Chi phí cao khiến ngân hàng gặp khó khăn khi chuyển sang thẻ Chip

14:08 | 09/10/2013

Tội phạm mạng tấn công khách hàng dùng thẻ từ quốc tế luôn ở mức báo động, tuy nhiên do chưa tìm được lời giải cho bài toán chi phí nên hiện vẫn còn lượng lớn các ngân hàng trong nước chưa chuyển sang phát hành thẻ Chip với tính bảo mật cao hơn.


Thẻ từ vẫn chiếm đa số
 

Theo thống kê từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), đến cuối quý II/2013, trong nước có 54,89 triệu thẻ thanh toán nội địa và 5,26 triệu thẻ thanh toán quốc tế.
Đặt trong bối cảnh phức tạp về tội phạm mạng, từ vài năm nay, các tổ chức thẻ quốc tế đều khuyến cáo các ngân hàng sớm thực hiện chuyển đổi sang thẻ Chip đáp ứng chuẩn EMV (do Europay, MasterCard và Visa đưa ra) để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, hiện nay dù một số ngân hàng trong nước như Vietcombank, Sacombank, Nam Á, Á Châu, Eximbank, VIB, VP Bank, Maritime Bank… đã chuyển đổi sang thẻ Chip nhưng vẫn còn lượng lớn chưa thực hiện. Nguyên nhân là do hiện còn đang phải tìm lời giải cho bài toán tiết kiệm chi phí khi đầu tư triển khai, quy trình chuyển đổi…., bởi việc đầu tư ban đầu của hệ thống EMV cao. Đây là thách thức lớn đối với các ngân hàng nhỏ nếu tự đầu tư trong khi số lượng thẻ phát hành chưa nhiều.
Hiện nay, với thẻ nội địa (thẻ chỉ giao dịch qua POS, Internet, ATM) cần xác thực bằng mã PIN, nên việc đánh cắp thông tin thẻ từ mà không có mật mã PIN thì không thể giao dịch. Do đó, việc chuyển đổi từ sang Chip đối với loại thẻ này chưa phải là cấp bách so với thẻ quốc tế.
Hơn nữa, xét ở góc độ kinh tế thì bài toán đầu tư cũng không hợp lý. Chi phí 1 thẻ từ thấp hơn thẻ Chip gần 1 USD. Với lượng thẻ từ nội địa tại Việt Nam hiện trên 50 triệu, nếu chuyển đổi hết sẽ mất không dưới 50 triệu USD (chưa kể chi phí giao nhận thẻ, kích hoạt thẻ…), cộng với thực tế thẻ nội địa vẫn chủ yếu dùng để rút tiền mặt, chỉ khoảng 0,3% để thanh toán thì đây là lý do không đủ hấp dẫn các ngân hàng chuyển đổi, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, với thẻ quốc tế được chấp nhận toàn cầu, khi giao dịch qua POS chỉ cần chữ ký, qua Internet cần số thẻ, ngày hết hạn và 3 chữ số mặt sau thẻ nên các tội phạm thường đánh cắp thông tin để giao dịch. Với loại thẻ này, việc chuyển đổi thẻ từ sang Chip là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh tội phạm mạng phức tạp, thẻ từ rất dễ bị đánh cắp thông tin.
Bởi vậy, nhiều nhà quản lý trong lĩnh vực ngân hàng khẳng định: việc thay đổi công nghệ từ thẻ từ sang thẻ Chip theo chuẩn EMV là giải pháp cấp bách nhằm nâng độ an toàn cho các giao dịch thẻ.
Outsourcing (thuê ngoài) có giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí?
Càng chậm chuyển đổi sang thẻ Chip, các ngân hàng và khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng đó càng phải chịu nhiều rủi ro. Vậy, đâu sẽ là giải pháp phù hợp cho các ngân hàng?
Theo các chuyên gia, hiện có 2 chọn lựa để phát hành thẻ Chip là tự đầu tư và thuê ngoài. Với các ngân hàng lớn, nhu cầu sản xuất thẻ cao thì việc tự trang bị sẽ hiệu quả vì chủ động thời gian giao thẻ cho khách hàng, việc bảo mật thông tin được quản lý trong phạm vi nhỏ hơn… Tuy nhiên, đối với các ngân hàng chưa có nhiều khách hàng làm thẻ thì việc thuê ngoài phù hợp hơn do chi phí thấp và tốc độ triển khai nhanh hơn.Với quy mô các ngân hàng ở Việt Nam, hiện nay thuê ngoài là chọn lựa tốt cho đa số. Việc thuê ngoài tuy không chủ động trong sản xuất và giao nhận thẻ như so với tự sản xuất, việc quản lý bảo mật thông tin cũng trong phạm vi rộng hơn nhưng giúp tiết kiệm chi phí và thời gian triển khai.
Dù vậy, ngay cả với các ngân hàng tự đầu tư, các chuyên gia cũng khuyến cáo: cần phải tính đến tình huống khi số lượng thẻ tăng cao, công suất cá thể hoá tại các ngân hàng nếu không được đầu tư phù hợp sẽ khó đáp ứng kịp, hệ thống không có khả năng mở rộng, gây cản trở cho việc kinh doanh dịch vụ thẻ.
Trong khi đó dịch vụ Outsourcing cho phép khách hàng không phải đầu tư hệ thống mặt bằng, thiết bị công nghệ cũng như nhân lực thực hiện, số tiền đầu tư ban đầu nhỏ, khả năng mở rộng cao, khách hàng chỉ phải gửi dữ liệu và sẽ nhận được sản phẩm hoàn thiện trong thời gian triển khai nhanh chóng, bảo mật theo chuẩn EMV. Ngân hàng lúc đó sẽ tập trung vào việc marketing thẻ tới tay người tiêu dùng cũng như việc quản trị rủi ro tốt hơn”.
Liên quan đến việc đi tìm lời giải bài toán tiết kiệm chi phí cho thẻ nội địa, có một phương án là ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đứng ra xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ Chip dùng riêng cho thẻ ATM nội địa mà không cần dùng chuẩn EMV. Lúc này chi phí thẻ Chip ATM sẽ giảm đi đáng kể. Đây là điều Myanmar đang xây dựng cho toàn bộ thẻ ATM sắp phát hành tại nước này nhằm nâng cao tính bảo mật.