Chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết của báo chí hiện đại

15:09 | 20/06/2023

Hòa chung không khí cả nước hướng về kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chiều 19/6, Tạp chí An toàn thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết của báo chí hiện đại” nhân dịp kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và kỷ niệm 10 năm Tạp chí An toàn thông tin điện tử ra mắt bạn đọc. 

Tham dự buổi Tọa đàm có đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ; Các đồng chí nguyên Lãnh đạo Ban; Đại diện lãnh đạo các cơ quan đơn vị thuộc Ban và Hệ Cơ yếu; Lãnh đạo một số đơn vị báo chí, truyền thông cùng lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số báo chí.

Trong công cuộc xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước, cùng với báo chí cả nước, những năm qua, Tạp chí An toàn thông tin luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Ban, phát huy sứ mệnh của một đơn vị báo chí hiện đại và duy nhất chuyên sâu trong cả nước về lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin và Cơ yếu, góp phần đóng góp vào thành tựu chung của ngành Cơ yếu Việt Nam và đất nước. 

Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại buổi Tọa đàm đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ đánh giá: Tạp chí An toàn thông tin đã thể hiện tốt vai trò là cơ quan báo chí hiện đại và duy nhất chuyên sâu trong cả nước về lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin và Cơ yếu. Đồng chí Phó Trưởng ban tin tưởng rằng Tạp chí sẽ tiếp tục triển khai tốt nhiệm vụ tham mưu, tổ chức triển khai truyền thông cho ngành Cơ yếu Việt Nam và toàn xã hội.

Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới, Tạp chí cần tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, không chỉ ở khâu sản xuất, số hóa nội dung mà phải thực hiện trong toàn bộ tòa soạn. Xây dựng tòa soạn hội tụ, thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến như AI... để phát triển Tạp chí theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và đa phương tiện. Đồng thời, cần tăng cường tính chuyên nghiệp các mặt hoạt động; xây dựng đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên vững vàng về phẩm chất chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi công nghệ làm báo hiện đại, có đạo đức trong sáng, nhạy bén và sáng tạo. 

Đồng chí Nguyễn Như Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin phát biểu tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Như Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí An toàn thông tin chia sẻ: Trải qua 10 năm hình thành và phát triển cùng nhiều dấu mốc son đáng chú ý, với tinh thần không ngừng vươn lên, nỗ lực đáp ứng mọi yêu cầu của bạn đọc và bắt kịp xu hướng chuyển đổi số báo chí, Tạp chí An toàn thông tin điện tử từng bước khẳng định được vai trò và uy tín của mình. Hiện nay, Tạp chí An toàn thông tin điện tử được vận hành chuyên nghiệp, hiện đại, đa nền tảng, cung cấp cho bạn đọc khả năng truy cập mọi lúc mọi nơi trên mọi thiết bị. Đến nay, Tạp chí an toàn thông tin điện tử duy trì xuất bản hơn 1.000 tin bài mỗi năm, thu hút hơn 4 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Bằng sự nỗ lực của toàn thể cán bộ và sự chung sức của các nhà khoa học, tính đến tháng 6/2023, Tạp chí điện tử đã xuất bản gần 10.000 tin, bài. Các tin tức về bảo mật, an toàn thông tin, công nghệ thông tin được cập nhật thường xuyên, đảm bảo chất lượng và tính thời sự; các bài khoa học đến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế về xu hướng, giải pháp, chính sách công nghệ đều được đánh giá cao về hàm lượng khoa học. 

"Nhằm phát triển Tạp chí thành cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện, bên cạnh việc tập trung phát triển truyền thông dạng bản tin video, Tọa đàm trực tuyến trên Tạp chí ATTT điện tử, Tạp chí đang tranh thủ sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp, huy động sự giúp đỡ và cộng tác của các nhà khoa học, các cơ quan đơn vị trong và ngoài ngành cơ yếu, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cấp, phát triển các ấn phẩm khác như: nâng cao chất lượng, mở rộng phát hành Ấn phẩm an toàn thông tin bản in và Ấn phẩm Tạp chí Cơ yếu Việt Nam (đặc biệt là đảm bảo phát hành trong toàn quân theo Thông tư 138 năm 2020 của bộ trưởng Bộ QP); nâng cao uy tín khoa học và hội nhập quốc tế Ấn phẩm Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực an toàn thông tin; Nâng cấp, mở rộng khả năng truy cập Trang thông tin nội bộ Ban Cơ yếu Chính phủ ra toàn Ngành, tiến tới xây dựng Tạp chí Cơ yếu Việt Nam điện tử", đồng chí Nguyễn Như Tuấn cho biết.

Tại Tọa đàm “Chuyển đổi số là yếu tố tiên quyết của báo chí hiện đại”, các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ thông tin, các nhà báo đã cùng bàn luận về vai trò, thành tựu mà chuyển đổi số mang lại cho ngành báo chí và những thách thức mà báo chí phải đối mặt, cùng các giải pháp tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng thông tin và tương tác với bạn đọc của báo chí hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Viết Phan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng phát biểu tại Tọa đàm

Trong tham luận “Một số vấn đề về chuyển đổi số báo chí trong Ban Cơ yếu Chính phủ” đồng chí Nguyễn Viết Phan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) đã đưa ra một số vấn đề trọng tâm trong chuyển đổi số báo chí.

