Công cụ này có tên là Bitdefender Total Security 2016, giúp các hệ thống tránh được việc lây nhiễm chủng mã độc tống tiền mới với tên gọi Locky và hai chủng mã độc tống tiền cũ là CTB-Locker và TeslaCrypt đang có dấu hiệu hoạt động trở lại trong thời gian qua.
Vào tháng 11/2015, Bitdefender cũng đã phát hành một công cụ tương tự để mở khóa các hệ thống nhiễm “Cryptowall 4.0”, một chủng mã độc tống tiền mã hóa tập tin.
Hồi trung tuần tháng 3/2016, FBI đã gửi một bản ghi nhớ khẩn cấp cho các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu hỗ trợ Chính phủ trong việc chống lại các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền. Công cụ mới này của Bitdefender là bước đầu trong việc hợp tác giữa một công ty tư nhân với các tổ chức và đối tác khác để chống lại một số lượng lớn các cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền trong thời gian qua. Trong đó điển hình nhất là mã độc tống tiền SAMAS nhằm vào các tổ chức y tế, như hệ thống y tế MedStar… Bên cạnh đó ngay cả các nhà cung cấp các giải pháp an toàn thông tin cũng đã bị ảnh hưởng bởi mã độc tống tiền. Mới đây, một nhà cung cấp chứng nhận an toàn thông tin ở New Mexico đã bị phát hiện nhiễm mã độc tống tiền thông qua việc khai thác bộ công cụ Angler.
Trước đó, để xử lý mã độc tống tiền TeslaCrypt, Cisco cũng phát hành bộ công cụ giải mã miễn phí cho các tập tin bị ảnh hưởng bời mã độc này vào tháng 4/2015. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy các doanh nghiệp sẵn sàng phát triển những công cụ phi lợi nhuận và hợp tác với nhau trong việc chống lại sự phát triển của mã độc tống tiền trong thời gian qua.
Catalin Cosoi, Giám đốc chiến lược an toàn của Bitdefender cho biết: Mã độc tống tiền có thể hoạt động được trên cả ba hệ điều hành phổ biến là Windows, iOS và Android, đây chính là một thị trường tiềm năng cho tội phạm mạng, chúng sẽ tấn công người dùng nhiều và mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao tiền chuộc, do đó cần sự hợp tác và phối hợp giữa các doanh nghiệp để cùng chống lại “dịch bệnh” này.