Về chiến tranh thông tin
Cho đến nay, các chuyên gia và các nhà lý luận quân sự trên thế giới vẫn chưa thống nhất được một định nghĩa chung về CTTT. Tuy nhiên, từ các định nghĩa được chấp nhận, người ta thấy CTTT có thể được xem xét theo nghĩa rộng và theo nghĩa hẹp, ở cấp độ quốc gia và cấp độ quân sự.
CTTT theo nghĩa rộng là việc sử dụng thông tin để đạt được mục đích quốc gia. Nó chỉ mọi hành động chiến tranh, phi chiến tranh do các trang bị công nghệ thông tin (CNTT) hoặc lực lượng sử dụng công nghệ thông tin tiến hành, trong đó hoạt động CNTT có tác dụng chủ yếu, thông tin chiếm vai trò chủ đạo. Nó không chỉ bao gồm lĩnh vực quân sự, mà còn gồm cả những lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, văn hoá, vật chất và tinh thần. Như vậy, CTTT được hiểu là diễn ra trên “chiến trường”, trong đó xảy ra cuộc xung đột quốc gia với quốc gia ở cấp chiến lược và “các hoạt động khác với chiến tranh” cũng đang được thực hiện.
CTTT theo nghĩa hẹp chỉ bao gồm sự đối kháng giữa các hệ thống thông tin quân sự. Trên thực tế, nếu xem xét phạm vi tác dụng thực tế của CTTT tương lai, thì CTTT không thể chỉ hạn chế ở những cuộc đối đầu trong lĩnh vực quân sự, mà nó sẽ thâm nhập vào mọi khía cạnh của đời sống xã hội, làm cho khái niệm và phạm vi chiến tranh mở rộng chưa từng có. CTTT là vận dụng những thủ đoạn của chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng máy tính và chiến tranh tâm lý... để tiến công vào toàn bộ hệ thống thông tin, vũ khí thông tin hoá (bao gồm cả con người) phá hoại luồng thông tin chiến trường nhằm làm ảnh hưởng, suy giảm và phá huỷ khả năng chỉ huy kiểm soát của đối phương, đồng thời bảo vệ khả năng chỉ huy kiểm soát của mình khỏi bị ảnh hưởng bởi những hành động tương tự của đối phương.
Đặc tính của chiến tranh thông tin
Trong quá trình nghiên cứu các phương thức và các phương tiện tác chiến trong CTTT gần đây và trong tương lai, các chuyên gia cho rằng, CTTT cấp chiến lược có 7 đặc tính cơ bản sau:
- Chi phí tham chiến thấp: Khác với các công nghệ vũ khí truyền thống, các hệ thống thông tin và khả năng tiếp cận nhiều mạng thông tin quan trọng là điều kiện tiên quyết trong CTTT. Đối phương có thể chỉ sử dụng một lực lượng nhỏ, thậm chí một chuyên gia tin học, với trang bị gọn nhẹ, bí mật thâm nhập vào mạng của đối phương tiến hành sao chép, làm sai lệch, giả mạo các thông tin, cài virus... thực hiện tác chiến “phi đối xứng”.
- Các ranh giới truyền thông bị xoá nhoà: Việc phân biệt các nguồn đe dọa và hành động giữa ngoài nước và trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Không thể xác định ai là kẻ tiến công, ai là người bị tiến công, bởi các luồng thông tin đan xen nhau, không phân chia ranh giới, không rõ nơi xuất phát.... Các ranh giới giữa các mức độ chống phá nhà nước, vi phạm an ninh quốc gia... bắt đầu bằng hoạt động tội phạm cho tới gây ra chiến tranh sẽ không còn rõ ràng - Vai trò quản lý thông tin được tăng cường: Các tổ chức thù địch có thể sử dụng các mạng máy tính, đặc biệt là Internet để yêu cầu trợ giúp chính trị, đưa ra các yêu sách, gây thù hằn sắc tộc, chia rẽ sự đoàn kết các dân tộc trong một quốc gia. Chính vì vậy, mỗi quốc gia phải quản lý chặt chẽ các nguồn thông tin, các biện pháp kiểm duyệt thông tin để đảm bảo sự ổn định mọi mặt của đất nước.
- Thách thức mới về tình báo chiến lược: Các mục tiêu thu tin khó xác định, việc phân bố các nguồn tin tình báo sẽ phức tạp do sự thay đổi nhanh chóng của bản chất mối đe doạ.... Vì vậy, các quốc gia phải cơ cấu lại vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan tình báo; xây dựng một cơ cấu tổ chức liên cơ quan nhằm phối hợp thu, sàng lọc và xử lý các nguồn tin nước ngoài và trong nước kịp thời, linh hoạt và chính xác.
