Công nghệ do thám thông tin hiện đại

14:55 | 17/02/2014

Do thám thông tin cũng như tình báo tín hiệu xuất hiện ngay từ khi có những hệ thống liên lạc vô tuyến điện đầu tiên trên thế giới. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin liên lạc hiện đại, hoạt động do thám thông tin cũng ngày càng phát triển tinh vi, với quy mô toàn cầu và được coi là một công cụ tình báo đắc lực góp phần tạo ra “ưu thế thông tin”, phục vụ cho các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao... của nhiều nước và gây nguy hại cho an ninh, an toàn thông tin của các quốc gia khác.

Ngày nay, bên cạnh việc xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, các hoạt động tình báo, do thám thông tin cũng  đang được một số quốc gia tăng cường đầu tư cả về nhân lực và phương tiện kỹ thuật.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, với các tài liệu tối mật của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden công bố, hoạt động do thám thông tin của Mỹ và các nước đồng minh đang triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới đã lộ diện. Dưới đây giới thiệu tổng hợp thông tin về một số công nghệ và cách thức tổ chức hoạt động do thám thông tin của Mỹ và một số nước khác.

Công nghệ  do thám thông tin tinh vi
Hoạt động do thám thông tin được Mỹ và một số nước đầu tư với quy mô lớn. Đến  năm 2010, Mỹ có khoảng 80 căn cứ do thám trên thế giới, 19 trong số đó hoạt động tại các thành phố châu Âu. Làm việc tại các căn cứ được thành lập từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước này là các nhân viên của một tổ chức mang tên Cơ quan Thu thập thông tin đặc biệt (SCS)  của Mỹ. Các trạm do thám thông tin sử dụng phương tiện kỹ thuật dựa trên công nghệ tiên tiến nhất nhằm phát huy tối đa hiệu quả thu thập tin tức của các nước sở tại. Một số phương tiện kỹ thuật chặn bắt thông tin thường được triển khai như sau:
Chặn bắt tín hiệu vô tuyến
Hoạt động chặn bắt thông tin của Chính phủ và Lãnh đạo nước ngoài của SCS có thể thực hiện thông qua một thiết bị đặc biệt gọi là “Hộp trắng” được bí mật gắn trên nóc trụ sở các toà nhà đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ trên toàn thế giới. Nhìn bề ngoài, các thiết bị này như một bộ phận của tòa nhà, nhưng thực chất đó lại là những phần được lắp đặt bổ sung thêm. Các Hộp trắng này được phủ một chất liệu đặc biệt, bên trong là các thiết bị chặn bắt thông tin rất tinh vi, có thể thu được sóng thông tin liên lạc và có khả năng theo dõi, chặn bắt các liên lạc trên điện thoại di động và cả các tín hiệu vô tuyến rất nhỏ.
Ngoài Hộp trắng do thám, Mỹ đang sở hữu rất nhiều công nghệ do thám hiện đại, ví dụ như “Đá gián điệp” SPAN, với kích thước nhỏ gọn, có thể được ngụy trang giống như một hòn đá bình thường, SPAN thực chất là một hệ thống cảm biến tích hợp có khả năng thu thập và cung cấp thông tin tình báo bí mật cũng như nhiều chức năng hiện đại khác.
Hiện nay, Mỹ đang triển khai một hệ thống tình báo tín hiệu toàn cầu mới có tên Einstein, vượt trội hơn cả các hệ thống do thám như Echelon và Carnivore. Nó không chỉ có khả năng thu nhận tín hiệu qua đường truyền không dây mà còn theo dõi cả những nhân vật cụ thể. Hệ thống Einstein có khả năng chặn các sóng di động và định vị những nhân vật mà SCS quan tâm theo dõi. Ngoài khả năng tự động thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin mật cho Chính phủ Mỹ, hệ thống Einstein còn phát hiện những tấn công xâm nhập vào hệ thống máy tính của Mỹ cả ở nước ngoài.
Chặn bắt tín hiệu truyền qua cáp quang
Công nghệ chặn bắt thông tin truyền qua hệ thống cáp quang ngầm dưới biển được quan tâm nhiều trong thời gian gần đây. Một phần mềm có tên “CyberSweep” dùng để chặn bắt tín hiệu từ những hệ thống cáp ngầm dưới biển đã được công ty công nghệ sợi quang Glimmerglass Networks Inc. (Mỹ) cung cấp cho các cơ quan tình báo Mỹ. Theo giới thiệu, công nghệ này có khả năng phân tích Gmail và Yahoo! Mail cũng như các mạng xã hội như Facebook và Twitter để thu thập những thông tin quan trọng.
Năm 2009, một chương trình hợp tác giữa NSA và  Cơ quan Quản lý thông tin liên lạc của Anh (GCHQ) đã được triển khai để nâng cấp một trạm chặn bắt thông tin do GCHQ vận hành ở Cornwall (Anh), nơi có nhiều hệ thống cáp trên mặt đất. Nhiều khả năng hai cơ quan này đã sử dụng CyberSweep.
Sản phẩm CyberSweep có khả năng xử lý thông tin từ nguồn dữ liệu khổng lồ lưu thông qua hệ thống cáp quang ngầm dưới biển, có thể chọn lọc, trích xuất và giám sát mọi dữ liệu qua đường truyền cố định và di động như tiếng nói và video, Internet, qua web 2.0 và mạng xã hội một cách hiệu quả tại các trạm nằm dưới mặt biển là những địa điểm kết nối cáp ngầm với các hệ thống trên đất liền.
Các thiết bị dò tìm được lắp đặt trên 200 cáp ngầm dưới biển. Cuối năm 2011, một dự án có mật danh TEMPORA của tình báo Anh đã được triển khai với sự giúp đỡ của NSA và có ít nhất 7 công ty công nghệ hàng đầu thế giới của Anh và Mỹ tham gia.
Trong dự án TEMPORA, mỗi ngày có khoảng 600 triệu cuộc liên lạc điện thoại hay 21 petabyte dữ liệu được GCHQ thu thập và phân tích. Một số lượng lớn dữ liệu thu chặn sau đó được xóa bỏ trong tiến trình Tiết giảm khối lượng khổng lồ (MVR) và “siêu dữ liệu” - như là các chi tiết cuộc gọi, thời điểm và vị trí thực hiện cuộc gọi mà không bao hàm nội dung - chỉ được lưu giữ trong vòng 30 ngày.
Hiện nay GCHQ thu thập được một lượng siêu dữ liệu còn lớn hơn cả những gì mà NSA có được và chúng được xử lý bởi 300 chuyên gia phân tích Anh với sự hỗ trợ của 250 chuyên gia NSA. Hệ thống cáp ngầm dưới biển hết sức thuận tiện cho hoạt động thu thập tín hiệu một cách thường xuyên, ước tính có khoảng 90% dữ liệu viễn thông xuyên biên giới được truyền theo các cáp quang xuyên Đại Tây Dương.

Về Cơ quan Thu thập thông tin đặc biệt của Mỹ
Cơ quan Thu thập thông tin đặc biệt (SCS) thực hiện chương trình phối hợp bí mật giữa Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), được thành lập vào năm 1978, nhằm sử dụng công nghệ cao để chặn bắt thông tin và truyền về trụ sở chính.
SCS hoàn toàn không công khai danh tính và không có trụ sở riêng. Nó phối hợp giữa khả năng chắt lọc thông tin từ các mạng tình báo nước ngoài và năng lực xâm nhập các quốc gia ở hải ngoại của CIA và được nhận nguồn ngân sách lớn nhất trong số các cơ quan tình báo bí mật của Mỹ. Theo quy định, giám đốc hai cơ quan CIA và NSA sẽ luân phiên lãnh đạo hoạt động của SCS.
SCS tổ chức từng nhóm khoảng từ 2 - 5 nhân viên hoạt động trong các đại sứ quán Mỹ, với vỏ bọc là quan chức ngoại giao hay thành viên của bộ phận phụ trách viễn thông phục vụ ngoại giao, thậm chí dưới danh nghĩa doanh nhân. Sau khi được triển khai, nhân viên SCS bắt đầu sử dụng các công nghệ đã được bí mật nghiên cứu phát triển ở đại bản doanh.
Ở nước ngoài, SCS  xây dựng lên các hệ thống chặn bắt thông tin hết sức tinh vi với các mật danh là Oratory và Austin. Các trạm tiếp sóng vệ tinh của các hệ thống này nằm trong các đại sứ quán Mỹ cũng như trong các đại sứ quán của các quốc gia đồng minh như Canada, Anh, Australia và New Zealand.

