Cùng với đà tăng tỷ lệ sở hữu thẻ thanh toán nói chung và thẻ tín dụng nói riêng, thói quen chi tiêu không dùng tiền mặt tại Việt Nam cũng tăng lên đáng kể.
Khảo sát mới công bố hồi tháng 6 của Visa cho thấy 1/2 số người dùng Việt đã bắt đầu sử dụng thẻ thường xuyên hơn do tác động của đại dịch. Có đến hơn 80% người tiêu dùng hiện nay đang sử dụng thẻ, thanh toán qua mã QR và ví điện tử ít nhất một lần một tuần. Tính thuận tiện luôn là tiêu chí hàng đầu trong sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán kỹ thuật số, theo sau đó là an toàn tránh lây nhiễm và bảo mật giao dịch.
Sự phát triển của các hình thức thanh toán kỹ thuật số khiến tội phạm mạng càng nhắm vào lĩnh vực khá mới mẻ này. Có rất nhiều phương thức lừa đảo đã được cảnh báo, song do thị trường còn non trẻ, tỷ lệ người dùng mới khá nhiều, do đó nhiều vụ chiếm đoạt tiền vẫn diễn ra trót lọt.
Trong đó, các vụ đánh cắp tiền từ thẻ tín dụng là phương thức cũ và lâu đời nhất, đã xuất hiện từ khi loại thẻ này ra đời từ hơn chục năm trước. Đối với thẻ dạng này, kẻ gian chỉ cần biết thông tin in trên mặt thẻ là có thể thực hiện hành vi đánh cắp tiền trong tài khoản. Thông tin thẻ đã đầy đủ để có thể dùng để giao dịch trên thương mại điện tử, mua hàng quốc tế, trả phí dịch vụ,...
Do đó, chỉ cần người khác cầm được thẻ tín dụng, hoặc nhanh tay có được thông tin trên thẻ thì nguy cơ mất tiền trong tài khoản rất cao. Nếu không trực tiếp cầm được thẻ tín dụng, kẻ lừa đảo sẽ tìm cách lấy các thông tin này từ xa. Chẳng hạn gần đây nhất, một số người dùng tại Việt Nam nhận được các cuộc gọi mời chào rút tiền từ thẻ tín dụng hoặc mở thẻ tín dụng mới. Sau đó kẻ gian yêu cầu cung cấp thông tin trên thẻ, hoặc chụp ảnh thẻ tín dụng gửi cho chúng, nhiều người còn cung cấp mã OTP, tạo điều kiện cho kẻ gian đánh cắp tiền trong tài khoản.
Trên thực tế, không chỉ các thị trường mới như Việt Nam mới xảy ra lừa đảo thẻ tín dụng. Theo khảo sát gần đây nhất về sự lựa chọn thanh toán của người tiêu dùng, do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta (Mỹ) thực hiện, 3,5% chủ thẻ tín dụng vào năm 2020 cho biết họ đã gặp sự cố mất mát, trộm cắp hoặc gian lận liên quan đến thẻ tín dụng của họ trong 12 tháng qua. Theo thống kê năm 2020 của Cục điều tra dân số với 258 triệu người trưởng thành ở Hoa Kỳ, thời điểm đó có khoảng 203 triệu chủ thẻ tín dụng. Với tỷ lệ 4,7%, trung bình 9,5 triệu người Mỹ mỗi năm là nạn nhân của gian lận thẻ tín dụng.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát năm 2021 của các nhà nghiên cứu tại Security.org cho thấy hơn một nửa số người được hỏi (58%) đã từng bị gian lận thẻ tín dụng vào một thời điểm nào đó trong đời, với 9% nói rằng họ đã từng là nạn nhân từ bốn lần trở lên.
Để không trở thành nạn nhân của lừa đảo qua thẻ tín dụng, các ngân hàng đều đưa ra nhiều lời khuyên cho người sử dụng. Mới đây nhất, VPBank đưa ra một số khuyến cáo cụ thể. Chẳng hạn, khách hàng phải luôn kiểm tra các thông tin giao dịch trên hóa đơn trước khi ký xác nhận thanh toán và giữ lại các hóa đơn này để đối chiếu khi cần thiết.
Kèm với đó, phải giám sát kỹ quá trình quẹt thẻ thanh toán, chi tiêu tại các đơn vị chấp nhận thẻ như nhà hàng, siêu thị, quán ăn... để tránh rủi ro bị đánh cắp/lộ thông tin thẻ tín dụng.
Khi nhập mã PIN, phải lấy tay che bàn phím và chú ý không lưu trữ thẻ và mã PIN cùng nơi. Đồng thời tuyệt đối bảo mật thông tin thẻ trong quá trình sử dụng hoặc khi nhập thông tin thanh toán trực tuyến.
Khách hàng không nên cho người khác mượn, sử dụng, sở hữu và quản lý thẻ. Không lưu trữ/chia sẻ bản sao mặt trước và mặt sau thẻ. Không chụp ảnh/lưu ảnh thẻ trên điện thoại và gửi qua mạng xã hội.
Khi thanh toán tại quầy, không để nhân viên thu ngân cầm thẻ của mình ra khỏi tầm mắt, luôn thực hiện thanh toán trước mặt và trong tầm kiểm soát.
Không cung cấp thông tin thẻ (số thẻ, ngày hiệu lực, mã số PIN, địa chỉ, họ tên chủ thẻ...), thông tin cá nhân hay mật khẩu dưới bất kỳ hình thức nào, cho bất cứ ai, kể cả nhân viên ngân hàng.
Sự thuận tiện, thanh toán nhanh chóng chính là các ưu điểm của nền thanh toán kỹ thuật số hiện đại, song người dùng cần hiểu rõ một số nguyên tắc cơ bản như trên để việc sử dụng các công cụ thanh toán diễn ra an toàn hơn.