Chính sách An toàn Thông tin trong Công nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam

15:02 | 05/04/2008

Công nghiệp CNTT là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng khá cao và mang tính bền vững của Việt Nam. Tổng doanh thu toàn ngành năm 2007 đạt khoảng 3,7 tỉ USD, trong đó: Công nghiệp điện tử và thiết bị viễn thông đạt 2.460 triệu USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 17%, Công nghiệp phần cứng máy tính đạt 620 triệu USD, tốc độ tăng trưởng 24%, Công nghiệp phần mềm đạt trên 498 triệu USD (gồm 180 triệu USD xuất khẩu), tốc độ tăng trưởng vào khoảng 43%, Công nghiệp nội dung số đạt trên 180 triệu USD và có tốc


Tổng quan công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam
Mặc dù hiện nay Công nghiệp điện tử và phần cứng máy tính đang chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên công nghiệp phần mềm và nội dung số lại được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, đem lại lợi nhuận cao, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế và xã hội.
Thị trường CNTT tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 20%/năm. Bên cạnh nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, có rất nhiều các quỹ đầu tư và các nguồn vốn đầu tư vào thị trường như Dragon Capital, IFC, MEF, IDGVV…Thời gian qua, đã có những dự án đầu tư của các tập đoàn CNTT tiêu biểu của Mỹ (Intel, IBM, Motorola), Nhật (Canon, Fujjisu…), Hàn Quốc (LG, Samsung…), Đài Loan (Foxconn)…được triển khai tại Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán non trẻ với những hình thức giao dịch trực tuyến cũng là yếu tố mới trong thị trường CNTT.
Công nghiệp phần cứng
Công nghiệp phần cứng là ngành đòi hỏi công nghệ cao và vốn đầu tư ban đầu lớn. Công nghiệp phần cứng ở nước ta đã hình thành như một ngành sản xuất đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu nội địa, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm. Tuy nhiên,  chúng ta mới dừng ở công nghệ lắp ráp và phần lớn sản xuất chưa theo quy trình công nghiệp.
Hoạt động chính của công nghiệp điện tử Việt Nam là lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng . Số này chiếm đến 80% sản phẩm, còn các sản phẩm điện tử chuyên dùng chỉ chừng 20% (điện tử trong ngành CNTT, viễn thông, điều khiển đo lường, tự động hóa...). Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò chủ chốt trong cả thị trường trong nước và xuất khẩu (chiếm trên 90%). Ngành công nghiệp này phát triển tập trung tại hai trung tâm kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội & TP.HCM với tốc độ tăng trưởng trung bình trong vòng 5 năm trở lại đây đạt từ 20-30%/năm, đạt doanh thu năm 2007 vào khoảng trên 3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 2 tỷ USD.
Công nghiệp phần mềm
Với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Chính phủ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ngành công nghiệp phần mềm (CNPM) Việt Nam những năm qua đã có nhiều khởi sắc, năm 2007 đạt doanh số trên 498 triệu USD (tăng 45% so với năm trước), trong đó 318 triệu USD từ thị trường nội địa và 180 triệu USD từ thị trường gia công, xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm gần đây đạt trên 40%/năm.Toàn ngành phần mềm hiện có hơn 750 doanh nghiệp với gần 35.000 chuyên gia phần mềm, lập trình viên chuyên nghiệp.
