bằng tiền mặt, trong khi tỉ lệ phổ cập Internet của người Việt Nam lên tới 66%.
Giao dịch điện tử, đặc biệt là giao dịch trên nền tảng di động tại Việt Nam chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Do đó, những phương án, bài toán về bảo mật, an ninh cho những hệ thống thông tin này cần được chú trọng trang bị càng sớm càng tốt để có thể giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, kể cả khi khối lượng và giá trị giao dịch nhân lên nhiều lần so với hiện tại.
Các giải pháp công nghệ bảo mật giao dịch điện tử và ứng dụng di động
Cùng trong khuôn khổ hội thảo, SAVIS và V-key đã đưa ra một số giải pháp công nghệ giúp bảo mật giao dịch điện tử và ứng dụng di động. Đại diện SAVIS đã giới thiệu hệ thống các sản phẩm công nghệ giải quyết vấn đề khúc mắc nhất trong phát triển giao dịch điện tử. Theo đó, để đảm bảo tính toàn vẹn và định danh, xác thực chính xác người ký phải áp dụng ký số bảo mật, hiện tại SAVIS là nhà cung cấp hàng đầu Việt Nam về các giải pháp, dịch vụ chứng thực chữ ký số. Việc đồng thời là CA đầu tiên và duy nhất được phép cung cấp Dịch vụ chứng thực điện tử cấp dấu thời gian (TrustCA Timestamp) và là nhà cung cấp dịch vụ tin cậy về dịch vụ ký số, con dấu điện tử đảm bảo theo mô hình ký số từ xa Remote Signing đầu tiên tại Việt Nam đã giúp SAVIS/TrustCA trở thành đơn vị sở hữu hệ giải pháp, dịch vụ ký số, chứng thực chữ ký số toàn diện và an toàn hàng đầu hiện nay với đầy đủ năng lực và cơ sở hạ tầng độc lập, không phải phụ thuộc vào bên thứ ba.
TrustCA Timestamp là công nghệ có giá trị cao nhất về chống gian lận, giả mạo trong giao dịch điện tử, đảm bảo tính pháp lý khi lưu trữ tài liệu điện tử lâu dài, xác thực tài liệu dài hạn, tin cậy cả sau khi chứng thư số hết hạn, giúp thay thế hoàn toàn bản giấy, không phải in ấn, thay thế kho lưu trữ giấy bằng kho lưu trữ điện tử. Việc áp dụng ký số đóng dấu thời gian, ký số theo tiêu chuẩn chữ ký số lâu dài LTV/LTANS giúp xác thực tài liệu điện tử mà không phụ thuộc vào thời hạn chứng thư số, các lệnh thu hồi chứng thư số, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định về lưu trữ tài liệu điện tử lâu dài có xác thực theo quy định pháp luật của Việt Nam và quốc tế.
Quy định eIDAS áp dụng cho chứng nhận Nhà cung cấp dịch vụ tin cậy đảm bảo (QTSP) như một tiêu chuẩn cao nhất về sự an toàn, tin cậy, bảo mật trong giao dịch điện tử. SAVIS sở hữu chứng nhận này đồng nghĩa với việc các dịch vụ ký số, chứng thực chữ ký số do SAVIS cung cấp được chấp nhận rộng rãi không những ở Việt Nam mà trên toàn bộ 27 quốc gia EU cho thương mại xuyên biên giới.
Cùng với đó, V-Key chia sẻ sản phẩm cốt lõi là V-OS - phần tử bảo mật ảo đầu tiên trên thế giới với chứng chỉ FIPS 140-2 (US NIST), chứng chỉ EAL3+ của Cơ quan phát triển truyền thông Infocomm của Singapore (IMDA). V-OS sử dụng các giải pháp bảo vệ an ninh mạng và mã hóa tiên tiến trước đây chỉ dành cho các giải pháp phần cứng đắt tiền. V-OS cho phép tích hợp liền mạch với hệ thống sinh trắc học, công nghệ PKI, xác thực out-of-band, mang đến trải nghiệm người dùng thú vị mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối. V-OS cung cấp rất nhiều giải pháp an ninh, bảo mật cho ngân hàng và chính phủ như: V-OS Smart Token, V-OS App Identity, V-OS Virtual Secure Element, V-OS App Protection, V-OS Trusted Identity Services, V-OS Messaging, V-OS Face Biometrics and eKYC, V-OS App Shield (Wrapping)…
Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số được xác định là 3 trụ cột quan trọng của “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sự bùng nổ của công nghệ 4.0 đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu số, công cụ số vào trong môi trường làm việc và hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước hình thành nền kinh tế số. Đối với Việt Nam, đẩy mạnh kinh tế số, tiến tới xã hội số là cơ hội để thu hẹp khoảng cách với thế giới, mở ra không gian tăng trưởng mới và là động lực cốt lõi trong phát triển kinh tế quốc gia. Giữa những biến động từ đại dịch COVID -19, công nghệ lại càng khẳng định chắc chắn vai trò then chốt của mình, mang đến lợi thế cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp.