Các quốc gia ASEAN cần xây dựng một cơ chế hợp tác về an toàn, an ninh mạng

15:00 | 17/10/2016

Các đại biểu tại Hội nghị Bộ trưởng các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về an toàn, an ninh mạng nhận định ASEAN cần xây dựng cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin để giải quyết kịp thời các sự cố về an toàn mạng nhằm đảm bảo an toàn thông tin và kết nối liên tục, rộng khắp, đồng thời cần đề ra một chiến lược tổng thể nhằm thực hiện mục tiêu trở thành nền kinh tế số hóa vào năm 2020.

Hội nghị được tổ chức từ 10-12/10/2016 dựa trên sáng kiến của nước chủ nhà Singapore trong bối cảnh ngày càng nhiều nguy cơ và thách thức đến từ các cuộc tấn công mạng có tính chất toàn cầu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore, Yaacob Ibrahim nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn, an ninh mạng đối với phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.

Theo Bộ trưởng Yaacob Ibrahim, đảm bảo an toàn, an ninh mạng không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi nước, mà còn cần phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm, xây dựng năng lực và thể chế, tạo một hành lang pháp lý và bộ tiêu chuẩn thống nhất trong khu vực cũng như tăng cường các cuộc diễn tập chung xử lý các sự cố....

Để thúc đẩy mục tiêu này, Bộ trưởng Yaacob Ibrahim cho biết Singapore sẽ tài trợ 10 triệu SGD (tương đương 7,7 triệu USD) cho chương trình nâng cao năng lực và khả năng ứng phó sự cố về an toàn mạng; tài trợ cho sáng kiến toàn cầu "không gian mạng xanh" (CyberGreen) nhằm hỗ trợ các nước nâng cao nhận thức và có các biện pháp phòng ngừa, đối phó với các rủi ro từ không gian mạng. Singapore cũng kêu gọi các nước thành viên hợp tác chặt chẽ hơn trong việc thực thi luật pháp quốc tế chống lại tội phạm mạng....

Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Thanh Hải cho biết Việt Nam đồng tình với quan điểm trên; đánh giá cao vai trò của Ban Thư ký ASEAN trong điều phối, xây dựng các chuẩn mực chung thúc đẩy phát triển không gian mạng trong ASEAN cũng như toàn cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia.

Cùng với Việt Nam, đại diện các nước Philippines, Malaysia, Indonesia, Lào, Campuchia, Myanma, Brunei và Thái Lan cũng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng năng lực, thể chế; nâng cao nhận thức của các cơ quan chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng như ban hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực an toàn thông tin.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh ghi nhận những ý kiến đóng góp của các quốc gia, đồng thời khẳng định duy trì các diễn đàn đối thoại thường xuyên ở cấp khu vực cũng như với các đối tác về vấn đề an toàn, ninh mạng; xây dựng chiến lược về an toàn, an ninh mạng; đảm bảo tính kết nối giữa các quốc gia; xây dựng khung khổ pháp lý thuận lợi để thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân, góp phần giảm bớt gánh nặng cho chính phủ và tăng cường nhận thức cho người dân; đặc biệt là tổ chức các cuộc diễn tập chung để giải quyết các sự cố….