Đảng Dân chủ xã hội Đức yêu cầu điều tra vụ Mỹ nghe trộm điện thoại Thủ tướng Đức

10:00 | 28/10/2013

Theo báo Tấm gương của Đức ngày 27/10, đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã yêu cầu lập một ủy ban điều tra các vấn đề liên quan Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), sau những cáo buộc cơ quan mật vụ Mỹ này nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Angela Merkel.


Mật vụ Mỹ bị cáo buộc nghe trộm điện thoại của Thủ tướng Đức

Lãnh đạo ban tổ chức nhóm nghị sỹ SPD trong Quốc hội Thomas Oppermann ngày 26/10 khẳng định: "Việc thành lập một ủy ban điều tra NSA là điều cần thiết nhằm tái thiết lập niềm tin trong bảo vệ vấn đề riêng tư.". Nghị sỹ Oppermann, đồng thời là Chủ tịch Ban Kiểm soát tình báo ở Quốc hội, cũng đề nghị để cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden làm nhân chứng và trình bày các thông tin liên quan trước Quốc hội Đức. Ông khẳng định: "nhân chứng rất có giá trị này sẽ không bị đưa tới Mỹ trong trường hợp tới Đức.".
Trong khi đó, thủ lĩnh nhóm nghị sỹ đảng Xanh ở Quốc hội, bà Katrin Goring-Eckardt cũng yêu cầu Quốc hội Đức thảo luận về vụ việc trên, đồng thời xác định mức độ nắm thông tin của cơ quan tình báo Đức.
Theo các nguồn tin mới nhất mà báo Tấm gương có được, điện thoại di động của bà Merkel có thể đã bị NSA theo dõi từ năm 2002, thậm chí các nhân viên NSA và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, nằm ở địa điểm chỉ cách Phủ Thủ tướng Đức chừng 1km, đã tiến hành theo dõi toàn bộ thông tin liên lạc ở khu nhà Chính phủ Đức nhờ một hệ thống ăngten hiện đại được lắp đặt ở sứ quán này. Ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Berlin, hệ thống ăngten này còn được lắp đặt ở Tổng Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Frankfurt/Main. 
Tuy nhiên, theo tờ Bild am Sonntag cũng của Đức, từ năm 2010, Tổng thống Obama biết việc bà Merkel bị theo dõi. Theo báo, năm đó Giám đốc NSA Keith Alexander đã trực tiếp báo cáo với ông Obama về hoạt động rình mò các cuộc gọi của bà Merkel. Các chuyên gia tình báo Mỹ đã giám sát nội dung các tin nhắn và các cuộc gọi điện thoại di động của bà Merkel, nhưng không do thám được các cuộc gọi điện thoại bàn tại phòng làm việc vì được bảo vệ đặc biệt. Nội dung nghe lén bà Merkel được chuyển thẳng về Nhà Trắng, thay vì chuyển qua trung tâm tình báo Fort Meade tại bang Maryland (Mỹ) theo quy trình thông thường
Trong khi giải thích với Thủ tướng Đức Merkel về các cáo buộc trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định ông không hề hay biết về các thông tin nghe lén, và nếu biết, ông đã ra lệnh ngừng ngay việc đó./.

Căn cứ các tài liệu tối mật do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden phanh phui, trang web tuần báo Der Spiegel của Đức ngày 26/10/2013 cho biết vào năm 2010 Mỹ có khoảng 80 căn cứ gián điệp trên thế giới, 19 trong số đó hoạt động tại các thành phố châu Âu.
Làm việc tại các căn cứ được thành lập từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước này có nhân viên của Cục Tình báo Trung ương (CIA) và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA).
Tại châu Âu, ngoài tổ chức 2 cơ sở tình báo ở Đức (Berlin và Frankfurt), Mỹ còn có các nhóm tình báo hoạt động tại Paris (Pháp), Prague (Séc), Geneva (Thụy Sĩ), Madrid (Tây Ban Nha) và Rome (Italy)...