Blockchain là gì?
Blockchain là chuỗi các khối liên kết với nhau bằng kỹ thuật mật mã. Mỗi khối đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm theo tem thời gian và dữ liệu giao dịch. Hiểu một cách đơn giản, Blockchain là một cuốn sổ cái điện tử, lưu trữ các giao dịch, thỏa thuận, hợp đồng hay bất kỳ dữ liệu gì mà chúng ta cần ghi chép một cách độc lập và xác minh sự tồn tại của nó.
Blockchain loại bỏ sự cần thiết của bên thứ ba có quyền lực trung tâm. Khi thực hiện giao dịch chuyển tiền thông qua ngân hàng, lịch sử giao dịch sẽ được ghi lại trong cơ sở dữ liệu của ngân hàng. Nhưng với Blockchain, không cần một bên thứ ba để thực hiện giao dịch, mà có thể trực tiếp thực hiện giao dịch giữa người với người một cách an toàn. Các thanh toán/giao dịch ngang hàng với tiền mã hóa cho phép thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác mà không cần qua một ngân hàng ủy quyền nào. Tiền có thể được chuyển qua máy tính hoặc các thiết bị di động có kết nối Internet. Những người tham gia vào hệ thống sẽ duy trì hệ thống mạng, thông qua đó tiền tệ được tạo ra và di chuyển, các giao dịch được ghi lại.
Về công nghệ, các giao dịch được xác minh bởi thuật toán chữ ký số dựa trên đường cong Elliptic (Elliptic Curve Digital Signature Algorithm - ECDSA) và được xác nhận bởi chuỗi các quá trình xử lý lần lượt các hàm băm SHA256. Mỗi khối trong Blockchain chứa tất cả thông tin giao dịch của khối đó trong 1 cây Merkle - là một cây nhị phân có thứ tự được xây dựng từ một dãy các đối tượng dữ liệu sử dụng hàm băm để đạt hiệu quả cao trong việc lưu trữ và xác minh với lượng dữ liệu lớn các giao dịch. Khi có một giao dịch không hợp lệ, hệ thống sẽ loại bỏ nó bằng cách chọn theo số đông. Càng có nhiều máy tính tham gia vào hệ thống ngang hàng Blockchain thì sức mạnh xử lý và độ an toàn của hệ thống Blockchain đó càng cao.
Blockchain là một cơ sở dữ liệu phân tán. Các máy tính liên tục thực hiện việc kiểm toán độc lập bằng cách xác minh dữ liệu nhận về và so sánh với chữ ký của giao dịch đó. Các ưu việt chính của Blockchain bao gồm: không thể làm giả hay can thiệp; không thể phá hủy; không thể thay đổi, bảo mật dữ liệu tuyệt đối minh bạch và hợp đồng thông minh.
Xu hướng và triển vọng của công nghệ Blockchain
Nếu Internet tạo ra sự thay đổi cho nền công nghiệp truyền thông, thì sự ra đời của công nghệ Blockchain có thể sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và nhiều lĩnh vực khác (bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông, y tế,...). Không chỉ giúp các hoạt động thương mại điện tử an toàn và tiết kiệm chi phí hơn, Blockchain sẽ thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của con người đối với thương mại điện tử. Tiềm năng lớn nhất của Blockchain là sự kết hợp với Hợp đồng thông minh, một công nghệ giúp các giao dịch, thỏa thuận được xác nhận mà không tiết lộ thông tin giữa các bên tham gia. Chính vì vậy, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp và tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới đi theo xu hướng tạo dựng riêng một mạng lưới Blockchain để phục vụ việc giao dịch. Hàng triệu USD đang được đổ vào công nghệ Blockchain nhằm chuyển đổi cách thức kinh doanh, lưu trữ và sử dụng thông tin. Các hãng lớn như UBS, Microsoft, IBM và PwC đều đang chạy đua trong việc áp dụng Blockchain vào lĩnh vực đặc thù của mình.