SCS có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, bí mật xâm nhập vào các mạng lưới thông tin liên lạc của các quốc gia đồng minh lẫn đối phương. Nó thậm chí chặn bắt được thông tin của những cuộc họp cao cấp của chính quyền ở châu Âu, Trung Đông và châu Á....
Hệ thống Oratory được sử dụng rộng rãi lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, và có khả năng được sử dụng tiếp tục sau đó với biến thể khác. Sau khi khoanh vùng các đối tượng, nhân viên SCS tiến hành lắp đặt các ăngten vào những địa điểm thuận lợi và Oratory bắt đầu hoạt động. Không chỉ chặn bắt từ xa bằng công nghệ tiên tiến phát triển riêng cho hoạt động tình báo, SCS còn thực hiện các chiến dịch gọi là “bí mật đột nhập gia cư bất hợp pháp”, thậm chí còn cài đặt “rệp máy tính” để giấu trong bàn phím máy vi tính, tạo tín hiệu từ bàn phím truyền về, sau đó phân tích phục hồi toàn bộ văn bản được soạn thảo.
Trong thời Chiến tranh lạnh, hàng trăm căn cứ chặn bắt thông tin bí mật dựng lên trên khắp thế giới. Từ những căn cứ quy mô ở Scotland, vùng núi Thổ Nhĩ Kỳ cho đến các trạm nhỏ lẻ hoạt động tại đảo Saint Lawrence, nằm giữa Alaska và Siberia. Dù vậy, những trạm chặn bắt thông tin quy mô nhỏ lại là cơ sở của tình báo tín hiệu (SIGINT).
Hiện nay, NSA còn bố trí các thiết bị chặn bắt thông tin trên những tàu thủy, tàu ngầm, máy bay (từ loại U-2 đến máy bay trực thăng), máy bay không người lái, xe tải, khí cầu và thậm chí trong các balô đeo vai. Với sự xuất hiện của công nghệ vi sóng, sợi quang học và điện thoại di động, nhu cầu của NSA đối với các trạm chặn bắt thông tin trên mặt đất giảm xuống và chuyển sang khai thác mạng lưới các vệ tinh hiện đại cũng như hệ thống cáp quang ngầm dưới biển.
Các mạng lưới vệ tinh tình báo tín hiệu với các mật danh như Vortex, Magnum, Jumpseat và Trumpet nhằm giám sát chặt chẽ mọi sự giao tiếp bằng điện thoại di động cũng như tín hiệu vệ tinh trên khắp thế giới.

Sự tiếp tay của các đồng minh
Australia có vai trò chiến lược trong hệ thống tình báo toàn cầu của Mỹ. Nhiệm vụ của Australia bao gồm giám sát khu vực châu Á Thái Bình Dương và cung cấp thông tin cho NSA.
Australia sở hữu 4 phương tiện của chương trình Xkeyscore (một hệ thống máy tính của NSA được dùng để tìm kiếm và phân tích một số lượng lớn thông tin trên internet). Những phương tiện Australia sở hữu bao gồm hệ thống Pine Gap ở Alice Spring, trạm vệ tinh ngoài vùng Geraldton ở Tây Úc và hai trung tâm thiết bị, một ở Shoal Bay, gần Darwin, và một ở Canberra.
Australia thường sử dụng hệ thống Reprieve, tức là sử dụng các cơ quan thuộc Bộ Ngoại giao Australia ở các nước để giám sát các cuộc gọi trong khu vực đó.
Ngoài vai trò của Australia, các cơ quan tình báo châu Âu cũng đã tiếp tay cho NSA chặn bắt thông tin tại châu Âu.

