THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CĐS TRONG QUÂN ĐỘI
Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, CĐS góp phần quan trọng nâng cao sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội ứng phó kịp thời với những thách thức mới. Thực hiện chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước về CĐS quốc gia, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân quyết liệt thực hiện xây dựng, củng cố hạ tầng kết nối mạng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới [1].
Những chính sách - chiến lược về CĐS trong Quân đội
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng chính chủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Ngày 15/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg về “Kế hoạch phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.
Ngày 02/9/2021, Bộ trưởng BQP ra Quyết định số 2960/QĐ-BQP về việc thành lập Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và Chính phủ điện tử BQP, do đồng chí Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng BQP làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng BQP lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cải cách hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, CĐS trong BQP.
Ngày 04/11/2021, BQP ban hành Kế hoạch số 4396/KH-BQP về “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong BQP giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Với những Quyết định, Kế hoạch mang tính chiến lược như trên có thể thấy sự quan tâm và chú trọng đặc biệt của Chính phủ nói chung và BQP nói riêng đối với công tác phát triển Chính phủ điện tử và CĐS gắn với phát triển của Quân đội và đất nước.
Thuận lợi và khó khăn trong công tác CĐS
Một trong những thuận lợi lớn hiện nay là được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao trong định hướng, xây dựng chiến lược và triển khai các chương trình CĐS của Thủ trưởng các cấp. Bên cạnh đó, nhận thức về sự cần thiết của CĐS trong đội ngũ cán bộ đã có nhiều chuyển biến. Nhiều đơn vị đã chủ động phối hợp với Tập đoàn Viettel, Bộ Tư lệnh 86 (BTL 86), các học viện, nhà trường và các đối tác khác để xây dựng các giải pháp phục vụ CĐS của ngành. Việc xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo các nghiệp vụ để phục vụ công tác quản lý, chỉ huy điều hành cơ bản đã đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của các đơn vị.
Tuy nhiên, quá trình CĐS nói chung và triển khai ứng dụng các hệ thống CNTT nói riêng tại các đơn vị vẫn tồn tại nhiều hạn chế và các khó khăn thách thức như [2]: Thiếu nguồn nhân lực CNTT; Khó khăn về nguồn kinh phí triển khai, về hạ tầng kỹ thuật; Các biểu mẫu, danh mục dùng chung, ký mã hiệu, mã định danh cho người và trang thiết bị kỹ thuật chưa được chuẩn hóa; Các ứng dụng CNTT đang triển khai vẫn mang tính rời rạc, chưa liên thông, chưa chia sẻ dữ liệu dùng chung, chưa phát huy được tính tái sử dụng từ các hệ thống có sẵn; Các quy trình trong các hệ thống vẫn tồn tại việc chồng chéo; Nhiều hệ thống sử dụng các giao thức, chuẩn cứng, tính mở rộng không cao; Nhiều ứng dụng chưa có giải pháp giám sát, bảo đảm ATTT. Phân quyền của các hệ thống chưa tập trung và thống nhất; Hoạt động quân sự, quốc phòng có tính đặc thù, yêu cầu bảo mật cao, nhiều tài liệu quản lý theo cơ chế quản lý tài liệu mật (mật, tuyệt mật, tối mật) ảnh hưởng tới việc số hóa và chia sẻ dữ liệu.
MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ ATTT VÀ BẢO MẬT DỮ LIỆU GẮN VỚI CĐS
Việc xây dựng và vận hành các hệ thống ứng dụng CNTT trong Quân đội phải đi liền với việc bảo đảm ATTT và bảo mật dữ liệu. BQP đã ban hành Thông tư quy định một số nội dung về ATTT và bảo mật đối với các tài liệu quân sự, máy tính, phần mềm, hệ thống mạng và Thông tư quy định rõ về Quy trình ứng cứu, xử lý sự cố ATTT trong BQP.
