66% TTHC của Đà Nẵng được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4
Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước năm 2018 mới được Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) công bố, ở khối các tỉnh, thành phố, với việc đạt 0,871 điểm, Đà Nẵng đã là địa phương dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền điện tử trong năm ngoái.
Đặc biệt, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) thuộc Hội truyền thông số Việt Nam, Đà Nẵng là 1 trong 10 tỉnh, thành phố có tổng số hồ sơ tiếp nhận qua hệ thống thông tin một cửa điện tử cao nhất, với 640.399 hồ sơ, đồng thời cùng nằm trong Top 10 tỉnh có tổng số hồ sơ được giải quyết đúng hạn cao nhất, với 633.388 hồ sơ được giải quyết đúng hạn, đạt tỉ lệ hơn 98,9%.
Thông tin về kết quả triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Đà Nẵng thời gian qua, ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, mô hình Chính quyền điện tử, trong đó có Cổng DVCTT của thành phố được triển khai theo mô hình tập trung.
Theo thống kê, tính đến cuối năm ngoái, Đà Nẵng đã cung cấp 647 DVCTT mức 3 và 4, chiếm 66% tổng số thủ tục hành chính (TTHC), tăng 3,14 lần so với năm 2015. Kết quả thực tế đạt được trong cung cấp DVCTT của Đà Nẵng tăng 1,5 lần so với mục tiêu cải cách hành chính của Thành phố vào năm 2020. Nghị quyết 17 của Chính phủ đạt mục tiêu đến năm 2020 số DVCTT mức 3 và 4 chiếm 30% tổng số TTHC thì hiện tại tỷ lệ này của Đà Nẵng đã là 66%.
Số liệu thống kê về kết quả cung cấp DVCTT của TP. Đà Nẵng cũng cho thấy, năm 2018 tỷ lệ dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến là 47%, tỷ lệ này năm 2017 là 32%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của Thành phố năm 2018 là 44% (năm 2017 là 35%). Ông Thạch cho biết, như vậy, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của Đà Nẵng đã gần đạt mục tiêu cải cách hành chính của TP. Đà Nẵng vào năm 2020 (50%) và gấp hơn 2 lần so với mục tiêu Nghị quyết 17 của Chính phủ vào năm 2020 (20%).
7 nhóm giải pháp chính
Đối với kinh nghiệm của Đà Nẵng trong triển khai cung cấp DVCTT, ông Trần Ngọc Thạch nhấn mạnh đến 7 nhóm giải pháp chính đã được Thành phố tập trung triển khai đồng bộ thời gian qua, đó là: Chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt; Chính sách đầu tư; Lựa chọn dịch vụ công cần thiết, phù hợp để triển khai; Chất lượng hồ sơ bảo đảm, công khai cho tổ chức, công dân; Quy định trách nhiệm của các cơ quan, đặc biệt Sở TT&TT nhiều hơn; Các giải pháp, tiện ích thuận lợi cho tổ chức, công dân sử dụng; Các biện pháp, tiện ích thuận lợi cho cán bộ công chức, viên chức tham gia xử lý DVCTT.
Cụ thể, về chỉ đạo, quyết tâm của lãnh đạo, Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng có một chương trình hành động, trong đó có nội dung rằng đến năm 2020 Đà Nẵng phải có 100% TTHC cung cấp ở mức 3 và 4. Từ chương trình của Ban thường vụ Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng đã giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT, xem đây là giải pháp “lõi” để nâng cao hiệu quả công việc trong xu hướng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị tinh gọn.
Từ đầu năm 2017, UBND Thành phố đã ban hành Quy chế xây dựng, vận hành và khai thác dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP.Đà Nẵng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân.
Đặc biệt, Đà Nẵng cũng đã đưa ra những chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp không nộp hồ sơ giấy; người dân sẽ được miễn phí chuyển phát dịch vụ bưu chính công ích khi họ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, chi phí này Thành phố trả thay người dân; đồng thời Đà Nẵng cũng thử nghiệm việc cấp phát giấy tờ tự động, theo đó người dân có thể lấy kết quả giải quyết TTHC qua mạng.
Một kinh nghiệm nữa của Đà Nẵng, theo chia sẻ của ông Thạch, là Thành phố triển khai thống nhất trong điều hành: việc cung cấp DVCTT được đưa vào kế hoạch cải cách TTHC cũng như kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử Thành phố.
Đáng chú ý, không triển khai các DVCTT theo “hàng ngang”, Đà Nẵng đã ra quy định lựa chọn DVC ưu tiên cung cấp trực tuyến. Theo đó, DVC triển khai trực tuyến mức 3 thì năm trước đó phải có ít nhất 50 hồ sơ trực tuyến; và DVC triển khai mức 4 là những DVC đã có ít nhất 30% hồ sơ mức 3.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời kiểm soát được quá trình xử lý của các cơ quan, Đà Nẵng đã tích hợp Cổng DVCTT vào hệ thống một cửa điện tử. Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến được thực hiện trên 1 nền tảng, theo 1 quy trình thống nhất, với 1 cơ quan triển khai, vận hành, cập nhật; không triển khai riêng lẻ trên website của các cơ quan.
Thành phố triển khai đa đối tác, nhiều đơn vị tham gia cùng Đà Nẵng triển khai DVCTT. Đơn cử như, Đà Nẵng đa dạng kênh và đối tác thanh toán trực tuyến để tổ chức, công dân lựa chọn sử dụng. Theo ông Thạch, hiện nay Đà Nẵng đã triển khai thanh toán điện tử cho DVCTT qua dịch vụ của MoMo, NAPAS và VietinBank, ngoài ra cũng bắt đầu ứng dụng hóa đơn điện tử, phiếu thu điện tử, thông qua hợp tác với VNPT.
Cũng nhằm khuyến khích người dân sử dụng DVCTT, Đà Nẵng đã quy định giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến. Thủ tưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương được yêu cầu phải rút ngắn thời gian xử lý với các hồ sơ trực tuyến đến 50% so với quy định với nộp hồ sơ trực tiếp.
Thành phố còn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhất là Sở TT&TT Đà Nẵng phải gương mẫu, khi dùng DVC của cơ quan khác thì bắt buộc phải sử dụng DVCTT.
Cùng với đó, nhiều dịch vụ tiện ích đã được Đà Nẵng triển khai để giúp người dân thuận tiện hơn trong sử dụng DVCTT như: tiện ích tra cứu hồ sơ qua SMS, Zalo, email; chức năng tự động gửi SMS thông báo trên tài khoản cho người dân khi đã nhận hồ sơ DVCTT và khi có kết quả xử lý hồ sơ; tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT qua tổng đài 1022 của Trung tâm thông tin dịch vụ công hay qua Chatbot.…