Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam tại các thành phố lớn trên toàn quốc, Việt nam có đến 96,9% trẻ sử dụng mạng internet. Cứ 3 trẻ em thì có 2 trẻ có thể kết nối trực tuyến, trẻ có thể tiếp cận internet qua các thiết bị như điện thoại, máy tính của cá nhân, của người thân, ở trường và ngoài quán internet.
Trẻ sử dụng Internet chủ yếu để học tập, nghiên cứu chiếm tỷ lệ 83,1%; 71,5% trẻ em sử dụng internet để xem phim, nghe ca nhạc; Việc xem các chương trình giải trí, đọc tin tức của trẻ chiếm 70,9%. Bên cạnh đó, trẻ em còn sử dụng internet để giao lưu, kết nối bạn bè chiếm 71,2% và mục đích chơi trò chơi điện tử, trực tuyến lên tới 58,7%.
Tuy nhiên, một tình trạng đáng báo động là riêng năm 2018 Việt Nam có hơn 706.000 báo cáo hình ảnh xâm hại trẻ em, chỉ đứng sau Indonesia trong khu vực. Trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, số lượng cuộc gọi tới tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 gia tăng đáng kể. Nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn, lo lắng về việc bảo đảm an toàn khi trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ truy cập mạng trong thời gian dài.
Vì vậy, Tạp chí An toàn thông tin (ATTT) tổ chức Toạ đàm trực tuyến “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” với sự góp mặt của ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và ông Nguyễn Như Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí An toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ để cùng thảo luận vấn đề này.
Buổi Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” được triển khai bằng hình thức đưa ra câu hỏi mà độc giả quan tâm đến các chuyên gia trả lời và đăng tải trên website Antoanthongtin.vn.
Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Dưới đây là nội dung buổi Tọa đàm trực tuyến “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”.
Phóng viên: Việt Nam là một nước có trẻ tuổi thanh thiếu niên sử dụng mạng internet cao, trẻ sử dụng trong cả mục đích dành cho học tập nghiên cứu cũng như truy cập thông tin. Việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng có tầm quan trọng rất lớn. Thưa ông Nguyễn Như Tuấn, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Ông Nguyễn Như Tuấn: Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là rất cần thiết, cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đặc biệt là tại Việt Nam trong giai đoạn này. Theo truyền thống của người Việt Nam, đối với gia đình thì sự phát triển của trẻ em là phúc đức của gia đình, dòng họ. Đối với đất nước thì sự phát triển của trẻ em là vận mệnh, là tương lai hùng cường, hay sự thịnh vượng của quốc gia, dân tộc.
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy "Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” hay “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Vậy thì các rủi ro tiềm ẩn và hiện hữu đối với trẻ em hiện nay là đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, học tập và tương lai của chúng.
Đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát và chưa được kiểm soát đã làm cho số lượng trẻ em tham gia vào môi trường mạng và cả thời gian của mỗi trẻ em sử dụng mạng mỗi ngày đã tăng đột biến. Việc trẻ em tham gia vào môi trường mạng là xu thế tất yếu, nhưng đại dịch Covid đã làm cho xu thế này diễn ra nhanh quá, nên thiếu sự chuẩn bị hay là sự chưa thực sự sẵn sàng của nhà nước, xã hội, nhà trường và đặc biệt là cả phụ huynh và trẻ em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng phù hợp.
Phóng viên: Có thể nói bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, những nỗi lo về trẻ khi hoạt động trên không gian mạng cũng tỷ lệ thuận với sự gia tăng trẻ sử dụng internet. Thưa ông Tô Hồng Nam, khi trẻ hoạt động trên không gian mạng phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn nào? Đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, khi có tới 1,5 triệu trẻ em phải tạm thời bó hẹp trong gia đình và màn hình máy tính, ti vi, do các trường học ở hầu hết các quốc gia đóng cửa do dịch bệnh?
