Theo Times of India, hệ thống này sử dụng một máy quét radar Doppler ở mức độ thấp để đo đạc kích thước trái tim của người dùng và sau đó tiếp tục theo dõi hoạt động của tim để chắc chắn rằng không ai khác có thể đăng nhập và sử dụng máy tính của họ.
Giáo sư Wenyao Xu tại Đại học Buffalo, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, công suất sóng mà máy quét của hệ thống này phát ra chỉ khoảng 5 miliwatt, thấp hơn nhiều (chưa tới 1%) so với sóng do các smartphone phát ra, do vậy, không gây ra các mối đe dọa nào đối với sức khỏe con người. Theo ông Xu, hệ thống này là sự thay thế an toàn và hứa hẹn nhiều hiệu quả hơn so với mật khẩu hoặc các định dạng sinh trắc học khác.
Hệ thống định dạng mới này sử dụng hình dạng, kích thước và cách hoạt động của trái tim để nhận dạng người dùng. Giáo sư Xu cho biết, sẽ mất khoảng 8 giây để hệ thống quét và ghi nhận các thông số của một trái tim trong lần đầu tiên. Cũng theo Giáo sư Xu, trái tim con người không thay đổi hình dạng, trừ phi chúng bị nhiễm căn bệnh nguy hiểm về tim nào đó và không bao giờ có chuyện trái tim hai người khác nhau lại giống nhau hoàn toàn.
Hệ thống sinh trắc học dựa trên cơ sở các thông số của tim đã được sử dụng gần một thập kỷ qua, nhưng chủ yếu là các điện cực để đo điện tim. Tuy nhiên, chưa có ai sử dụng các thiết bị từ khoảng cách xa ghi nhận thông số tim để nhận dạng cả.
Theo Giáo sư Xu, hệ thống mới có một số ưu điểm so với nhận dạng bằng dấu vân tay, hay quét mống mắt như: Không gây cho người dùng cảm giác phiền hà mỗi khi đăng nhập máy tính, người dùng không cần phải ghi nhớ “log out” nữa do hệ thống này liên tục theo dõi người sử dụng và sẽ không hoạt động nếu một người khác xen vào giữa.
Nhóm nghiên cứu của ông Xu cho biết, họ đang tìm cách thu nhỏ kích thước hệ thống mới này và cài đặt trên các góc của bàn phím máy tính cũng như ứng dụng trên điện thoại cầm tay. Tại các sân bay, hệ thống này có thể nhận dạng một người từ khoảng cách lên tới 30m.