- Khó giải quyết các vấn đề tiến công và cảnh báo chiến thuật: Hiện nay vẫn chưa có một hệ thống cảnh báo chiến thuật tương xứng, để phân biệt các cuộc tiến công CTTT chiến lược với loại hình hoạt động gián điệp hoặc các sự cố ngẫu nhiên (sự cố bất trắc, trục trặc hệ thống, truy cập trái phép...) trong không gian mạng. Việc xác định được các vấn đề: khi nào bị tiến công, ai tiến công, tiến công thông tin được tiến hành như thế nào, cần có sự hợp tác giữa các quốc gia như thế nào....
- Khó xây dựng và duy trì các liên minh: Nhiều đồng minh và đối tác liên minh của một quốc gia sẽ bị tổn thương khi các cơ sở hạ tầng thông tin của họ bị tiến công. Ví dụ, sự phụ thuộc vào các dịch vụ điện thoại và mạng máy tính ở các nước đang phát triển có thể làm cho hệ thống truyền thông hiện đại ở các nước này bị tê liệt trước cuộc tiến công của CTTT. Những đối tác liên minh cần phải có phương án hỗ trợ khẩn cấp về quân sự, để đảm bảo kế hoạch triển khai của một quốc gia tới khu vực của họ mà không bị tổn hại trước sự phá hoại của CTTT.
- Khả năng bị tổn hại của một nước có cơ sở hạ tầng thông tin phát triển: Nhờ có các kỹ thuật dựa trên cơ sở thông tin, các mục tiêu ở rất xa cũng dễ dàng bị tổn thương như các mục tiêu ngoài chiến trường. Kinh tế và xã hội của các nước phát triển ngày càng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng thông tin. Đặc biệt, các hệ thống điều khiển kết nối mạng phức hợp đã tạo ra một loạt các mục tiêu chiến lược mới có lợi cho các đối thủ tiềm tàng có trang bị vũ khí CTTT. Đối phương có thể thực hành tiến công phá hoại tại các nút của mạng máy tính (tiến công vật lý) hoặc thực hiện tiến công lôgic, sử dụng các vũ khí thông tin như virus, thư điện tử, thư rác điện tử... đột nhập vào mạng để ăn cắp, sao chép thông tin....
Do các đặc tính cơ bản của CTTT ở trên, nên tuỳ thuộc vào lợi ích quốc gia và khả năng ứng phó với CTTT mà các “cường quốc quân sự” có quan điểm khác nhau về CTTT. CTTT là một trong ba ưu tiên của Nga trong lĩnh vực quốc phòng, song song với các lực lượng hạt nhân chiến lược và phát triển vũ khí dẫn đường chính xác. Đối với Mỹ, môi trường thông tin đã trở thành một nguồn lợi lớn trong nghiên cứu công nghệ và cơ sở hạ tầng; cuộc cách mạng thông tin là điều tất yếu, cho nên Mỹ phải bằng mọi cách duy trì ưu thế trong lĩnh vực thông tin. Các quan điểm đó được thể hiện ở phần dưới đây.
Hai cách tiếp cận đối với chiến tranh thông tin
Tiếp cận đối với chiến tranh thông tin hay cụ thể hơn là An ninh không gian mạng (KGM) của chính phủ Nga và Mỹ là hoàn toàn khác nhau. Các chuyên của gia Nga cho rằng, những khái niệm của Mỹ về an ninh không gian mạng và KGM chủ yếu hướng về công nghệ, trong khi những khái niệm của Nga về “an ninh thông tin” và “không gian thông tin” có những ý nghĩa rộng hơn về triết học và chính trị. Công nghệ được thừa nhận chỉ như là một trong nhiều thành phần trong an ninh thông tin và không được xem như là yếu tố quan trọng nhất.
Những mục tiêu được Nga nêu ra trong khái niệm thông tin của mình là việc bảo vệ tri thức, văn hóa của quốc gia và việc đảm bảo dòng chảy tự do của thông tin.
Một cách tổng thể, Mỹ tập trung nhiều hơn vào một tiếp cận tăng cường luật pháp nội địa, trong khi Nga ưu tiên hơn vào một mục tiêu bổ sung về thiết lập các thể chế quốc tế. Hai cách tiếp cận này, vì thế sẽ bổ sung cho nhau.
Cách tiếp cận của Nga
Các tổ chức có trách nhiệm về an ninh KGM là Hội đồng An ninh, Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), Cơ quan bảo vệ Liên bang (FSO) và Cơ quan Kiểm soát Xuất khẩu và Kỹ thuật Liên bang, Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Liên bang.... Chính sách an ninh thông tin của Nga được điều phối thông qua một Ủy ban liên chính phủ trong Hội đồng An ninh.
