Năm 2020, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình chính trị, xã hội cơ bản ổn định, kinh tế xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực; công tác quốc phòng an ninh đối ngoại được tăng cường; năm diễn ra Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban chấp hành Trung ương khóa XII; Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị; yêu cầu về bảo đảm bí mật, an toàn thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, nhà nước và các ngành, các cấp ngày càng trở nên cấp bách; trong khi đó công tác quản lý mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã với nhiều nội dung mới, trên phạm vi rộng và đòi hỏi chuyên môn sâu, với nhiều yêu cầu mới và đột xuất, khối lượng công việc tăng hơn 200% so với năm 2019.
Trong năm 2020, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, sự phối hợp công tác, tạo điều kiện của các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Cơ yếu; Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã tiếp tục phát triển toàn diện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra trên các mặt công tác như: Quản lý nhà nước về mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã; đánh giá sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự; đo kiểm chất lượng sản phẩm mật mã; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm mật mã dân sự…, trong đó có nhiều nhiệm vụ đột xuất, góp phần vào xây dựng thành tích chung của Ban Cơ yếu Chính phủ, ngành Cơ yếu Việt Nam. Trong đó, nổi bật là:
Về quản lý mật mã dân sự
Xác định quản lý mật mã dân sự là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm của Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu, dưới sự chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy Ban và Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ, đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý nhà nước về mật mã dân sự.
Công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã được triển khai thực hiện theo Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 58/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, Nghị định số 53/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 58//NĐ-CP và các văn bản triển khai của Ban Cơ yếu Chính phủ.
Năm 2020, số lượng hồ sơ giải quyết về mật mã dân sự tăng hơn 180% so với năm 2019, Cục đã tiếp nhận và xử lý hơn 448 hồ sơ đề nghị cấp phép, trong đó có hơn 160 hồ sơ xin cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và hơn 288 hồ sơ đề nghị cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan- Bộ Tài chính để quản lý, giám sát và hỗ trợ kê khai sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu; đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu/nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự đối với 17 doanh nghiệp trong cả nước.
Nhằm triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm mật mã dân sự, Cục đã chủ động nghiên cứu xây dựng và đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành hơn 20 tiêu chuẩn quốc gia về mật mã dân sự; triển khai hoạt động đánh giá, chứng nhận sự phù hợp sản phẩm mật mã dân sự để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát tình hình kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và tổ chức hội nghị tập huấn doanh nghiệp về mật mã dân sự tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm trao đổi giải quyết kịp thời các yêu cầu vướng mắc của doanh nghiệp; để đáp ứng yêu cầu cấp phép kinh doanh sản phẩm và dịch vụ mật mã dân sự ngày càng gia tăng và yêu cầu cải cách thủ tục hành chính kết nối Chính phủ điện tử giữa các cơ quan quản lý nhà nước với người dân và doanh nghiệp, Cục đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến (nacis.gov.vn) mức độ 3-4 về mật mã dân sự. Song song với các nhiệm vụ chính được giao, Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Ban và các cơ quan đơn vị thuộc Bộ TT&TT thẩm định 07 hồ sơ đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng.
Về công tác kiểm định, kiểm tra an ninh sản phẩm mật mã
Xác định rõ công tác kiểm định sản phẩm mật mã, kiểm tra an ninh, an toàn thiết bị giữ một vị trí quan trọng trong Ngành, trong năm 2020, công tác kiểm định, kiểm tra an ninh của Cục hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ được giao, nhiều sản phẩm mật mã của Ngành đã được kiểm định, kiểm tra an ninh một cách khoa học, khách quan, nghiêm ngặt, đúng quy trình, chặt chẽ trước khi đưa vào sử dụng, đảm bảo các sản phẩm tuyệt đối an toàn, hiệu quả khi được đưa ra triển khai sử dụng trong thực tế.
Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc nâng cao chất lượng sản phẩm mật mã trong triển khai thực tế (trong đó quá trình kiểm định, đánh giá đóng vai trò then chốt) là một yêu cầu khoa học, khách quan. Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để kịp thời nắm bắt những tiến bộ khoa học kĩ thuật trên thế giới. Nhận thức được điều đó, trong những năm qua cán bộ, nhân viên Cục không ngừng cố gắng học tập nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ngoài những nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch đã được Lãnh đạo Ban phê duyệt, trong thời gian qua Cục còn thực hiện và hoàn thành nhiều nhiệm vụ phát sinh đột xuất, cấp bách.
Phương hướng công tác năm 2021
Trong năm 2021, Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ; nghị quyết số 56-NQ/TW, ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị.
Thứ hai, tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về mật mã dân sự; công tác quản lý mật mã dân sự đã đi vào khuôn khổ pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc ứng dụng mật mã dân sự sẽ góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tạo nền tảng vững chắc cho việc cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác kiểm định, kiểm tra an ninh, an toàn thiết bị, đo kiểm; tập trung nghiên cứu các giải pháp phục vụ kiểm định, kịp thời đáp ứng yêu cầu yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ tư, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, đào tạo và quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên. Tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên; xây dựng Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã thống nhất, đoàn kết hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.