Bốn người Việt gian lận 36 triệu USD của Facebook như thế nào?

09:32 | 07/07/2021
M.H

Ngày 30/6/2021, Facebook thông báo kiện 4 người Việt Nam vì chiếm đoạt tài khoản quảng cáo. Theo Facebook, những cá nhân này đã gây thiệt hại hơn 36 triệu USD.

Thủ đoạn "đánh cắp cookie"

Cụ thể, Facebook cáo buộc 4 người Việt Nam, gồm Nguyễn Hữu Thêm, Lê Khang, Nguyễn Quốc Bảo và Phạm Hữu Dung. Theo mạng xã hội này, những người trên đã sử dụng kỹ thuật "đánh cắp cookie" để xâm nhập tài khoản nhân viên các đại lý quảng cáo và tiếp thị, sau đó chạy quảng cáo trái phép.

Nạn nhân bị xâm phạm tài khoản sau khi bị lừa cài một ứng dụng lừa đảo có tên Ads Manager for Facebook trên Google Play. Ứng dụng giả mạo này yêu cầu người dùng đăng nhập tài khoản quảng cáo Facebook. Sau khi có thông tin đăng nhập, sẽ cấp quyền cho các trang lừa đảo để quảng cáo tiếp cận người dùng.

Tuy nhiên, chính Facebook đã gián tiếp giúp cho ứng dụng này tiếp cận với những nhà quảng cáo để lừa đảo. Cụ thể, từ ngày 28/12/2020, nhóm phát triển đã chạy quảng cáo ứng dụng Ads Manager for Facebook giả nhắm tới người dùng tại Mỹ, châu Âu, Brazil và Ấn Độ. Trong 4 ngày, có khoảng 1.700 người dùng bấm vào quảng cáo này.

Ngoài ra, để che giấu hành vi, nhóm người trên cũng chặn đánh giá tiêu cực của người dùng trên fanpage.

Các cá nhân tự sử dụng hoặc cho thuê để chạy livestream bán hàng

Theo Facebook, nhóm người này đã sử dụng các tài khoản để chạy 10.000 quảng cáo trên Facebook và Instagram. Trong đó, một trong những hình thức quảng cáo phổ biến là chạy video livestream bán hàng.

Không chỉ sử dụng cho riêng mình, nhóm người này còn cho thuê lại các tài khoản có thể chạy quảng cáo livestream.

Ngoài ra, nhóm này cũng dùng tài khoản để quảng cáo cho các trang web bán dịch vụ in áo phông hoặc sản phẩm lưu niệm của họ. Các dịch vụ này được quảng cáo nhắm tới người dùng ở Mỹ, châu Âu và Việt Nam.

Những quảng cáo này cũng dẫn đến nhiều website bán hàng lừa đảo. Một ví dụ mà Facebook dẫn lại cho thấy quảng cáo dây đèn LED cho xe hơi nhắm tới người dùng Mỹ được bấm vào 100.000 lần. Nhiều người dùng sau đó phàn nàn họ không nhận được sản phẩm, hoặc sản phẩm không hoạt động như video.

Vào ngày 16/6, Facebook xác định được Nguyễn Quốc Bảo đã chiếm quyền của khoảng 150 tài khoản quảng cáo. Mạng xã hội này khóa các tài khoản, thông báo cho nạn nhận.

Tới ngày 25/6, Facebook đã dùng các biện pháp kỹ thuật để khóa tài khoản Facebook, Instagram mà nhóm bị đơn kiểm soát.

Việt Nam công nhận bản án của nước ngoài

Trong đơn kiện, Facebook đề nghị Tòa án quận Nam California xét xử các cáo buộc với bị đơn. Mạng xã hội này yêu cầu được phán xét để cấm nhóm bị đơn truy cập nền tảng Facebook, và đòi bồi thường số tiền ít nhất 36 triệu USD. Đây là vụ kiện đầu tiên về lạm dụng thương mại điện tử của Facebook.

Đơn kiện của Facebook đang được phía tòa án Mỹ xem xét. Theo Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty luật TAT, Đoàn luật sư TP.Hà Nội), việc dẫn độ tội phạm giữa 2 nước phải đảm bảo phù hợp với những điều khoản đã ghi trong Hiệp định tương trợ tư pháp. Đồng thời, phải đáp ứng điều kiện dẫn độ và không thuộc các trường hợp từ chối dẫn độ.

“Thực tế Việt Nam và Mỹ chưa ký kết bất kỳ hiệp định tương trợ tư pháp song phương nào, nên dẫn độ tội phạm (nếu có) sẽ thực hiện theo nguyên tắc “có đi có lại” (tức nếu tòa án tại Mỹ đã công nhận bản án của tòa án Việt Nam thì Việt Nam có thể công nhận bản án của tòa án tại Mỹ) nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế (khoản 2, điều 492, bộ luật Tố tụng hình sự - BLTTHS 2015). Song, Việt Nam vẫn có thể từ chối dẫn độ theo quy định tại điều 35, luật Tương trợ tư pháp của Việt Nam”, luật sư Tú nêu.

Luật sư Tú phân tích thêm, nếu Việt Nam từ chối dẫn độ, nhưng vẫn có 2 trường hợp có thể xảy ra đối với nhóm 4 người Việt trên, đó là “theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc cho thi hành bản án, quyết định hình sự của tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ”, theo điều 498, BLTTHS 2015.

Theo đó, bản án của tòa án nước ngoài có thể được thi hành tại Việt Nam khi có đủ các điều kiện: có văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; hành vi phạm tội mà công dân Việt Nam bị kết án ở nước ngoài cũng cấu thành tội phạm theo quy định của bộ luật Hình sự của Việt Nam; bản án, quyết định hình sự của tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam đã có hiệu lực pháp luật và không còn thủ tục tố tụng nào đối với người đó.