Bảo đảm ATTT đối với các tài liệu quân sự
Quản lý tài liệu điện tử quân sự: Phải được soạn thảo lưu trữ trên máy tính do đơn vị cấp, không được sử dụng máy tính cá nhân; Phải được phân loại theo cấp độ mật; Nếu là tài liệu mật phải có giải pháp của cơ yếu trong việc lưu trữ và truyền tải; Xoá tài liệu mật phải có giải pháp xoá dữ liệu an toàn;…
Gửi tài liệu điện tử quân sự qua mạng máy tính quân sự (MTQS): Tài liệu điện tử quân sự không mật được gửi qua mạng MTQS và chỉ được thực hiện qua các hệ thống ứng dụng, dịch vụ đã được kiểm tra ATTT, an ninh mạng (ANM) và được cơ quan CNTT cung cấp; Tài liệu điện tử quân sự có độ mật chỉ được chuyển, nhận qua mạng MTQS khi có giải pháp bảo mật cơ yếu.
Quản lý vật mang tin điện tử: Vật mang tin điện tử sử dụng cho lưu trữ, trao đổi tài liệu điện tử quân sự phải có giải pháp bảo đảm ATTT, ANM do cơ quan quản lý CNTT hoặc cơ quan cơ yếu cấp phát; Xóa an toàn tất cả các thông tin trên vật mang tin điện tử khi không sử dụng.
Bảo đảm ATTT cho máy tính và phần mềm, dịch vụ hoạt động trên mạng MTQS
Đối với máy tính: Đặt mật khẩu quản trị có độ khó phù hợp; Phải ngắt (vô hiệu hóa) các tính năng: Wifi, Bluetooth, GPS, Micro, Camera...; Xoá dữ liệu an toàn khi chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc sửa chữa, thanh lý; Không kết nối dùng chung các thiết bị như máy in, máy photo, điện thoại thông minh,… giữa mạng MTQS và máy tính kết nối mạng Internet.
Đối với máy chủ: Thiết lập các chính sách bảo đảm ATTT, ANM; Phải triển khai giải pháp truy cập, được cài đặt tường lửa và hệ thống phòng chống phần mềm độc hại; Hệ điều hành, ứng dụng phải được cập nhật thường xuyên.
Đối với phần mềm và dịch vụ hoạt động trên mạng MTQS: Phải được BTL 86 kiểm tra ATTT, ANM và đồng ý đưa vào sử dụng; Cơ quan, đơn vị chủ quản phải xây dựng quy định về quản lý, vận hành, khai thác và bảo đảm ATTT, ANM; Phải kích hoạt tính năng tường lửa, bắt buộc phải cài đặt hệ thống phòng chống phần mềm độc hại và các phần mềm đảm bảo ATTT do BTL 86 cung cấp.
Bảo đảm ATTT cho mạng MTQS
Các mạng máy tính phải được tổ chức, cấu hình theo mô hình mạng máy tính an toàn mức cơ bản hoặc nâng cao, mạng máy tính tại các sở chỉ huy cấp chiến lược, chiến dịch phải tổ chức, cấu hình theo mô hình mạng máy tính an toàn mức nâng cao.
Quản lý, cung cấp và sử dụng mạng Internet
Cơ quan, đơn vị chỉ được kết nối mạng Internet bằng cáp mạng, sử dụng nhà cung cấp dịch vụ Internet của Viettel và kiểm soát số lượng các kết nối. Cơ quan, đơn vị được phép sử dụng trong phạm vi đơn vị phải đáp ứng các yêu cầu về ATTT, ANM và phải được BTL 86 kiểm tra, đánh giá ATTT, ANM và đồng ý đưa vào sử dụng.
Cơ quan, đơn vị khi sử dụng mạng Internet phải triển khai các giải pháp bảo đảm ATTT, ANM. Tín hiệu giám sát phải được gửi về trung tâm giám sát ATTT, ANM tập trung của BTL 86.
