Trong thời gian qua, một số tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng triển khai cung cấp dịch vụ theo mô hình ký số trên thiết bị di động, ký số từ xa cho thuê bao mà chưa hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật, kiểm tra kỹ thuật đáp ứng quy định.
Để cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa theo quy định tại Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng thực hiện tuân thủ theo hướng dẫn tại Công văn số 190/NEAC-TĐPC ngày 7/5/2020. Cụ thể:
Bước 1: Các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số báo cáo sự thay đổi về tính năng kỹ thuật của hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 17/2014/TT-BTTTT bao gồm: Phương án kỹ thuật và công bố sự phù hợp của hệ thống kỹ thuật mới với các tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo quy định tại Thông tư 16/2019/TT-BTTTT.
Bước 2: Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng thư số cho phương án cung cấp dịch vụ theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP bao gồm: Đơn đề nghị cấp chứng thư số; Bản sao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; Phương án kỹ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư 16/2019/TT-BTTTT, trong đó liệt kê rõ cấu hình, tính năng các máy móc, thiết bị, phần mềm và Quy chế chứng thực đáp ứng việc cung cấp dịch vụ theo mô hình ký số trên thiết bị di động hoặc ký số từ xa.
Bước 3: Thẩm tra và cấp chứng thư số cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 130/2018/NĐ-CP.
Tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cho 15 doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin lớn như: VNPT, FPT, Viettel, BKAV...