Ông Tô Hồng Nam: Theo tôi, rủi ro tiềm ẩn với trẻ em trên mạng nói chung có thể chia làm 4 nhóm:
Nhóm thứ nhất, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nên dễ bị lừa, bị lợi dụng đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu, thông qua trẻ em có thể đánh cắp được dữ liệu của gia đình; chẳng hạn như các lớp học trực tuyến, các em có thể bị lừa vào các trang học trực tuyến giả mạo, các link về các khóa học, các ứng dụng học tập miễn phí, giảm giá từ đó cài mã độc vào trong các máy tính, hệ thống để đánh cắp dữ liệu.
Nhóm thứ 2, là nhóm các em bị đe dọa, bắt nạt, quấy rối, khủng bố tinh thần, uy hiếp bắt ép thực hiện hành động phi pháp.
Nhóm thứ 3, liên quan đến việc trẻ em bị ảnh hưởng bởi các tin không đúng sự thật, phim ảnh, trò chơi bạo lực khiêu dâm dẫn đến nhận thức lệch lạc, bắt trước làm theo, tâm lý hung hăng. Liên quan đến học trực tuyến, với 2 nhóm này, nếu giáo viên không biết ứng dụng các chức năng quản lý tốt, không gian lớp học có thể bị chiếm quyền lợi dụng để đưa tin xấu độc, kích động học sinh, gửi ảnh đe dọa, bắt nạt.
Nhóm thứ 4, liên quan đến các bệnh lý về tâm thần và thể chất; liên quan đến việc học trực tuyến kéo dài về giờ học, ngày này qua tháng khác dẫn đến bệnh mắt, cột sống, tâm lý.
Ông Nguyễn Như Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí An toàn thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ
Phóng viên: Việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng giờ đây không chỉ là mối quan tâm của mỗi gia đình, mà trở thành bài toán chung của các cấp, tổ chức, chính phủ trên thế giới. Thưa ông Tuấn, ông đánh giá như thế nào về mặt nhận thức nói chung cũng như các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong thời gian vừa qua?
Ông Nguyễn Như Tuấn: Chúng ta đã nhận thức được vấn đề này từ nhiều năm trước, đặc biệt ở các nước phát triển thì họ đã nhận thức được vấn đề này sớm hơn chúng ta, do đó từ cấp chính phủ, nhà trường và toàn xã hội tại các nước phát triển đã có các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đầy đủ hơn và cụ thể hơn.
Một minh chứng rõ ràng là Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc – Unicef cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này từ nhiều năm trước và đặc biệt là trong thời gian gần đây. Đã có nhiều cuộc hội thảo, buổi làm việc của Unicef với các chính phủ và nhiều tổ chức khác nhau trên thế giới để bàn về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng trong thời gian gần đây.
Tại Việt Nam, việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, điển hình như: như Luật Công nghệ thông tin, Luật ATTT mạng, Luật Trẻ em, Luật an ninh mạng…
Mới nhất là vào tháng 6/2021, Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là chương trình quốc gia đầu tiên của Việt Nam nhằm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em trên không gian mạng. Ngay sau đó thì một số Bộ đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình này, điển hình như Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH, Bộ Công an… Bên cạnh đó đã có sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ CNTT, ATTT.
Tuy nhiên, với bao nhiêu đó theo tôi là chưa đủ. Rủi ro với trẻ em trên không gian mạng còn quá nhiều; nhà trường, phụ huynh và trẻ em chưa dễ tiếp cận cũng như có nhiều lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ ATTT để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Kiến thức, kỹ năng về ATTT của cả phụ huynh và trẻ em còn nhiều hạn chế.
Phóng viên: Công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được triển khai từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, tới nay nó vẫn là mối quan tâm, là vấn đề chưa thể giải quyết triệt để. Xin hỏi ý kiến từ đại diện đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo ông các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
Ông Tô Hồng Nam: Đây là vấn đề nan giải chung không chỉ của Việt Nam mà còn là vấn đề của các nước trên thế giới. Tất cả chính sách của Chính phủ liên quan đến truy cập không gian mạng của trẻ em đều phải cân đối giữa 2 góc độ tác động. Một là phát huy lợi thế do Internet mang lại nhưng cũng phải ngăn chặn những thông tin xấu độc. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước phải đứng ra chỉ đạo, điều phối triển khai đồng bộ các giải pháp như:
- Tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm, phổ biến kiến thức kỹ năng cơ bản về ATTT đến toàn xã hội, đặc biệt là cha mẹ và trẻ em. Cơ quan ATTT chủ trì, các cấp các ngành triển khai sâu trong phạm vi quản lý của mình, ngành giáo dục sẽ đưa vào nhà trường trong các chương trình chính khóa và ngoại khóa.