Hiện nay toàn ngành có có 2 doanh nghiệp đạt chứng chỉ CMMI-5 và một số doanh  nghiệp  đạt chứng chỉ CMM-4, CMM-3 và chứng chỉ ISO-9001. Một số công ty điển hình thành công  có thể so sánh với các doạnh ghiệp của  Ấn Độ, Trung Quốc, điều này khẳng định khả năng phát triển CNPM cuả Việt Nam là hoàn toàn khả thi. Hiện chúng ta có 150 doanh nghiệp tham gia làm gia công phần mềm với số nhân lực trung bình khoảng 100-150 người. Tiêu biểu có một vài công ty đạt số nhân lực trên 1000 người như FPT, TMA, PSV…
Ngành CNPM của ta phát triển tương đối đa dạng nhưng chưa mang tính chiến lược. Các giải pháp phần mềm tập trung ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhỏ và vừa, phần mềm tra cứu phục vụ giáo dục và giải trí. Các doanh nghiệp phần mềm chưa rút ngắn được khoảng cách giữa sản phẩm trí tuệ và sản phẩm thương mại, chưa hợp sức với nhau để chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Công nghiệp nội dung số
Trên thế giới, ngành công nghiệp nội dung số (CNNDS) đã bùng nổ và phát triển mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, CNNDS hiện vẫn còn là một ngành khá mới mẻ ở Việt Nam. Thị trường nội dung số đang được dự báo sẽ phát triển rất nhanh và sức cạnh tranh cũng hết sức mạnh mẽ. Bốn lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao cho ngành CNNDS là: nội dung cho Internet, game online, thương mại điện tử và nội dung cho thị trường di động. Trong đó, khai thác dịch vụ nội dung cho điện thoại di động là nguồn lãi lớn nhất. CNNDS hứa hẹn sẽ là mảng diễn ra cạnh tranh lớn từ nhiều phía.
Hiện có hơn 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực CNNDS với khoảng 300 doanh nghiệp là nhà cung cấp. Tổng doanh thu năm 2007 đạt khoảng 180 triệu USD. Phần lớn các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đều mới thành lập hoặc mới tham gia thị trường này, với nguồn vốn trong nước chiếm trên 65%. Dự báo trong thời gian tới, cùng với sự phát triển chất lượng và dịch vụ Internet, các loại hình dịch vụ trong ngành CNNDS sẽ phát triển mạnh mẽ.
Hạ tầng viễn thông và Internet
Hạ tầng Viễn thông – Internet Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong thời gian qua. Hiện nay độc quyền viễn thông đã được xóa bỏ, cả nước đã có 8 nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông, 6 IXP, 18 ISP và 23 OSP. Số lượng thuê bao và người sử dụng điện thoại, Internet tăng trưởng rất nhanh: Thuê bao điện thoại tăng trưởng trung bình 40-45%/năm, hiện đạt 33.2 triệu thuê bao, chiếm tỷ lệ 39,4 máy/100 dân; Số người dùng Internet tăng trung bình 40%/năm, hiện đạt 15,8 triệu người dùng, chiếm tỷ lệ 19 người dùng Internet/100 dân.
Kết nối Internet quốc tế cũng tăng nhanh cả về số hướng và băng thông: hiện cả nước có 3 cổng kết nối quốc tế, kết nối với 10 quốc gia. Băng thông kết nối quốc tế liên tục mở rộng, từ 1 Gbps năm 2003 lên trên 8,7 Gbps năm 2007. Hạ tầng băng thông rộng đã triển khai và đang phát triển mạnh, hiện dịch vụ ADSL đã có ở khắp 64 tỉnh thành. Việc quản lý chất lượng dịch vụ Internet ngày càng được chú trọng và nâng cao.
Giá cước viễn thông giảm mạnh trong những năm qua, đặc biệt là cước điện thoại. Cước dịch vụ Dial-up và ADSL đã bằng hoặc thấp hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Hạ tầng Viễn thông – Internet Việt Nam vẫn bị đánh giá còn một số hạn chế như chất lượng đường truyền không ổn định, tốc độ chậm và giá cước thuê kênh riêng Leased line vẫn còn cao. Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đang chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông nhanh chóng nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện chất lượng kết nối và giảm cước thuê kênh xuống bằng hay thấp hơn mức bình quân các nước trong khu vực.
Hiện trạng về an toàn thông tin...
Để bảo đảm cho sự phát triển bền vững và hiệu quả của ngành công nghiệp CNTT, việc bảo đảm an toàn thông tin cần được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực của ngành Công nghiệp CNTT đã nêu trên.
Hiện nay, trong CNPM và CNNDS, một  vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian vừa qua là Sở hữu trí tuệ. Môi trường pháp lý và thực thi pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả ở nước ta mặc dù đã được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn còn khá nhiều điểm bất cập cho nên đây vẫn là mối lo ngại và nguy cơ rủi ro cao đối với các DNPM. Nguy cơ tranh chấp sản phẩm có chiều hướng gia tăng trong những năm tới, cũng như sự cạnh tranh của các phần mềm và giải pháp từ nước ngoài là thách thức lớn đối với DNPM trong nước hiện nay. Vấn đề này đã được nhà nước quan tâm và bước đầu có những chế tài xử lý vi phạm. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề nóng cần sự nỗ lực hơn nữa của cả các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dùng.
Vấn đề an ninh mạng cũng đang là một thách thức lớn được đề cập tới trong nhiều diễn đàn về phát triển công nghệ thông tin thời gian qua. Kết quả thống kê của nhiều tổ chức về ATTT cho thấy tình trạng tấn công các hệ thống thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp công nghiệp CNTT, đặc biệt các hệ thống thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều.
Những tấn công này xuất phát từ các loại tội phạm máy tính mang tính chuyên nghiệp ngày càng cao. Nạn lừa đảo, trộm thẻ tín dụng, thẻ ATM, trộm cắp tài khoản điện thoại di động, tấn công các công ty cạnh tranh cũng bắt đầu xuất hiện (mạng Mobifone bị tấn công) cùng với sự bùng nổ virus, sâu máy tính, trong đó nhiều loại có nguồn gốc từ Việt Nam. Việc bảo vệ thông tin cá nhân giao dịch trên mạng của chúng ta cũng chưa được chú trọng đúng mức cả về quy định pháp luật cũng như nhận thức của người dân.
Theo dự báo, số lượng và hình thức sự cố an ninh mạng tại Việt Nam trong thời gian tới cũng gia tăng theo xu hướng tương tự như các nước phát triển về CNTT phải trải qua.
...và các vấn đề cần giải quyết
Về môi trường pháp lý, thời gian vừa qua nhà nước đã ban hành một loạt các văn bản pháp luật có liên quan tới an toàn, an ninh thông tin như: Luật giao dịch điện tử, Luật sở hữu trí tuệ, Luật CNTT, Nghị định 64/2007/NĐ-CP ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN. Nghị định 26/2007/NĐ-CP về chữ ký số và chứng thực chữ ký số, nghị định 73/2007/NĐ-CP về quản lý mật mã dân sự…, Bộ TTTT đã ban hành một số quy định liên quan đến an ninh mạng và đang dự thảo để trình Chính phủ tiếp tục ban hành các quy định về chống thư rác, hoàn thiện quy định về quản lý Internet.... Bộ Luật hình sự của Việt Nam có những nội dung  liên quan đến ATTT đang được xem xét và sửa đổi bổ sung. Mặc dù vậy, về cơ bản môi trường pháp lý về ATTT của chúng ta vẫn chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, cần được cập nhật, thay đổi bổ sung cho phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của CNTT-TT.
Về quản lý nhà nước, chúng ta chưa thực sự có sự phối hợp chặt chẽ ở cấp quốc gia giữa các cơ quan, bộ, ngành, tổ chức liên quan hoạt động trong lĩnh vực ATTT. Hệ thống Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật  Việt Nam, các khuyến nghị, quy trình, giải pháp kỹ thuật về ATTT còn thiếu, chưa đáp ứng kịp sự phát triển của các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực này.
Nguồn nhân lực cũng là một thách thức lớn  mà ngành ATTT đang phải đối mặt. Cán bộ, chuyên viên về ATTT của chúng ta thiếu về số lượng và chưa có nhiều  kinh nghiệm thực tế. Khó khăn nhất của các tổ chức, doanh nghiệp CNTT hiện nay là rất thiếu đội ngũ chuyên gia có thể chủ động đối phó với những vấn đề về ATTT phát sinh. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng và công nghệ đảm bảo cho an ninh, ATTT còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu.
Mặt trái của quá trình phát triển mạnh mẽ CNTT chính là sự xuất hiện các hình thức tấn công, phá hủy hệ thống thông tin ngày càng đa dạng, tinh vi và chuyên nghiệp. Trong khi đó, đầu tư cho lĩnh vực ATTT chưa  được thực sự chú trọng. Bởi vậy việc xuất hiện các rủi ro, không bảo đảm ATTT trong tất cả các lĩnh vực thời gian tới là khó có thể tránh khỏi. Quy luật này đã từng xảy ra ở các nước đi đầu trong phát triển CNTT . Đó có thể sẽ là những lực cản lớn cho việc ứng dụng CNTT.
Một số kiến nghị về phát triển ATTT
- Hoàn chỉnh và cải thiện môi trường pháp lý và quản lý nhà nước về ATTT. Trước tiên, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về bảo vệ thông tin, trong đó có các văn bản quy định pháp luật về ATTT. Các cơ quan có trách nhiệm chính trong vấn đề này là Bộ TTTT, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ…với sự hợp tác của các tổ chức, hiệp hội trong lĩnh vực ATTT.
- Ở cấp vĩ mô, Nhà nước phải xây dựng chiến lược quốc gia về ATTT, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như Bộ Công an, Bộ TTTT, Ban Cơ yếu Chính phủ… nhằm xây dựng môi trường CNTT-TT an toàn, các chính sách đảm bảo ATTT cho hệ thống chính trị và xã hội. Các cơ quan nói trên đóng vai trò chủ đạo trong điều phối và quản lý hiệu quả hạ tầng thông tin, đảm bảo ATTT. Nhà nước cần xác định những chính sách ưu tiên nhất định, tăng cường đầu tư nhằm thúc đẩy và phát triển CNTT, khuyến khích, tạo điều kiện hoạt cho các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo mật, an ninh, an toàn thông tin.
- Để tăng cường quản lý chất lượng các sản phẩm, dịch vụ ATTT và khuyến khích sử dụng sản phẩm ATTT, cần có những  tổ chức đánh giá, cấp chứng nhận, chứng chỉ cho các tổ chức, chuyên gia, sản phẩm liên quan tới ATTT. Nghiên cứu, đánh giá tính khả thi các chuẩn quốc tế về ATTT và bắt buộc áp dụng  hoặc khuyến nghị áp dụng trong các hệ thống thông tin, đặc biệt là các hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử.
- Nâng cao nhận thức về ATTT  không chỉ cần cho những người hoạt động trong lĩnh vực CNTT mà phải cho cả cộng đồng, thông qua các hội thảo, các khóa đào tạo, chiến dịch tuyên truyền, các ấn phẩm truyền thông… Tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các hội nghị quốc tế về  ATTT, hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực này.
- Các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cần  thiết kế giải pháp đồng bộ đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thông tin của mình. Khai thác triệt để các chức năng bảo mật đã có trong hệ thống. Cần thường xuyên đào tạo, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên và có quy chế quy định cụ thể về đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu trong cơ quan. Các quy chế này phải bắt buộc tuân thủ. Các cơ quan, doanh nghiệp có nhiều ứng dụng CNTT cần có ít nhất một biên chế về ATTT chứ không nên quá phụ thuộc vào các công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ. Còn Đối với người dùng cuối cần có ý thức bảo vệ an toàn dữ liệu, an ninh mạng, đào tạo và tự đào tạo nâng cao kiến thức về bảo mật thông tin.
- Để hỗ trợ nguồn nhân lực cho ATTT cần xây dựng chương trình đào tạo tầm cỡ quốc gia về ATTT và có những biện pháp ưu tiên đào tạo cho một số đơn vị đang triển khai những ứng dụng quan trọng về CNTT.
Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là bước đi hết sức cần thiết  và luôn song hành với sự phát triển công nghiệp CNTT. Bởi vậy, việc xây dựng  một chính sách an toàn thông tin mang tính toàn diện và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của công nghiệp CNTT cần được sự quan tâm của nhà nước và toàn xã hội .