Được biết, mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử của Đà Nẵng được triển khai trên nền tảng eGov Platform, vốn là một nền tảng nguồn mở, dễ dàng tích hợp với các ứng dụng khác nhau nên có thể cắt giảm được chi phí đầu tư, giao diện thân thiện với người dùng. EGov Platform đang được sử dụng để phát triển hơn 300 ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cho Đà Nẵng.
Hệ thống thông tin chính quyền điện tử của Đà Nẵng bao gồm nhiều tiểu hệ thống như Hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý lưu trú trực tuyến, hệ thống quản lý giao thông công cộng, hệ thống giám sát chất lượng nước sinh hoạt... giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các giao dịch hành chính với cơ quan Nhà nước.
Riêng đối với cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính đã có 1.196 dịch vụ công mức độ 2 và 498 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 được xây dựng hoàn chỉnh, trải rộng trên nhiều lĩnh vực gồm: cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép lái xe, cấp giấy phép kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư...
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đánh giá nền tảng Chính quyền điện tử của Đà Nẵng có sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp CNTT có uy tín. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình không có nghĩa là áp dụng rập khuôn sang các địa phương khác, bởi mỗi địa phương lại có những đặc điểm khác nhau. Đà Nẵng có quy mô dân số nhỏ, lại là địa phương luôn được xếp hạng cao trong bảng xếp hạng ứng dụng CNTT trong các Cơ quan Nhà nước cũng như về chỉ số cải cách hành chính. Do đó, Thứ trưởng cho rằng đề xuất của Cục Ứng dụng CNTT là hợp lý để có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện về hiệu quả của mô hình và giải pháp mà Đà Nẵng lựa chọn. Trong trường hợp thấy kết quả tốt thì mới khuyến khích nhân rộng mô hình.