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, trong đó phải đẩy mạnh quy rõ các trách nhiệm, bổ sung chế tài, thu hút nguồn lực khi triển khai tất cả các hoạt động trong vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
- Triển khai giải pháp kỹ thuật lọc bỏ các thông tin xấu độc, định hướng đến kho dữ liệu sạch, phát triển công nghệ hỗ trợ, tạo kênh giao tiếp như kênh 111 mở rộng để tiếp cận thông tin.
- Môi trường mạng là không có biên giới vì vậy hợp tác quốc tế vô cùng quan trọng. Chúng ta vừa có thể học tập kinh nghiệm, vừa có thể huy động các nguồn lực nước ngoài để có thể huy động thêm về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Phóng viên: Bên cạnh vai trò các cơ quan nhà nước, chúng ta còn thấy vai trò của nhà trường, gia đình trong nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Thưa ông Tuấn, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này?
Ông Nguyễn Như Tuấn: Hiện nay có nhiều quan điểm nhấn mạnh vai trò của phụ huynh và trực tiếp là trẻ em trong nhận thức và kỹ năng sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh. Tôi không phủ nhận quan điểm này, nhưng tôi lại nhấn mạnh vai trò của Chính phủ, hay các cơ quan quản lý nhà nước hơn, đặc biệt là trong thời gian trước mắt.
Việc đào tạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức và kỹ năng là hết sức cần thiết nhưng cần nhiều thời gian. Việc nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn trên không gian mạng với người dùng mạng nói chung trong đó có cả phụ huynh và giáo viên đã được đề cập trong Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về ATTT giai đoạn 2021 - 2025” được ban hành theo Quyết định 1907 của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 11/2020. Trước đó, vào năm 2015, Thủ tướng đã ký Quyết định số 893 ban hành Đề án Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT đến năm 2020. Khi các phụ huynh, giáo viên có đủ nhận thức, kỹ năng an toàn trên không gian mạng cho chính họ thì theo tôi, đã giải quyết được trên 70% nhiệm vụ của họ trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Nhưng vấn đề này cần thời gian, vì vốn dĩ thay đổi nhận thức, có đủ kỹ năng và biến thành hành động của mỗi người luôn cần thời gian, hơn nữa đây lại là nội dung vẫn còn mới và khó với nhiều người.
Với trẻ em thì lại càng cần nhiều công sức và thời gian hơn. Trẻ em có nhận thức tốt, có thói quen tốt sẽ giảm thiểu nhiều nguy cơ mất an toàn, nhưng dù có đào tạo và tuyên truyền tốt vẫn không thể thay đổi được đặc tính tự nhiên của trẻ em là chưa chín chắn, tò mò và thích thể hiện…
Do vậy, Chính phủ cùng các cơ quan chức năng cần ưu tiên ban hành sớm các quy định chặt chẽ và cụ thể hơn, có công cụ cũng như chế tài phù hợp, trong đó có gắn trách nhiệm cụ thể tới các cơ quan nhà nước trong giám sát, thực thi. Trách nhiệm và sự đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường mạng. Như vậy thì chúng ta sẽ sớm có được môi trường mạng an toàn và lành mạnh hơn.
