Nội dung của bài báo mô tả định nghĩa và bản chất của Chiến tranh thông tin, đồng thời phân tích đối tượng và đặc điểm của Vũ khí thông tin theo quan điểm của các cường quốc quân sự trên thế giới.
Định nghĩa và bản chất của Chiến tranh thông tin
Một trong những công cụ quan trọng nhất, xác định ưu thế chiến lược trong thế giới hiện đại là kho tàng vũ khí, lực lượng và phương tiện tác động thông tin. Sự phát triển của văn minh thế giới đã tạo ra hàng loạt tiền đề để hình thành nên sức mạnh và vai trò thời đại của các lực lượng và phương tiện này.
Hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới đang ở trong quá trình chuyển tiếp từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế công nghiệp – thông tin. Trong nền kinh tế mới, tài nguyên quốc gia sẽ bao gồm cả thông tin, hạ tầng mạng, công nghệ thông tin (CNTT). Dự đoán thời kỳ chuyển tiếp này sẽ kết thúc vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Nhưng ngay từ bây giờ, mọi mặt trong đời sống của cá nhân, xã hội và quốc gia đã phụ thuộc rất nhiều vào thông tin. Ví dụ như, sự phá hoại các thiết bị thông tin của ngành tài chính ngân hàng Mỹ - nền kinh tế đứng đầu thế giới sẽ dẫn đến thiệt hại nặng nề chẳng khác gì một cuộc can thiệp quân sự.
Cuối những năm 80 của thế kỷ 20, các chuyên gia của Mỹ đã đi đến kết luận rằng sự phát triển như vũ bão của CNTT, sự bão hoà thông tin của các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn lớn và xã hội sẽ mở rộng khả năng giải quyết các vấn đề chính trị bằng cách định hướng thông tin lên các chủ thể. Kinh nghiệm đấu tranh giữa các quốc gia trong thời kỳ chiến tranh lạnh cho thấy, sự phát triển của điều khiển học, tâm lý học và tin học đã lôi kéo các quốc gia phát triển trên thế giới vào một cuộc đối đầu mới được gọi là Chiến tranh thông tin (CTTT). Các chiến dịch thông tin – tâm lý, được thực hiện bởi các cơ quan ngoại giao, ngoại thương, các cơ quan đặc vụ..., cho phép bảo vệ lợi ích quốc gia ở trong và ngoài nước một cách hiệu quả mà không cần phải huy động đến các phương tiện vật chất hoặc tham gia vào xung đột vũ trang.
Lịch sử tất cả các cuộc xung đột vũ trang cục bộ cuối thế kỷ 20, bắt đầu từ chiến dịch “Bão táp sa mạc” và kết thúc bằng chiến tranh ở Nam Tư, sự lập lại trật tự hiến pháp tại Chesinha, sự xâm chiếm Irac của quân đội NATO... đều liên quan đến các đơn vị được huấn luyện đặc biệt cho các chiến dịch Chiến tranh thông tin. Hoạt động của các đơn vị này được khởi đầu từ rất lâu trước khi diễn ra các chiến dịch quân sự. Các chiến dịch tâm lý và thông tin đã thành công đến mức có thể làm cho lực lượng vũ trang của đối phương bị tổn thương nặng, mà trong các cuộc chiến tranh trước đó, các tổn thương này chỉ có thể tạo ra bởi một loạt những trận đánh lớn.
Hình 1 : tác động giữa những ưu thế của xã hội thông tin và chiến tranh thông tin
Cơ quan quân sự Mỹ đã soạn thảo ra Chiến lược phát triển lực lượng lục quân Mỹ đến năm 2010 (Army Vision – 2010). Trong chiến lược này, mục đích chính của quân đội Mỹ là đạt được sự vượt trội về thông tin. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, giành thắng lợi hoặc vượt trội về thông tin cho phép thu thập, chọn lọc và truyền đạt dòng thông tin liên tục, đồng thời loại bỏ khả năng của đối phương trong các hoạt động tương tự. Theo quan điểm này, Mỹ đang tiến hành các chiến dịch để giành được sự thống trị về thông tin.
Thuật ngữ “Chiến tranh thông tin” xuất hiện khoảng giữa thập niên 70 của thế kỷ 20. Ở phương Tây, Tomas Ron được cho là cha đẻ của thuật ngữ này. Vào năm 1976 (thời điểm quyết liệt của chiến tranh lạnh) ông đã cho rằng thông tin là khâu yếu nhất của lực lượng vũ trang và quốc phòng.