Bảo đảm cách ly mạng Internet với mạng MTQS
Trao đổi thông tin, dữ liệu giữa MTQS và máy tính Internet được thực hiện thông qua đĩa CD, DVD (dùng một lần) hoặc qua USB được cài đặt giải pháp an toàn. Truyền dữ liệu hạn chế một chiều từ máy tính thuộc mạng máy tính Internet vào máy tính thuộc mạng MTQS hoặc ngược lại phải được thực hiện qua thiết bị truyền dẫn dữ liệu một chiều an toàn và có giải pháp giám sát, bảo đảm ATTT, ANM được BTL 86 thẩm định, quyết định.
MỘT SỐ YÊU CẦU ĐẶT RA ĐỐI VỚI HỆ THỐNG CHĐH PHỤC VỤ CĐS TRONG QUÂN ĐỘI
Để xây dựng Quân đội theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, một trong những nội dung quan trọng là phải đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, ứng dụng CNTT trong Quân đội, trọng tâm là ứng dụng và phát triển CNTT trong chỉ huy tham mưu, chỉ đạo điều hành, quản lý, đào tạo, sản xuất quốc phòng, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật [3, 5]. Một số yêu cầu đặt ra đối với các hệ thống CHĐH phục vụ CĐS trong Quân đội được thể hiện trong Hình 1.
Hình 1. Yêu cầu đối với các hệ thống CHĐH phục vụ CĐS trong Quân đội
Các ứng dụng cần liên thông và có khả năng tích hợp với các hệ thống khác theo các chuẩn mở để đảm bảo đồng bộ dữ liệu, có thể chia sẻ dữ liệu, chia sẻ quy trình nghiệp vụ tạo thành một hệ thống thông tin đồng nhất và có khả năng mở rộng trong tương lai, có khả năng thích ứng và điều chỉnh theo yêu cầu nghiệp vụ mới.
Bên cạnh đó, các ứng dụng cần được “dịch vụ hóa”, trong đó các module, chức năng phần mềm được xây dựng dưới dạng các dịch vụ có tính đóng gói và tính tái sử dụng để tiết kiệm thời gian và chi phí phát triển, vận hành. Đồng thời phải có cơ chế bảo mật, phân quyền tập trung, hỗ trợ cơ chế đăng nhập một lần (Single Sign-On - SSO) giữa các phần mềm trong hệ thống thông tin đồng nhất.
Đẩy mạnh ứng dụng mã hóa, các giải pháp bảo mật đường truyền, sử dụng chữ ký điện tử để bảo đảm tính an toàn và pháp lý của các dữ liệu chia sẻ giữa các ứng dụng.
GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH CĐS TRONG QUÂN ĐỘI
Để đẩy mạnh thực hiện CĐS trong Quân đội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc xây dựng định hướng, chiến lược, hành lang pháp lý tới việc xây dựng tiềm lực con người, hạ tầng, ứng dụng các công nghệ mới, thành tựu của CMCN 4.0 trong công tác quản lý, CHĐH và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Hoàn thiện môi trường pháp lý về CĐS
Để thúc đẩy CĐS trong Quân đội, cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, quy định, cần có các văn bản để pháp lý hóa thông tin đưa lên môi trường số, các quy chế quản lý vận hành hệ thống, đưa các sản phẩm của CĐS vào trang bị nhóm 1 để bảo đảm kỹ thuật. Cần có các cơ chế liên thông dữ liệu với các cơ quan, đơn vị để đảm bảo tính liên kết. Tiến hành chuẩn hóa danh mục, ký mã hiệu, xây dựng mã định danh điện tử, chuẩn hóa hệ thống mẫu biểu báo cáo.
Phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy về CĐS
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy đơn vị; Bám sát sự chỉ đạo của cơ quan nghiệp vụ cấp trên; Phát huy tốt vai trò làm tham mưu của cơ quan chuyên môn các cấp. Thông qua các hình thức: Đào tạo ngắn hạn, tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học về CĐS; Viết bài, dựng phim để phổ biến, tuyên truyền về CĐS; Quán triệt phổ biến chủ trương, định hướng chiến lược và kế hoạch triển khai thông qua các Nghị quyết chuyên đề, hội nghị về CĐS, từng bước nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy của đội ngũ cán bộ.
