Oliver Alexander (28 tuổi), doanh nhân Đan Mạch, hiện làm việc tại phía nam Bồ Đào Nha, trực tiếp theo dõi qua màn hình cuộc chiến tại Ukraine từ khoảng cách hơn 3.000 km. Mở Twitter trên máy tính và ứng dụng Telegram trên điện thoại, anh xem một loạt video quay cảnh xe tăng Nga lăn bánh trên cầu đường tại Ukraine, hoặc trực thăng vũ trang của Nga làm một sân bay Ukraine nổ tung. Dù hình ảnh về cuộc chiến tràn ngập trên Internet, Alexander cũng không chắc điều này giúp công chúng hiểu về tình hình.
Theo Washington Post, tính dồn dập và tức thời của mạng xã hội đang tạo ra lớp sương mù che phủ diễn biến thật sự. Tin tức thật giả lẫn lộn, vừa cung cấp thông tin, vừa gây nhiễu loạn.
Tin giả lan rộng
Sự kết hợp của điện thoại di động, mạng xã hội và liên kết dữ liệu tốc độ cao giúp cung cấp hình ảnh về tình hình tại Ukraine một cách nhanh chóng, trực quan cùng số lượng đồ sộ hơn bất kỳ xung đột quân sự lớn nào trước đây.
Các chuyên gia cho biết điều này cũng làm nảy sinh những cách thức lừa đảo mới. Song song với cuộc chiến là sự lan rộng của tin giả, gây khó khăn cho việc tìm hiểu sự thật.
Joan Donovan, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Shorenstein của Đại học Harvard về Truyền thông, Chính trị và Chính sách Công đã đăng trên Twitter: "Với tình hình hiện tại, nên bật TV để theo dõi tin tức hơn là truy cập mạng xã hội".
Bà cũng cho biết một số tài khoản đang chia sẻ video, hình ảnh cũ bị lấy ra khỏi bối cảnh và chỉnh sửa với những dòng mô tả sai lệch, sau đó được đăng tải, sử dụng hashtag như các đoạn băng thực. Việc lan truyền tin giả sẽ có tác dụng khi những người dân liên tục chia sẻ mặc dù họ không biết sự thật.
Đoạn video do hãng thông tấn AP ghi lại ở Libya từ hơn một thập kỷ trước đã trở lại Facebook và Twitter vào ngày 24/2. Tương tự, nhiều người dùng TikTok tưởng rằng họ đang xem video các binh sĩ nhảy dù xuống Ukraine sau khi một tài khoản người Nga đăng tải đoạn phim cũ, được quay từ vài năm trước. Video trên vẫn thu hút 22 triệu lượt xem chỉ trong gần một ngày.
Nhu cầu tin tức tăng
Cùng lúc, nhiều kẻ thực sự cố tình lừa người dùng mạng xã hội để thông tin sai lệch được chia sẻ rộng rãi, theo AP.
Theo Bret Schafer, làm việc cho Liên minh Bảo mật Dân chủ, mọi người đang tiêu thụ tin giả bởi họ tuyệt vọng tìm kiếm tin tức. "Nhu cầu về tin tức tăng vọt, nguồn đáng tin cậy lại không có nhiều, nên các tin giả đã lấp đầy khoảng trống về nhu cầu thông tin", ông nói thêm.
Khoảng trống càng trở nên lớn hơn vào ngày 24/2 khi tình trạng mất Internet diễn ra khắp một số vùng của Ukraine, khiến người dân càng khó liên lạc với người thân hoặc theo dõi tin tức.
John Silva, Giám đốc cấp cao của News Literacy Project, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm chống tin giả qua giáo dục, cho biết những người xem video, ảnh và bài đăng như trên không thực sự để tâm khi chia sẻ thông tin sai lệch.
"Khi xem một người lính nhảy dù nói tiếng Nga, họ không quan tâm hay tra hỏi nó là gì. Nếu cho rằng đó là thông tin mới, họ cảm thấy buộc phải chia sẻ với người khác", Silva nói.
Chiến sự giữa Nga và Ukraine đang là chủ đề nóng nhất hiện nay. Ngay sau khi Tổng thống Nga tuyên bố tấn công Ukraine vào ngày 24/2, nhiều vụ tấn công đã được báo cáo ở hàng loạt địa phương của Ukraine như Kharkiv, Kramatorsk, Odesa, Mariupol, thủ đô Kyiv.