Cụ thể, theo Quyết định 255, nhiệm vụ về chuyển đổi số được điều chuyển từ Vụ CNTT sang Cục Tin học hóa thực hiện gồm các nội dung: Xác định tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số quốc gia, bao gồm các biện pháp thúc đẩy thực hiện quá trình chuyển đổi số và kiến nghị chuyển đổi quy trình hoạt động phù hợp với công nghệ mới, xây dựng và hướng dẫn khung tham chiếu chuyển đổi số; Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, dự báo các xu hướng, các công nghệ mới thúc đẩy chuyển đổi số và đề xuất triển khai ở Việt Nam; khuyến nghị các giải pháp, hệ thống thông tin, phần mềm, phần mềm nguồn mở, cơ sở dữ liệu, các nền tảng số, công nghệ số, dịch vụ số được sử dụng rộng rãi trong doanh nghiệp và cộng đồng.
Cục Tin học hóa có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất tháo gỡ các rào cản pháp lý cho chuyển đổi số; Đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu mở, công nghệ số, dịch vụ số tại Việt Nam; Đề xuất chính sách về tài sản số, quyền của tổ chức, cá nhân được tiếp cận dữ liệu số của Chính phủ; cũng như việc chủ trì, phối hợp đề xuất các chính sách, chương trình, hoạt động phát triển xã hội số, chuyển đổi số doanh nghiệp; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các sáng kiến, đề án, dự án chuyển đổi số.
Cũng theo Quyết định này, Vụ trưởng Vụ CNTT có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ về chuyển đổi số cho Cục trưởng Cục Tin học hóa để Cục Tin học hóa thực hiện liên tục, có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
Trước đó, trong Chỉ thị 01 về định hướng ngành TT&TT năm 2020, Bộ TT&TT đã xác định rõ, năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia sâu rộng và toàn diện. Trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ được ban hành trong năm nay, các Bộ, ngành, địa phương sẽ cần ban hành chương trình chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực và địa phương của mình. Bộ TT&TT phải đi đầu về chuyển đổi số trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí truyền thông.
Cũng theo Bộ TT&TT, các yếu tố nền tảng trong chuyển đổi số là: thể chế, hạ tầng, an ninh mạng và đào tạo sẽ được ưu tiên đầu tư để đưa Việt Nam trở thành nước có thứ hạng cao trên thế giới, nằm trong nhóm 50 quốc gia vào năm 2025 và nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới về CNTT vào năm 2030.