Xây dựng hạ tầng CNTT, tiềm lực, huấn luyện bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhu cầu CĐS
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT, đặc biệt là liên thông mạng truyền số liệu quân sự từ cấp trên đến cấp dưới gắn với thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm ATTT, ANM để sẵn sàng triển khai các ứng dụng phân cấp, đảm bảo tính liên thông và thống nhất dữ liệu.
Đẩy mạnh xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung, khai thác các CSDL quốc gia và CSDL các cơ quan BQP, các CSDL liên ngành.
Xây dựng lực lượng chuyên trách CNTT có trình độ chuyên sâu về CĐS theo lộ trình. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo bồi dưỡng kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ.
Xây dựng kế hoạch và lộ trình CĐS phù hợp
CĐS cần có kế hoạch tổng thể và chi tiết. Lộ trình được xây dựng phù hợp với đặc thù và hoàn cảnh của từng đơn vị trong từng giai đoạn. Các bước thực hiện bao gồm: Xác định các vấn đề hiện tại lớn nhất cần giải quyết; Xác định tầm nhìn, chiến lược CĐS gắn liền chiến lược phát triển cơ quan, đơn vị; Xây dựng kế hoạch CĐS (đánh giá hiện trạng, xác định mục tiêu, nội dung, dự kiến kết quả, nguồn lực, lộ trình triển khai); Tổ chức triển khai; Đánh giá kết quả, nhân rộng.
CĐS có thể triển khai từng bước, gắn với từng giai đoạn, tuy nhiên cần có tầm nhìn và xây dựng kiến trúc tổng thể, toàn diện, sau đó hoàn thiện theo lộ trình các thành phần trong kiến trúc đó để đảm bảo tính hệ thống.
Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý, điều khiển tự động hóa và CHĐH
CMCN 4.0 trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh dẫn đến những thay đổi lớn về vũ khí, trang bị kỹ thuật, tổ chức quân đội, hình thái, phương thức huấn luyện và tác chiến. Có thể điểm ra 5 nhóm xu hướng công nghệ nổi bật trên thế giới trong lĩnh vực quân sự [5] như Hình 2.
Hình 2. Các nhóm công nghệ mới trên thế giới trong lĩnh vực quân sự
KẾT LUẬN
CĐS là xu hướng phát triển tất yếu của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. CĐS tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Nhận thức sớm và đúng đắn về tầm quan trọng của CĐS, Quân đội đã có nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để nắm bắt được các cơ hội do CĐS mang lại. Với thực trạng hiện nay, để đẩy mạnh CĐS trong Quân đội, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ở các cấp. Điều này sẽ chuyển đổi Quân đội một cách tổng thể và toàn diện trên môi trường số, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng Quân đội hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Báo Nhân dân, 2022. [2]. Tổng quan về Chuyển đổi số. Hội nghị tập huấn Chuyển đổi số Bộ Quốc phòng năm 2022. Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT. [3]. Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số trong Bộ Quốc phòng. Hội nghị tập huấn Chuyển đổi số Bộ Quốc phòng năm 2022. Ông Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh, Bộ tư lệnh 86, Bộ Quốc phòng. [4]. Chuyển đổi số, hướng tiếp cận và ứng dụng trong phát triển năng lực đội ngũ. Hội nghị tập huấn Chuyển đổi số Bộ Quốc phòng năm 2022. Ông Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, Bộ Quốc phòng. [5]. Tự động hóa điều khiển, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động quản lý, điều hành, tự động hóa chỉ huy tại đơn vị. Hội nghị tập huấn Chuyển đổi số Bộ Quốc phòng năm 2022. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Viện CNTT&TT, Học viện Kỹ thuật Quân sự. |