Tiến sĩ Rastorguev S. P - Chuyên gia trong lĩnh vực Lý thuyết đấu tranh thông tin của Nga xác định khái niệm CTTT là “một loạt các tác động có mục đích được tiến hành bí mật và công khai lên hệ thống thông tin để đạt được thắng lợi nào đó về vật chất”. Theo quan điểm của ông, thời gian đối phương đang khắc phục các hậu quả thì chính là lúc phía kia đang giành ưu thế. CTTT không khác biệt so với chiến tranh thông thường nếu xét theo góc độ các dấu hiệu thất bại. Kẻ xâm lược chỉ giành được thắng lợi sau khi đã buộc các cơ quan điều khiển (lãnh đạo) của đối phương phải hoàn toàn khuất phục. Các cơ quan điều khiển đó chính là mục tiêu thông tin.
Từ đó, Rastorguev S.P. đưa ra các nhiệm vụ chính cần thực hiện: giảm quy mô của mục tiêu, tăng cường bảo vệ mục tiêu; thường xuyên loại bỏ “thông tin pha tạp”, thiết lập sự kiểm tra chặt chẽ các hệ thống điều khiển riêng biệt. Ông khẳng định, chiến lược áp dụng Vũ khí thông tin chỉ mang tính chất tấn công, đó là quan điểm rất quan trọng mà giới khoa học - xã hội vẫn chưa nhận thức được. Tính chất tấn công của vũ khí thông tin sẽ xác định hình thái của CTTT và cho phép xác định chủ thể gây CTTT. Như vậy, có thể coi khối lượng thông tin được truyền một cách có chủ đích từ nước này sang nước khác là thước đo mức độ xâm lược thông tin.
CTTT có thể bao gồm các tác động tổng hợp lên hệ thống quản lý nhà nước và hệ thống điều hành của quân đội phía đối phương, tức là tác động lên sự lãnh đạo cả về chính trị và quân sự. Hoạt động này cần phải tiến hành trước, để đối phương đưa ra các quyết định có lợi cho bên chủ mưu tác động thông tin. Còn trong thời điểm xung đột, phải làm tê liệt hoàn toàn chức năng các hạ tầng điều khiển của đối phương. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra định nghĩa Chiến tranh thông tin: “CTTT bao gồm những hành động áp dụng nhằm đạt được ưu thế thông tin trong đảm bảo chiến lược an ninh, quốc phòng, bằng cách tác động vào những hệ thống thông tin của đối phương, đồng thời bảo vệ vững chắc những hệ thống thông tin của bản thân”.
Ở một nghĩa rộng hơn Chiến tranh thông tin được hiểu là việc tiến hành các hoạt động chống lại hệ thống thông tin kỹ thuật và công nghệ thông tin hiện đại, các hệ thống xã hội nhờ các hệ thống thông tin hiện đại, những phương pháp tung tin đánh lạc hướng và tuyên truyền (các chiến dịch tâm lý).
Mục tiêu của CTTT là tấn công lên hệ thống tri thức và nhận thức của đối phương. Trong đó tri thức được hiểu là thông tin khách quan, chung cho tất cả, còn nhận thức là thông tin mang tính chất chủ thể, tính chất cá thể.
Sự khác nhau cơ bản giữa CTTT và chiến tranh truyền thống được thể hiện trong bảng 1.
Bảng 1 so sánh đặc trưng của CTTT và chiến tranh truyền thống
Áp dụng vũ khí thông tin dẫn đến độ bất định cao trong phát hiện dạng vũ khí, định dạng đối thủ, đánh giá thiệt hại và phản ứng của đối phương.
Các nguyên lý chung khi tiến hành CTTT:
- Các đối tượng chính cần tiêu diệt của đối phương là hệ thống điều khiển, liên lạc và bộ máy đưa ra quyết định;
- Cần phải trấn áp hoặc tiêu diệt tất cả các thiết bị trinh sát thông tin của đối phương trước khi bắt đầu các hành động quân sự;
- Đảm bảo việc cung cấp cho lãnh đạo lượng thông tin tình báo lớn nhất và sử dụng ít nhất các bước trung gian;
- Đánh giá đúng tầm quan trọng của việc vượt đối phương trong việc chuyển từ đấu tranh thông thường lên mức đấu tranh thông tin;
- Sử dụng tất cả các phương tiện có thể tác động lên hạ tầng thông tin trong mọi cuộc xung đột.
Một trong các yếu tố được xem xét trong khái niệm chuẩn bị và tiến hành chiến tranh thông tin là khái niệm Vũ khí thông tin (VKTT).