Theo đồng chí, để chuyển đổi số thành công thì vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí rất quan trọng. Trọng tâm trong chuyển đổi số báo chí hiện nay tóm gọn lại trong một số vấn đề chính: chuyển đổi nhận thức làm báo phù hợp với thời đại 4.0; áp dụng các nền tảng công nghệ số trong quá trình làm báo; áp dụng công nghệ số, nền tảng số, môi trường để tiếp cận đông đảo các độc giả, nắm bắt nhu cầu độc giả để thu hút ngày càng nhiều hơn những độc giả trung thành và đặc biệt là cần phải có sự hỗ trợ cần thiết trong việc phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Thời gian qua, trong công tác triển khai cải cách hành chính và chuyển số báo chí và chuyển đổi số, dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Ban cơ yếu Chính phủ, Ban cơ yếu Chính phủ cũng rất quan tâm đầu tư và định hướng phát triển, chuyển đổi số báo chí trong Ban.

Đồng chí Nguyễn Đình Xuân, Trưởng phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân phát biểu tham luận tại Tọa đàm

Trong tham luận “Mục tiêu, kết quả và định hướng chuyển đổi số của Báo Quân đội nhân dân” đồng chí Nguyễn Đình Xuân, Trưởng phòng biên tập Sự kiện và Nhân chứng, Báo Quân đội nhân dân đã chỉ ra thực trạng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của Báo Quân đội Nhân dân (QĐND). Theo đó trong giai đoạn 2014-2018, Báo QĐND được cấp trên quan tâm đầu tư về công nghệ thông tin tương đối khá so với yêu cầu làm báo hiện đại. Phòng máy chủ của Báo QĐND được xây dựng năm 2015, còn hệ thống mạng nội bộ được tập trung xây dựng từ năm 2010 đến năm 2015, hiện đang hoạt động tốt. Các trang bị như tường lửa, thiết bị cân bằng tải là những thiết bị được gia hạn, mua bản quyền sử dụng hằng năm, đang phát huy được hiệu quả, bảo vệ tốt các hệ thống thông tin của Báo QĐND, chống lại các cuộc dò quét, tấn công của tin tặc trên không gian mạng. Hệ thống phân tán nội dung đang làm tốt việc phân phối nội dung tới bạn đọc, giúp cho bạn đọc tiếp cận Báo QĐND điện tử nhanh chóng hơn; đồng thời đã chống lại được một số cuộc tấn công DDoS trong thời gian vừa qua.

Báo QĐND hiện nay có một số phần mềm quan trọng và vận hành thường xuyên là phần mềm Tòa soạn điện tử thực hiện quy trình xuất bản báo in; phần mềm xuất bản Báo QĐND điện tử tiếng Việt; phần mềm xuất bản Báo QĐND điện tử các tiếng nước ngoài. Các kênh nội dung số của Báo QĐND trên các mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Tiktok đều có lượng bạn đọc theo dõi và lượt xem khá cao. Tuy nhiên, hiện nay Báo QĐND chưa ứng dụng các công nghệ mới (Trí tuệ nhân tạo - AI, Cơ sở dữ liệu lớn - Big Data, Điện toán đám mây, Internet vạn vật - IoT, Phân tích thống kê báo cáo…) trong các phần mềm của Báo QĐND để phục vụ khai thác, xuất bản.

Đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng phát biểu tham luận tại Tọa đàm

Đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng với tham luận “Những thách thức trong chuyển đổi số cơ quan báo chí” nêu rõ: chuyển đổi số nói chung cũng như vấn đề chuyển đổi số trong báo chí nói riêng hiện nay đã được toàn xã hội quan tâm và trở thành cụm từ rất quen thuộc không chỉ với báo chí mà với tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống. Riêng với báo chí, vấn đề chuyển đổi số thì hiện nay đang được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã tham mưu chính phủ, qua đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ, theo đó đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số, 50% các cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích dữ liệu tổng hợp, tập trung ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động, 80% cơ quan báo chí vận hành tòa soạn hội tụ phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới và sản xuất nội dung theo xu hướng báo chí số. Đây là một mục tiêu phấn đấu rất cao, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều yêu cầu đòi hỏi thách thức đối với báo chí. 

Theo ông Ngô Minh Tuấn, có ba thách thức trong công cuộc chuyển đổi số báo chí. Thứ nhất, cần có một hệ thống hạ tầng đồng bộ. Do đó, các tòa soạn cần phải phát triển hạ tầng đồng bộ các nền tảng số như xây dựng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ với công nghệ hiện đại đưa toàn bộ hoạt động báo chí lên môi trường số. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng nền tảng phân tích thông tin dữ liệu trên mạng xã hội giúp cơ quan báo chí nắm được kịp thời thông tin dư luận xã hội, biết được các yêu cầu biết được các nội dung lớn về mọi mặt. Thách thức thứ hai là cần xây dựng được một hệ thống an toàn thông tin đủ mạnh để phòng chống tấn công, các toà soạn số cần đảm bảo an toàn mức độ 3 trở lên là thách thức không nhỏ đối với nhiều cơ quan báo chí mà lâu nay chỉ quan tâm đến việc sản xuất nội dung. Cuối cùng là cần có một đội ngũ nhân lực có kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường số, đòi hỏi mỗi cơ quan phải quan tâm đầu tư nguồn lực đáng kể cho hoạt động đào tạo đối với cả lãnh đạo và đội ngũ phóng viên, biên tập viên.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Tọa đàm

Buổi Tọa đàm đã đặt nền móng cho sự kết nối, chia sẻ và sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với nhau, giữa cơ quan báo chí với các đơn vị, tổ chức công nghệ thông tin, an toàn, bảo mật thông tin ở trong và ngoài ngành Cơ yếu để cùng xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại và an toàn.