Từ ngày 01/01 đến ngày 30/6, Facebook đã chặn và gỡ bỏ gần 1.400 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (đạt tỷ lệ 91%). Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều; Hội những người muốn tự tử...
Bên cạnh đó, Google cũng đã gỡ 5.363 video vi phạm trên Youtube (đạt tỷ lệ 95%). Đáng chú ý, vào tháng 3/2022, Youtube đã ngăn chặn 5 kênh Youtube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam với khoảng 1.500 video.
Cùng với Facebook, Goole thì Tiktok cũng đã chặn, gỡ 182 video vi phạm (đạt tỷ lệ 90%). Ngoài ra, Tiktok đã tự chủ động rà quét, ngăn chặn 800 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.
Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, Bộ TT&TT đã cho sử dụng hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát Không gian mạng quốc gia để giám sát, rà quét liên tục 24/7 trên không gian mạng, nhờ đó phát hiện và cảnh báo kịp thời cho 63 tỉnh/thành phố các tin giả, thông tin xấu độc liên quan đến từng địa phương để nhanh chóng xử lý.
Những trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ TT&TT gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như: Google, Facebook, Tiktok... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ.
Bộ TT&TT còn tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền để từng người dân nâng cao nhận thức, không còn lối suy nghĩ mạng xã hội là “vô danh nên vô trách nhiệm”; tăng cường lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng, các thông tin khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo tồn bản sắc dân tộc….
Hiện nay, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP nhằm bổ sung thêm các quy định để quản lý chặt chẽ hơn thông tin trên mạng xã hội.