VKTT là các thiết bị đặc biệt, được áp dụng để tác động lên các đối tượng thông tin. Khi sử dụng VKTT, những kết quả đạt được không chỉ tiêu diệt trực tiếp sinh lực đối phương, mà còn tác động lên không gian thông tin của chúng.
Ở nghĩa mở rộng VKTT được hiểu là những biện pháp tác động thông tin có định hướng lên đối phương, điều khiển phản ứng nhằm mục đích thay đổi ý đồ tiến hành hoạt động chiến lược và chiến thuật theo hướng cần thiết. Ở nghĩa hẹp, VKTT là tập hợp các thiết bị kỹ thuật và công nghệ nhằm kiểm soát tài nguyên thông tin của đối thủ tiềm năng và can thiệp vào hệ thống viễn thông, hệ thống thông tin tự động hóa, hệ thống điều khiển và tình báo, nhằm loại chúng khỏi vòng chiến đấu, phá hoại quá trình hoạt động, thu thập và thay đổi nội dung dữ liệu, tìm ra các thông tin có lợi (hoặc tung tin đánh lạc hướng). Ngoài ra, các tác động của thông tin lên đối phương sẽ làm cho đối phương thiệt hại đáng kể về vật chất hoặc các thiệt hại khác, được coi như một dạng VKTT.
VKTT – đó là hệ thống thông tin, công nghệ thông tin và hạ tầng thông tin được tổ chức một cách đặc biệt với mục đích là đạt được sự ưu thế về thông tin trong đảm bảo an ninh, quốc phòng, ngoại giao và chiến lược kinh tế bằng cách tác động lên thông tin và hệ thống thông tin viễn thông của đối phương, cùng với việc giữ bền vững và bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin của chính mình.
Xét theo chức năng, VKTT được chia thành hai loại là phòng ngự và tấn công. Vũ khí phòng ngự giải quyết vấn đề chống lại CTTT bằng chiến lược phòng ngự, là hệ thống máy tính an toàn nhiều lớp và các hệ thống kỹ thuật khác chống lại VKTT của đối phương. VKTT tấn công dùng để tác động lên hệ thống đưa ra quyết định của đối phương bằng cách tấn công vào các thành phần yếu kém của hệ thống.
Hệ thống tổ chức – kỹ thuật, thực hiện chu trình đưa ra quyết định, bao gồm các cơ sở và cơ quan điều khiển, hệ thống điều khiển tự động hóa, hệ thống thông tin, các hệ thống đặc biệt thu thập và xử lý thông tin tình báo... Hệ thống không tập trung này có thể bị giảm hiệu quả khi thay đổi cấu trúc, hoặc tác động lên tài nguyên của chúng.
Các dạng khác nhau của VKTT:
- Các thiết bị xác định chính xác vị trí của thiết bị, phát xạ trong phổ điện từ và hủy diệt bằng hỏa lực lên các phần tử riêng lẻ của hệ điều khiển thông tin, nhận dạng, dẫn đường và hỏa lực.
- Các phương tiện tác động lên thành phần của hệ thống vô tuyến điện tử và nguồn điện để tạm thời hoặc loại bỏ hoàn toàn các phần tử riêng rẽ của hệ thống vô tuyến điện tử;
- Các phương tiện tác động lên tài nguyên phần mềm của các môđun điều khiển điện tử, loại bỏ hoàn toàn chúng hoặc thay đổi giải thuật chức năng nhờ dùng các chương trình đặc biệt;
- Các phương tiện tác động lên hoạt động truyền tin, nhằm chấm dứt hoặc phá hoại cấu trúc, chức năng của hệ thống trao đổi thông tin dựa trên tác động lên môi trường phân bố tín hiệu và các chức năng;
- Phương tiện tuyên truyền và xuyên tạc để thay đổi thông tin của hệ thống điều khiển tạo ra bức tranh ảo khác xa thực tiễn, thay đổi hệ thống giá trị của con người, gây thiệt hại đời sống tinh thần - đạo đức của nhân dân bên phía đối phương;
- Vũ khí tâm lý, dùng để tác động lên tâm lý và ý thức của con người nhằm mục đích làm giảm ý chí và gây áp lực lên ý chí, tạm thời làm mất năng lực tham gia chiến đấu của lực lượng đối phương.
VKTT còn có thể phân loại theo các dấu hiệu khác như mục đích sử dụng (một mục đích, lưỡng dụng); theo phạm vi hoạt động; theo vật mang thông tin; theo hiệu quả tấn công