Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng mỗi năm

06:15 | 09/12/2019

Ngày 07/12/2019, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo thông tin về khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã tham dự và chủ trì buổi Họp báo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (ngồi giữa) chủ trì buổi Họp báo

Tham dự buổi Họp báo còn có đại diện Tổng cục đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải; Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ (VPCP); Cơ quan Phát triển Pháp.

Đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết, theo dự kiến, chiều 09/12, Thủ tướng Chính phủ sẽ khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG). Đây là dấu ấn rất quan trọng với mục tiêu Chính phủ hướng tới người dân và doanh nghiệp.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP phát biểu tại Họp báo

Tại buổi Họp báo, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, VPCP đã báo cáo về công tác chuẩn bị và nội dung của Cổng DVCQG.

Cổng DVCQG có vai trò quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Đây là hệ thống kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp qua phương thức điện tử. Nhận thức rõ vai trò của Cổng DVCQG, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao VPCP chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng DVCQG, với mong muốn tạo dựng một địa chỉ hỗ trợ, cung cấp thông tin và thủ tục hành chính dịch vụ công liên tục, chính xác, hiệu quả, thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ.

VPCP đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích, các tổ chức quốc tế, chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu, xây dựng Cổng DVCQG trên cơ sở bám sát quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cổng DVCQG.

Sau 9 tháng tích cực triển khai, việc thiết lập Cổng DVCQG về cơ bản đã hoàn thành. Cổng DVCQG bao gồm 6 cấu phần chính:

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan đến thủ tục hành chính. Những thủ tục, dịch vụ công thiết yếu liên quan với vòng đời của một công dân, doanh nghiệp đều được cung cấp công khai, chính xác, kịp thời trên Cổng DVCQG.

- Nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh và Hệ thống thông tin một cửa cấp Bộ, cấp tỉnh.

- Nền tảng thanh toán trực tuyến để phục vụ cho việc thanh toán trực tuyến của dịch vụ công.

- Hệ thống phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để kịp thời phản ánh, kiến nghị đến cơ quan, nhà nước có thẩm quyền về hành vi chậm trễ, thực hiện không đúng các quy định về thủ tục hành chính và những cơ chế, chính sách vướng mắc trong quá trình thực hiện.

- Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở những dịch vụ công nào đã được tái cấu trúc quy trình thật sự đơn giản, thuận lợi thì mới được tích hợp lên Cổng DVCQG.

- Hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.

Cổng DVCQG cung cấp 7 chức năng chính như sau:

- Chức năng đăng nhập một lần, sử dụng một tài khoản của Cổng DVCQG để đăng nhập Cổng dịch vụ công của Bộ, ngành, địa phương.

- Tra cứu về thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc.

- Theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.

- Hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo hướng cá nhân hóa thông tin người dùng, cung cấp các tiện ích liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công.

- Tiếp nhận, phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính; các quy định về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; các sáng kiến, cải cách, chuyển xử lý và theo dõi chi tiết tình trạng xử lý của các Bộ, ngành, địa phương.

- Thanh toán trực tuyến các phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính dịch vụ công sử dụng tài khoản của các ngân hàng và các trung gian thanh toán.

- Đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công, cũng như thực hiện phản ánh kiến nghị.

Các giải pháp, chức năng trên Cổng DVCQG được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá bảo đảm chất lượng, phù hợp với các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế. VPCP đã phối hợp với Bộ Công an và Bộ TT&TT đánh giá mức độ an toàn, an ninh thông tin của Cổng DVCQG và đã sẵn sàng các giải pháp bảo vệ, đối phó, ứng cứu, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin. Ngoài vai trò của Bộ Công an và Bộ TT&TT, Bộ Tư lệnh 86 và Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực phối hợp trong việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho Hệ thống.

Cùng với VPCP, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực trong việc rà soát, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; nâng cấp, tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG; xây dựng các bộ câu hỏi/trả lời với ngôn ngữ đời sống dễ hiểu để hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; xây dựng triển khai cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh kết nối với Cổng DVCQG để kết nối, tích hợp, chia sẻ tình hình kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành, địa phương.

Sau thời gian vận hành thử nghiệm, đến nay Cổng DVCQG đã đủ điều kiện và sẵn sàng đi vào hoạt động chính thức. Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ và không để lại ai ở phía sau, Cổng DVCQG là đầu mối giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; đảm bảo khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.

Chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn) bằng một tài khoản duy nhất, người dân, doanh nghiệp có thể đăng nhập được đến tất cả các cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến; theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Đồng thời với vai trò đầu mối kết nối với các cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng DVCQG sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn nhiều do có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan tổ chức.

Theo tính toán, giả định số lượng giao dịch như của năm 2018, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng DVCQG sẽ tiết kiệm chi phí xã hội được 4.222 tỷ đồng/năm, trong đó tính riêng chi phí tiết kiệm được do thực hiện qua Cổng DVCQG mang lại khoảng 1.736 tỷ đồng. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng DVCQG.

Các nền tảng dữ liệu dùng chung cũng sẽ hạn chế được đầu tư dàn trải tại các Bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng trách nhiệm giải trình và năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính.

Cổng DVCQG hướng tới việc số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng hàng năm của Liên hợp quốc.

Toàn cảnh buổi Họp báo

Đồng chí Mai Tiến Dũng khẳng định, đây là đòi hỏi thực tiễn của người dân, doanh nghiệp. Khi người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục ở cơ quan chính quyền, phải gặp trực tiếp và làm thủ tục nhiều lần tại nhiều cơ quan, đặc biệt là thủ tục hồ sơ kèm theo nhiều hồ sơ phụ. Như vậy, chi phí thời gian và công sức, chưa nói đến vấn đề tiêu cực đã tạo cho người dân và doanh nghiệp những khó khăn nhất định.

Ngoài ra, một số khó khăn khác có thể kể đến như, việc thực hiện dịch vụ công diễn ra trong điều kiện chưa hoàn thiện đồng bộ các vấn đề về thể chế, về cơ sở dữ liệu khiến việc triển khai. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn mang tư tưởng truyền thống là đến làm thủ tục trực tiếp có thể an toàn và tin tưởng hơn. Cũng như những vấn đề về ứng dụng công nghệ của người dân, vấn đề thiết bị, trình độ kiến thức,... Đây chính là những rào cản trong việc triển khai Cổng DVCQG.

Cổng DVCQG chính là sự quyết tâm đặc biệt, sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng chỉ đạo phải tập trung vào vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin. Quan trọng hơn, ngoài việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, cần nhận thấy rằng đây là vấn đề trong việc phải xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam để thể hiện chính phủ kiến tạo, hướng tới người dân và doanh nghiệp, từ đó xây dựng những dịch vụ phục vụ mang lại lợi ích cho người dân, thể hiện trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với người dân.

Đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết thêm, sau khi khai trương Cổng DVCQG vào ngày 09/12 theo dự kiến, VPCP cùng các Bộ, ngành, cơ quan, đặc biệt là tập đoàn VNPT sẽ có kế hoạch trải nghiệm với người dân để thấy rằng việc thực hiện những thủ tục hành chính trực tuyến sẽ đi vào thực tế đối với người dân.