Học thuyết An ninh Thông tin của Nga đã được phê chuẩn vào tháng 9/2000, đã định nghĩa An ninh thông tin như là “sự bảo vệ những lợi ích quốc gia của Nga trong môi trường thông tin được xác định bằng tổng thể các lợi ích được cân bằng đối với cá nhân, xã hội và nhà nước”. Nó bao quát các vấn đề về bảo vệ dữ liệu, sự riêng tư cá nhân và việc thâm nhập vào các thông tin bí mật và truy cập tới thông tin của nhà nước. Năm 2010, Chính phủ Nga đã xác định 4 mục tiêu trọng tâm của chính sách thông tin nhà nước, bao gồm:
- Phát triển một hệ thống các giá trị cho xã hội Nga;
- Đảm bảo sự hỗ trợ các hoạt động của nhà nước từ quan điểm của quốc gia và quốc tế (hỗ trợ công khai đối với chính sách của nhà nước);
- Chống lại các hệ tư tưởng phá hoại, chủ nghĩa cực đoan về tôn giáo, và thông tin đánh lạc hướng về các chính sách nhà nước (các khía cạnh thông tin chính trị);
- Chống lại phá hoại sự ổn định và hoạt động an toàn của hạ tầng thông tin quốc gia (bao gồm các khía cạnh quân sự, công nghệ và chính trị).
Để xây dựng một hiệp định quốc tế, theo quan điểm của Nga, cần hạn chế hoặc ràng buộc sự phát triển, hoặc sử dung rộng rãi các vũ khí tấn công KGM. Hiệp định này phải giải quyết được mối đe dọa của các cuộc tấn công KGM và ngăn ngừa một “cuộc chạy đua vũ trang số”. Hiệp định này cũng phải thống nhất được định nghĩa về “sự xâm lược trong không gian mạng” và về các “vũ khí thông tin”.
Cách tiếp cận của Mỹ
Năm 2009, chính quyền Mỹ đã thành lập một cơ quan điều phối an ninh KGM như một bộ phận của Bộ Tham mưu An ninh Quốc gia để điều phối chiến lược quốc gia trong lĩnh vực này. Cơ quan mới này được giao nhiệm vụ xây dựng một chính sách quốc gia toàn diện về tăng cường và cải thiện phòng thủ điện tử các hạ tầng trọng yếu cũng như điều phối các hoạt động của chính phủ liên bang về an ninh thông tin. Mỹ đã có một số sáng kiến và chính sách trong lĩnh vực an ninh KGM, như Chiến lược Quốc gia về chia sẻ Thông tin (năm 2007) và sáng kiến An ninh KGM tổng thể Quốc gia CNCI (Comprehensive National Cybersecurity Initiative) (năm 2008).
Các tổ chức chịu trách nhiệm chính về an ninh KGM trong Chính phủ Liên bang Mỹ là Bộ An ninh Nội địa, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Văn phòng về An ninh KGM và Truyền thông, Trung tâm Bảo vệ Hạ tầng Quốc gia, và Bộ phận Sở hữu Trí tuệ và Tội phạm Máy tính của Bộ Tư pháp.
Chính quyền Mỹ ưu tiên cho cách tiếp cận phòng thủ, trong đó sự hợp tác được thực hiện dựa trên tăng cường luật pháp quốc tế. Họ cũng tin tưởng rằng, mục tiêu của an ninh KGM có thể đạt được tốt nhất với cách tiếp cận ở tầm quốc gia khi mà chính phủ các nước hành động ở mức quốc gia và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, để cải thiện an ninh các hạ tầng thông tin trọng yếu của riêng họ. Bên cạnh đó, với các mục tiêu riêng của mình, Mỹ cũng phản đối việc thiết lập “các biên giới KGM” và xem nó như là một thách thức trực tiếp đối với các nguyên tắc mở rộng can thiệp vào không gian mạng của Mỹ.
An ninh KGM hay CTTT đã đặt ra yêu cầu cho chính phủ các nước phải có những chiến lược cơ cấu lại lực lượng, xây dựng lý luận tác chiến mới, đặc biệt là biện pháp giành thắng lợi trong CTTT. Song song với việc trang bị thiết bị, phát triển công nghệ thông tin, xây dựng lực lượng tác chiến mạng, các quốc gia cần phải nghiên cứu kỹ về bản chất của CTTT, chuẩn bị tốt về lực lượng để có thể thích nghi và giành thắng lợi trong môi trường tác chiến hiện đại.