Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước, đại diện các chuyên gia từ nhiều quốc gia: Anh, Malta, Singapore, Malaysia, Trung Quốc... Phía Ban Cơ yếu Chính phủ có đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải, Phó Trưởng ban.
Blockchain được biết đến là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin, dữ liệu bằng các khối liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Với đặc tính phi tập trung, minh bạch và độ bảo mật cao, blockchain được đánh giá là công nghệ mang tính cách mạng, dẫn dắt sự thay đổi trong tương lai, ứng dụng được trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, viễn thông…
Với sự bùng nổ mạnh mẽ toàn cầu trong thời gian qua, đã có nhiều quốc gia như Singapore, Malta, Dubai đã có những động thái cởi mở trong việc ứng dụng blockchain cũng như xây dựng các hành lang pháp lý đón đầu sự đổi mới. Trong khi đó, Chính phủ nhiều nước khác tiếp cận công nghệ blockchain, tiền mật mã với thái độ thận trọng. Trong bức tranh đó, Việt Nam vẫn đang tiếp tục theo dõi, khuyến khích phát triển những ưu điểm của công nghệ này. Đồng thời nghiên cứu, đưa ra các chính sách điều chỉnh phù hợp để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, báo điện tử VnExpress đã tổ chức Diễn đàn Blockchain 2018 với sự đồng hành của đối tác chiến lược Infinity Blockchain Labs, cùng các đơn vị phát triển công nghệ chuỗi khối Achain, Tomchain, Bigbom, ZeroBank, thu hút hơn 400 đại biểu tới tham dự. Diễn đàn là cầu nối giữa các đơn vị phát triển blockchain, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ với các cơ quan quản lý để đưa ra những đề xuất, kiến nghị pháp lý dành cho công nghệ blockchain, tiền mật mã, tài sản số và hoạt động gọi vốn ICO.
Tại đây các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ blockchain, đại diện tổ chức, chính phủ các quốc gia Singapore, Malaysia, Malta, Trung Quốc và Anh cùng đại diện các Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng nhau tọa đàm để tìm giải pháp phát triển công nghệ bockchain trong nước.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu tại Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương ông Nguyễn Văn Bình nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất thế giới, tạo ra những sự tác động mạnh mẽ ngày một gia tăng đối với mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, dẫn đến sự thay đổi lớn về phương thức sản xuất và lực lượng sản xuất. Trong số các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0, công nghệ blockchain hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối là một trong những công nghệ đột phá được dự đoán sẽ là công nghệ dẫn dắt CMCN 4.0 trong một vài thập kỷ tới.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý tham gia chương trình có thể cùng nhau chia sẻ về blockchain, chỉ ra những ưu thế; đồng thời đưa ra những ý kiến, kiến nghị để tận dụng tối đa những ưu thế của công nghệ blockchain tại Việt Nam. Những ý kiến cởi mở trong diễn đàn này sẽ là cơ sở để Chính phủ, cơ quan nhà nước có thể đưa ra những chính sách kịp thời để phát triển công nghệ Blockchain.
Diễn đàn Blockchain 2018 đã diễn ra trong hơn 4 giờ với 3 phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào các nội dung:
Phiên 1: Xu hướng phát triển công nghệ blockchain trên toàn cầu. Sau tham luận “Tổng quan về blockchain và tình hình phát triển chung của blockchain trên thế giới” của ông Adam Vaziri, Tổng giám đốc QRC Group, là thảo luận “Công nghệ blockchain đang thay đổi thế giới như thế nào?”. Dưới sự điều phối của ông Cris D. Tran, Giám đốc điều hành QRC Group, 5 diễn giả đến từ các quốc gia trên thế giới đã cùng thảo luận về thuận lợi, khó khăn trong quá trình ứng dụng Blockchain vào quốc gia của họ. Tại đây, những kinh nghiệm thực tế như: cần chủ động trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thay đổi quy trình nghiệp vụ phù hợp với việc ứng dụng blockchain... đã được các diễn giả chia sẻ cởi mở.
Phiên 2: Tổng quan tình hình phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam. Gồm 01 tham luận “Tình hình phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam” của ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Chiến lược vùng Infinity Blockchain Labs và Thảo luận “Ứng dụng công nghệ blockchain vào Việt Nam: Cơ hội và thách thức” do nhà báo Nguyễn Thị Tuyết Lan, Báo VNExpress điều phối. Theo nhận định chung, ngân hàng và y tế là hai lĩnh vực tiên phong ứng dụng công nghệ blockchain tại Việt Nam. Đặc biệt, tại phiên này đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực blockchain như: cần sớm xây dựng khung pháp lý, xây dựng Quỹ công nghệ blockchain, xây dựng sandbox để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển....
Phiên tọa đàm tại Diễn đàn
Phiên 3: Khuyến nghị chính sách, kế hoạch hành động, tầm nhìn đến năm 2025. Sau tham luận “Kiến nghị xây dựng hành lang pháp lý cho blockchain tại Việt Nam” do ông Manfred Otto, Luật sư cấp cao Duane Morris Việt Nam là thảo luận “Việt Nam phải làm gì để đẩy mạnh phát triển công nghệ blockchain” do bà Nicole Nguyễn, Giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Infinity Blockchain Ventures điều phối. Khác với các phiên thảo luận trước, phiên này quy tụ các diễn giả là đại diện lãnh đạo của Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp, Bộ TT&TT, Ngân hàng Nhà nước. Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp đã có cơ hội trao đổi và lắng nghe quan điểm của các cơ quan quản lý. Các diễn giả nhận định, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho blockchain là hết sức cần thiết. “Ở góc độ quản lý Nhà nước, tại nghị quyết 23, về chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam năm 2030, chúng tôi đã vạch ra định hướng Việt Nam phải đi tắt và đón đầu trong công nghiệp 4.0, phải xác định trọng tâm của Blockchain. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước phải xác định rõ việc sử dụng Blockchain. Nhà nước sẽ tạo khung pháp lý để khuyến khích, ủng hộ doanh nghiệp phát triển Block chain”, ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế - Bộ Tư pháp cho biết.
Bên lề hội thảo là triển lãm các sản phẩm ứng dụng công nghệ blockchain của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới.