Chú trọng đầu tư nguồn nhân lực là hướng đi đúng trong đảm bảo an toàn thông tin

15:51 | 03/04/2017

Ngày 23/3/2017, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội thảo Hợp tác quốc tế về nâng cao nhận thức và trách nhiệm về ATTT. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã đến tham dự và phát biểu khai mạc.


Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo

Tham dự về phía Việt Nam có đại diện các Cục, Vụ liên quan của Bộ TT&TT, các Bộ, ngành và doanh nghiệp. Về phía Nhật Bản có các chuyên gia về ATTT đến từ Cơ quan chiến lược và sẵn sàng ứng phó sự cố ATTT quốc gia Nhật Bản (NISC).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định, ATTT hiện đang là vấn đề rất nóng trong bối cảnh Viễn thông và CNTT đang phát triển mạnh mẽ kết hợp với xu thế gia tăng sử dụng các thiết bị IoT (Mạng lưới thiết bị kết nối Internet - Internet of Thing). Trong thời gian tới khi Việt Nam đẩy mạnh xây dựng các thành phố thông minh thì nguy cơ mất ATTT sẽ ngày càng cao, 

Thực tiễn đảm bảo ATTT thời gian qua cho thấy, bốn yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng lớn đến công tác ATTT là: nhận thức, nguồn nhân lực, quy trình và trang thiết bị. Ba yếu tố đầu tiên (nhận thức, nhân lực, quy trình) đều gắn chặt với yếu tố con người. Bởi vậy, không nên quá đặt nặng vai trò của trang thiết bị trong công tác đảm bảo ATTT. Với tốc độ phát triển rất nhanh của khoa học công nghệ hiện nay, không trang thiết bị nào, cho dù hiện đại đến đâu, có thể đảm bảo ATTT. “Trong điều kiện của Việt Nam, đầu tư vào con người là đầu tư đúng hướng và rẻ nhất trong đảm bảo ATTT”.

Liên quan đến các sự cố mất ATTT thời gian gần đây, Thứ trưởng nhận định, vấn đề mất ATTT đã xảy ra với những lỗi rất sơ đẳng, phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người cũng như nhận thức về ATTT.

Do đó, Thứ trưởng đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo hôm nay với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là sự tham gia của các chuyên gia đến từ NISC Nhật Bản – một quốc gia nổi tiếng về tính kỷ luật, tính chuyên nghiệp cũng như ý thức cộng đồng. Đây là cơ hội để học hỏi từ các chuyên  gia Nhật Bản về thực tiễn đảm bảo ATTT, các biện pháp tăng cường nhận thức trên toàn xã hội về ATTT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng các quy trình chuẩn để ứng phó với các vấn đề ATTT.
Chia sẻ về kinh nghiệm nâng cao nhận thức về ATTT cho cộng đồng và xã hội tại Nhật Bản, ông Ryo Fuzuki, chuyên gia cao cấp về ATTT đến từ NISC Nhật Bản cho biết, trong công tác đảm bảo ATTT, chỉ đảm bảo an toàn cho hệ thống phần cứng, phần mềm là chưa đủ. Chính ý thức về ATTT của những con người sử dụng trang thiết bị mới đóng vai trò quan trọng.

NISC chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức ATTT cho giới trẻ. Để đưa thông tin tiếp cận đến những người trẻ một cách hiệu quả, NISC đã phối hợp với các nhà sản xuất phim hoạt hinh, truyện tranh để lồng ghép vấn đề giáo dục về ATTT vào các đoạn video hoạt hình được chiếu tại các nhà ga tàu điện ngầm, nơi có rất nhiều người qua lại. Tuy nhiên, ông Ryo Fuzuki cũng lưu ý, nội dung các phim và truyện này cần phải hấp dẫn, hình ảnh sinh động để khuyến khích người đọc, người xem theo dõi đến cuối cùng, đồng thời cần tôn trọng bản quyền của một số nhân vật hoạt hình, tôn trọng nội dung phim, truyện của nhà sản xuất nhưng vẫn đáp ứng được mục tiêu về nâng cao nhận thức về ATTT đã đề ra. 

Đặc biệt, NISC đã thành công trong việc phát hành Sổ tay về ATTT đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, trong đó có cả học sinh tiểu học, học sinh phổ thông cơ sở và trung học trên toàn quốc. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tình nguyện tổ chức các chiến dịch truyền bá thông tin về an toàn trên mạng đến các trường học.

Chia sẻ kinh nghiệm về tăng cường đảm bảo ATTT trong cơ quan nhà nước, ông Hiroaki Hirakawa, Phó Cố vấn phụ trách về các biện pháp bảo đảm ATTT cho các cơ quan chính phủ của NISC cho biết, với vai trò là cơ quan chỉ đạo các chính sách an toàn thông tin của Nhật Bản đối với các cơ quan hành pháp, một trong các nhiệm vụ quan trọng của NISC là xây dựng các tiêu chí chung về đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng của các cơ quan Chính phủ. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành tự ban hành các chính sách về ATTT và đưa ra kế hoạch thực hiện, đồng thời tự đánh giá việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch này. Bộ tiêu chí chung cũng đưa ra trình độ mức sàn về bảo đảm ATTT mà các Bộ, ngành phải đạt được. Các tiêu chí chung về bảo đảm ATTT sẽ được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn khoảng 1-2 năm một lần.

Trong công tác đảm bảo ATTT, chi phí, kỹ thuật, nhân lực đều có giới hạn nên việc đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng để nâng cao tính hiệu quả của công tác ATTT cũng như sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách được cấp, ông Hiroaki Hirakawa nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các bài tham luận quan trọng về tình hình ATTT và công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm ATTT trong năm 2016 tại Việt Nam; Thực tiễn công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, nâng cao nhận thức về ATTT cho học sinh, sinh viên.