Trên toàn cầu, trong 2 năm 2014 và 2015, vốn đầu tư mạo hiểm vào công nghệ Blockchain đã nhiều hơn gấp 5 lần so với năm 2013 (lên tới 600 triệu USD). Thậm chí năm 2017, con số này đã tăng vượt bậc, đạt gần 1 tỉ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2018, các quỹ đầu tư mạo hiểm cho Blockchain và các công ty khởi nghiệp liên quan đến công nghệ Blockchain (không tính nguồn vốn gọi thông qua tiền ảo Initial Coin Offering - ICO) tiếp tục tăng (theo số liệu của Crunchbase - Hình 1).
Hình 1: Vốn đầu tư mạo hiểm vào công nghệ Blockchain
Việc ứng dụng Blockchain rất rộng mở và sẽ mở ra xu hướng ứng dụng tiềm năng đối với nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, y tế, sản xuất, giao thông.... Điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và toàn xã hội.
Đối với ngành tài chính ngân hàng: Ảnh hưởng của Blockchain tới ngành ngân hàng được ví như ảnh hưởng của Internet tới ngành truyền thông. Công nghệ Blockchain có thể được áp dụng trong các dịch vụ tài chính cho hàng tỉ người trên khắp thế giới. Blockchain được xem như là một phương tiện để cắt giảm chi phí và thời gian thanh toán bù trừ giao dịch liên ngân hàng, cũng như tạo ra hệ thống an toàn hơn.
Đối với ngành bán lẻ: Khi mua sắm, sẽ phải cần có sự tin tưởng vào hệ thống bán lẻ của các cửa hàng hoặc khu mua sắm. Một hệ thống bán lẻ dựa trên Blockchain sẽ kết nối người mua và người bán mà không cần một bên trung gian và các khoản chi phí liên kết.
Đối với lĩnh vực y tế: Y tế cũng là một ngành sử dụng nhiều hệ thống công nghệ chưa có tính cập nhật cao. Một trong những thách thức mà các bệnh viện phải đối mặt đó là việc thiếu một nền tảng an toàn để lưu trữ và chia sẻ dữ liệu. Blockchain có thể giúp các bệnh viện lưu trữ hồ sơ y tế và chia sẻ chúng với bệnh nhân hoặc những cá nhân được cho phép. Điều này sẽ cải thiện tính an toàn cho dữ liệu và cải thiện tốc độ, sự chính xác trong chẩn đoán.
Đối với sản xuất: Việc áp dụng đặc điểm không thể làm giả, không thể phá hủy của Blockchain vào ngành công nghiệp sản xuất sẽ giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đang được chào bán.
Đối với ngành giao thông: Blockchain có thể tạo ra một ứng dụng phân tán ngang hàng cho dịch vụ đi xe chung, cho phép cả chủ xe và người dùng sắp xếp điều khoản và thời gian một cách an toàn mà không cần bên thứ ba....
Kết luận
Tính ưu việt của công nghệ Blockchain là đặc tính không cần thông qua trung gian và không bên nào có thể tự ý thay đổi thông tin về những giao dịch quá khứ mà không thông qua một cơ chế đồng thuận nhất định. Điều này sẽ giảm bớt chi phí trung gian và hạn chế những tranh chấp không đáng có.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này thừa nhận rằng, có rất nhiều trở ngại trong việc đưa Blockchain vào thực tiễn. Có 3 trở ngại chính là: tính sẵn sàng, khả năng hợp tác của các đối tác trong mạng lưới và tính chuẩn hóa. Việc mô hình kinh doanh có thích hợp với Blockchain hay không là một câu hỏi lớn đối với cả công ty hỗ trợ giải pháp và công ty triển khai. Bên cạnh đó là những lo ngại về tính ẩn danh của các giao dịch qua Blockchain, khả năng mất việc làm….
Có một điều chắc chắn, đó là với những tiến bộ trong công nghệ, cuộc sống của con người sẽ thay đổi và Blockchain cũng không phải là ngoại lệ. Phạm vi của Blockchain không bó hẹp trong tiền mã hóa, mà là toàn bộ các hoạt động trao đổi của con người, cho phép những người hoàn toàn không quen biết nhau thực hiện giao dịch mà không cần sự chứng thực của bên thứ ba. Không nên quá lạc quan hay quá lo lắng về việc công nghệ Blockchain sẽ đi vào cuộc sống như thế nào, mà cách hiểu và vận dụng công nghệ này một cách thông minh mới là chìa khóa thay đổi thế giới một cách tốt đẹp.