Đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho các hệ thống phục vụ Chính phủ điện tử

09:34 | 25/12/2020

Từ ngày 22 - 24/12/2020, Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) phối hợp cùng Trung tâm tin học (Văn phòng Chính phủ) tổ chức Hội nghị tập huấn đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho các hệ thống phục vụ Chính phủ điện tử. 

Toàn cảnh hội nghị tập huấn

Phát biểu khai mạc sáng 22/12, đồng chí Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng cho biết: Lớp tập huấn nhằm trang bị cho các học viên các kiến thức cơ bản về an toàn thông tin, hệ thống Chính phủ điện tử nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật cho các hệ thống. Qua đó, giúp các học viên sử dụng bài bản các hệ thống, phối hợp đảm bảo xử lý tốt về an toàn thông tin đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm tin học Văn phòng chính phủ cho biết: Đối với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử thì an toàn, bảo mật thông tin luôn là yếu tố then chốt, mang tính tiên quyết. Đây cũng là xu thế chung trên thế giới hiện nay. Qua đó, đồng chí đánh giá cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và chất lượng cung cấp sản phẩm, giải pháp bảo mật, xác thực, giám sát an toàn thông tin phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử của Ban Cơ yếu Chính phủ trong công tác đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho các hệ thống thông tin trọng yếu phục vụ Chính phủ điện tử.

Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 được ban hành. Bên cạnh đó là các Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, về chế độ báo cáo trong các cơ quan nhà nước, về thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử, về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu. Khung kiến trúc về CPĐT 2.0 cũng được Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu trình Chính phủ ban hành. 

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các Quyết định quy định về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, về mã định danh điện tử của các cơ quan phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương và phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Với xu thế trên, trong những năm trở lại đây rất nhiều hệ thống thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số đã được đưa vào vận hành như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia. Đây là những sản phẩm minh chứng cho hiệu quả của sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ góp phần thay đổi tư duy của các cơ quan nhà nước hành chính nhà nước khi chuyển xử lý văn bản giấy sang văn bản điện tử.

Toàn cảnh lớp tập huấn

Tại buổi tập huấn, các đại biểu tham dự được chia sẻ các nội dung về Hệ thống e-Cabinnet, tổng quan về an toàn thông tin, thực hành rà quét và xử lý mã độc, thực hành đánh giá An toàn thông tin cho hệ thống mạng, máy chủ và ứng dụng web... Kết thúc khóa học, Trung tâm Công nghệ và Giám sát An ninh mạng đã cấp Chứng chỉ hoàn thành lớp tập huấn cho các cán bộ tham gia và hoàn thành khóa tập huấn.

Đồng chí Đỗ Việt Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng trao chứng chỉ cho các học viên

Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ) là đơn vị chịu trách nhiệm Giám sát an toàn thông tin, đánh giá, ứng cứu sự cố ATTT cho các cơ quan Đảng, Nhà nước. Hiện nay Trung tâm đang giám sát ATTT cho gần 20 mạng công nghệ thông tin trọng yếu; thường xuyên tổ chức đánh giá, ứng cứu sự cố ATTT cho các cơ quan Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, nhằm nâng cao trình độ về an toàn và bảo mật thông tin, Trung tâm đã mở hàng chục lớp đào tạo, tập huấn cho các cán bộ làm việc trong lĩnh vực CNTT, ATTT của các cơ quan Đảng, Nhà nước.