Kết luận
Như vậy, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin - viễn thông hiện đại, nguy cơ rò rỉ thông tin qua các hệ thống gián điệp, do thám thông tin mà một số quốc gia đã triển khai như  trên là hết sức lớn, mang tính toàn cầu và thực tế đã ảnh hưởng tới các hoạt động chính trị, ngoại giao của các nước có liên quan. Các chương trình do thám này còn có sự tham gia của một số công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới.
Để bảo đảm bí mật, an toàn thông tin trong bối cảnh các phương tiện do thám phát triển như hiện nay, bên cạnh việc sử dụng các thiết bị bảo mật, ý thức cảnh giác của người sử dụng các phương tiện thông tin  sẽ góp phần hạn chế lộ lọt những thông tin quan trọng, ảnh hưởng tới lợi ích của cá nhân, tố chức và quốc gia.

1. Ngày 7/11/2013, tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam rất quan ngại về những thông tin Australia bí mật thu thập thông tin tình báo ở Việt Nam và đã yêu cầu phía Australia và Mỹ giải thích, cũng như “đề nghị các bên liên quan xác minh, xử lý vấn đề, đảm bảo quan hệ giữa Việt Nam với các nước tiếp tục phát triển tốt đẹp”. Trước đó báo chí Australia đưa tin về việc nước này đã bí mật sử dụng các cơ quan đại diện tại một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam để tiến hành các hoạt động thu thập thông tin tình báo. Chương trình do thám này có tên gọi Stateroom, là một phần của hệ thống do thám của Mỹ, sẽ thực hiện nghe lén điện thoại và thâm nhập đánh cắp dữ liệu của các nước.
2. Theo các nguồn tin mới nhất mà báo Tấm gương (Đức) có được, điện thoại di động của  Thủ tướng Đức Merkel có thể đã bị Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) theo dõi từ năm 2002, thậm chí các nhân viên NSA và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, nằm ở địa điểm chỉ cách Phủ Thủ tướng Đức chừng 1km, đã tiến hành theo dõi toàn bộ thông tin liên lạc ở khu nhà Chính phủ Đức nhờ một hệ thống ăngten hiện đại được lắp đặt ở sứ quán này. Ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, hệ thống ăngten này còn được lắp đặt ở Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Frankfurt/Main.
Các chuyên gia tình báo Mỹ đã giám sát nội dung các tin nhắn và các cuộc gọi điện thoại di động của bà Merkel, nhưng không do thám được các cuộc gọi điện thoại bàn tại phòng làm việc vì được bảo vệ đặc biệt. 
3. Theo một bức thư mật vào tháng 10/2006 được báo Tấm gương đưa ra, một quan chức của một cơ quan khác của chính phủ đã đưa cho NSA 200 số điện thoại, trong đó có số điện thoại của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới. Văn bản mật trên còn nêu rõ, NSA đề nghị quan chức thuộc các cơ quan khác của Mỹ như Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng chia sẻ số điện thoại của các nhà lãnh đạo nước ngoài để theo dõi.
4. Trước đó đã có thông tin về việc NSA do thám thông tin liên lạc của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống đương nhiệm của Mexico Enrique Pena Nieto và người tiền nhiệm Felipe Calderón.
5. Venezuela là một trong sáu “mục tiêu lâu dài” của NSA từ năm 2007, Mỹ đã giám sát các email cá nhân của 10 quan chức kinh tế hàng đầu của Venezuela.