Ví dụ như, vào tháng 9/2021 vừa rồi, Luật thiết kế phù hợp với độ tuổi của Vương Quốc Anh chính thức có hiệu lực, theo đó, các công ty công nghệ buộc phải đưa ra các thiết kế, tiêu chuẩn công nghệ phù hợp với các độ tuổi khác nhau, đặc biệt chú trọng đến những người dùng trẻ tuổi. Điều này nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ bị xâm hại về đời tư, hình ảnh cũng như các rủi ro khác của những người dùng trẻ tuổi. Đồng thời trong đó cũng quy định mức phạt rất nặng về cả tài chính và pháp lý, về tài chính lên tới đến 4% doanh thu toàn cầu. Ngay sau đó thì các công ty công nghệ, điển hình như Facebook, Tiktok, Twitter… đã có những thay đổi mang tính hệ thống áp dụng trên toàn cầu.
Ông Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT
Phóng viên: Đi sâu vào Chương trình “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất mà cho đến nay không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Thời gian qua, ngành giáo dục đã có chuẩn bị như thế nào để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?
Ông Tô Hồng Nam: Trước năm 2021, ngành giáo dục đã rất quan tâm và chuẩn bị rất cẩn thận trong vấn đề này, cụ thể:
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã đưa tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3 trong đó có cấu phần về ATTT, để ngay từ sớm đã cung cấp cho các em các nhận thức, kiến thức, kỹ năng để bảo vệ chính mình trên môi trường mạng.
Các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể đều được tích hợp các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn trên môi trường mạng. Trong đó có cả phối hợp với các tập đoàn lớn như Microsoft, Intel...
Bộ GD&ĐT đã phê duyệt và triển khai Đề án “Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên trên môi trường mạng đến 2025”; ban hành Thông tư 06/2019 ngày 12/4/2019 quy định quy tắc ứng dụng trong cơ sở giáo dục, trong đó có nội dung về ứng xử trên mạng.
Để triển khai Chương trình 830 do Thủ tướng chính phủ ban hành tháng 6/2021, Bộ đã ban hành kế hoạch 2972, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, kèm theo phân công trách nhiệm đến từng đơn vị thuộc Bộ, các địa phương cùng chung tay tạo sức mạnh cộng hưởng.
Phóng viên: Song song với công tác Giáo dục, việc truyền thông nâng cao nhận thức cũng được coi là một nhiệm vụ quan trọng. Thưa ông Nguyễn Như Tuấn, ông đánh giá như thế nào về công tác truyền thông tại nước ta hiện nay về vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
Ông Nguyễn Như Tuấn: Công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được một số cơ quan báo chí triển khai trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em. Khi Chương trình bảo vệ trẻ em tại nước ta được chính thức ban hành thì công tác này được triển khai rộng hơn. Số lượng cơ quan báo chí, truyền thông và phương tiện thông tin đại chúng tham gia truyền thông các vấn đề về bảo vệ trẻ em nhiều hơn, xuất hiện đa dạng hơn.
Tuy nhiên, theo tôi là chưa đủ. Bởi việc truyền thông có hiệu quả phải được truyền tải đúng nội dung đến từng đối tượng. Công tác tuyên truyền mới chỉ về các tin tức, sự kiện ở cấp vĩ mô, còn ít các tin, bài về các hoạt động thực tế tại các cơ sở, cụ thể là thiếu các hoạt động cụ thể tại các nhà trường, các tổ chức đoàn - đội - hội. Thiếu các chuyên đề chuyên sâu và cụ thể cho vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Phóng viên: Thưa ông Tuấn, hiện nội dung này đang được triển khai như thế nào trên Tạp chí An toàn thông tin?
Ông Nguyễn Như Tuấn: Tạp chí An toàn thông tin có lịch sử phát triển trên 15 năm, là cơ quan báo chí duy nhất chuyên sâu tuyên truyền trong lĩnh vực bảo mật và ATTT. Đến nay, Tạp chí đã trở thành cơ quan truyền thông đa phương tiện với nhiều loại hình ấn phẩm khác nhau.
Về nội dung bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Tạp chí đã quan tâm và truyền thông sớm về vấn đề này. Ngoài tuyên truyền về các văn bản pháp luật về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Tạp chí đã thành lập chuyên mục “Kỹ năng an toàn thông tin” trên cả Tạp chí điện tử và tạp chí in, chuyên mục này tập trung các bài viết chia sẻ về các kỹ năng, thao tác đảm bảo ATTT cho người sử dụng, có hướng dẫn rõ ràng, thân thiện nhằm nâng cao kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho người dùng. Rất hữu ích cho giáo viên, các bậc phụ huynh tham khảo để đồng hành cùng con trẻ trong việc sử dụng Internet.
Phóng viên: Như vậy có thể thấy, trẻ em trở thành vấn đề quan tâm chung của nhiều cơ quan, đơn vị. Thưa ông Tô Hồng Nam, theo ông công tác phối hợp chung tay bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần lưu ý những nội dung gì?
Ông Tô Hồng Nam: Có thể khẳng định, công tác phối hợp là yếu tố kiên quyết trẻ em trên không gian mạng. Trước hết là phối hợp chặt giữa các cơ quan quản lý nhà nước gồm: chuyên ngành ATTT, Bộ TT&TT với Cục trẻ em, Bộ LĐTBXH với Bộ GD&ĐT trọng tâm là giáo viên, học sinh và sinh viên triển khai các giải pháp tại Chương trình 830 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký tháng 6/2021.
Song song là phối hợp với các đoàn thể, hiệp hội, đoàn - đội - hội. Cụ thể là sự vào cuộc của đoàn thanh niên Hồ Chí Minh, các hiệp hội xã hội cùng tạo thêm sức mạnh cùng các cơ quan nhà nước triển khai rộng khắp để phối hợp hiệu quả hơn.
Phối hợp với doanh nghiệp, để vừa huy động được nguồn lực vừa phát triển các sản phẩm công nghệ. Đây là các đơn vị sẽ sản xuất ra các phần mềm, thiết bị giúp chúng ta có thể bảo vệ và quản lý trẻ em trên không gian mạng.
Bên cạnh đó là sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình để quản lý trẻ em vì đây là nơi mà phần lớn thời gian các em ở đó, ngoài thời gian đến trường.
Bốn sự phối hợp này cần phải thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và nhịp nhàng tránh bị trùng lặp và lãng phí về nguồn lực. Như vậy sẽ chắc chắn việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng của chúng ta sẽ thành công.
Phóng viên: Một câu hỏi cuối tại buổi toạ đàm ngày hôm nay, trong tương lai, Tạp chí An toàn thông tin có kế hoạch như thế nào trong việc chung tay bảo vệ trẻ em trên không gian mạng?
Ông Nguyễn Như Tuấn: Chúng tôi đã có kế hoạch cho nhiệm vụ này, cụ thể bao gồm:
Thứ nhất: Thành lập chuyên đề “Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” trên Tạp chí An toàn thông tin điện tử, nội dung này sẽ tập trung vào các hướng dẫn, kỹ năng cho giáo viên, phụ huynh, trẻ em về nguyên tắc, phương pháp cũng như các hoạt động cụ thể trong việc khai thác không gian mạng an toàn. Tạp chí sẽ bám sát các hướng dẫn từ các tổ chức uy tín tại Việt Nam như: Unicef Việt Nam; Cyberkid Việt Nam, Childfund tại Việt Nam, World Vision Việt Nam…
Thứ hai: Tạp chí sẽ duy trì và mở rộng phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cụ thể như với Cục CNTT và Vụ công tác học sinh – sinh viên của Bộ GD&ĐT; Cục ATTT, Bộ TT&TT; Cục Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an; Hiệp hội ATTT Việt Nam... trong việc triển khai các hoạt động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Tạp chí hiện đang bảo trợ truyền thông cho cuộc thi “Học sinh với ATTT 2022”. Đây hứa hẹn sẽ là một sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát huy khả năng tư duy của học sinh, giúp các em nhận diện và phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trên môi trường mạng.
Thứ ba: Tạp chí sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt trong việc xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đây là hoạt động hỗ trợ, đồng hành của Tạp chí cùng các doanh nghiệp trong việc quảng bá các sản phẩm Việt có tính năng tốt, dễ sử dụng và giá cả phù hợp.