Đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin trong bối cảnh mới (phần 2)

15:39 | 17/01/2022

Con người, quy trình và công nghệ là ba yếu tố liên quan mật thiết với nhau và cũng chính là lời giải cho bài toán đảm bảo an toàn thông tin của các tổ chức/doanh nghiệp. Trong đó, yếu tố con người được coi là then chốt, quyết định trong việc đảm bảo an toàn thông tin.

Phóng viên: Mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định Đề án 99 đã cơ bản triển khai được nhiều nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trước bối cảnh chuyển đổi số, chính phủ điện tử, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, yêu cầu thực tiễn đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin ngày càng trở nên cấp thiết. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả, không gián đoạn chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 21 về việc phê duyệt Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 – 2025. Thưa ông Trần Đăng Khoa, trước bối cảnh mới, chúng ta phải đối mặt với những thách thức nào khi triển khai đề án này?

Ông Trần Đăng Khoa: Thách thức có thể đến từ sự thay đổi liên tục của công nghệ. Trước đây, khi nói đến CNTT, chúng ta nói đến hệ thống thông tin, ứng dụng CNTT. Bây giờ là hàng loạt các công nghệ: IoT, Cloud, Big Data, 5G,… tiếp đó là chuyển đổi số, kinh tế số. Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT do đó cũng cần liên tục thay đổi, hoàn thiện theo kịp sự phát triển của KHCN.

Thách thức tiếp theo có thể đến từ việc thu hút nguồn nhân lực lựa chọn và theo đuổi chuyên ngành ATTT. Đây là lĩnh vực khó đòi hỏi người học, người làm cần có năng lực thực sự, liên tục thay đổi, cập nhật kiến thức.

Cuối cùng, chúng ta có thể phải đối mặt đến từ nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức. Theo tôi đây là vấn đề quan trọng nhất. Nhận thức và hành động là hai yếu tố quyết định giải quyết mọi vấn đề. Khi một cơ quan, tổ chức nhận thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ATTT và quyết định hành động thì sẽ tìm ra cách giải quyết các vấn đề còn lại.

Để đào tạo tốt, chúng ta cần nhìn ra thế giới, không ngừng học hỏi để hoàn thiện. ATTT giờ đây là vấn đề toàn cầu. Các cơ sở đào tạo cần có sự tăng cường hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế; Tiếp cận theo hướng toàn diện, gắn đào tạo với thực tế, có sự liên kết chặt chẽ giữa bên cung (các cơ sở đào tạo) và bên cầu (các cơ quan, tổ chức có nhu cầu nhân lực).

Ảnh 1: Tọa đàm trực tuyến “Đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin trong bối cảnh mới” 

Phóng viên: Về phía cơ sở đào tạo, Học viện KTMM đã có những lộ trình thay đổi như thế nào trong tương lai? Xin ông Hùng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Nguyễn Hữu Hùng: CMCN lần thứ 4, kỷ nguyên số, chuyển đổi số đang là vấn đề mang tính toàn cầu. Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương lớn về vấn đề này. Nghị quyết 52 của Trung ương về tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã xác định rất rõ và đưa những nội hàm mới liên quan đến chuyển đổi số là thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số.

Chỉnh phủ cũng đã ban hành hẳn một chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Điều đó đặt ra những cơ hội và thách thức mới đối với toàn xã hội; trong đó có các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực về an toàn, bảo mật thông tin.

Đối với ngành Cơ yếu, Bộ Chính trị cũng đã có chủ trương quan trọng thông qua ban hành Nghị quyết 56 về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, Học viện KTMM được xác định là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bảo mật, ATTT đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cơ yếu và cho khu vực kinh tế - xã hội.

Để hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương nói trên, Học viện KTMM đã hoạch định chiến lược và cách đi của mình; trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

- Về quan điểm, Học viện KTMM cho rằng CMCN4.0, chuyển đổi số là cơ hội để áp dụng công nghệ, thông qua áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy-học.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong Học viện, xác định đây là vấn đề mang tính chiến lược, lâu dài; Xây dựng Học viện theo mô hình đại học quản trị thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số toàn diện, đưa toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên cứu lên môi trường số;

- Thay đổi phương pháp dạy - học, trước đây đào tạo mang tính trải nghiệm, đại trà thì ngày nay phải mang tính cá thể hóa; tức là hướng tới khả năng học tập của mỗi học viên chứ không buộc tất cả học viên phải tuân thủ phương pháp dạy học;

- Vai trò của người thầy cũng cần có những thay đổi. Khi áp dụng công nghệ số, người thầy phải là người bình luận, hướng dẫn sinh viên cùng với sinh viên giải quyết một vấn đề nào đó.

- Xây dựng công cụ học liệu, giáo trình, bài giảng, hình thành cơ sở dữ liệu học tập, hội thụ tri thức của nhân loại, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo.

- Cần phải có những bước đi phù hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ, kiến thức, kỹ năng của giảng viên phải cập nhật và thay đổi thích ứng với những vấn đề mới và xa hơn là tạo ra những cái mới sáng tạo và hữu ích.

Một quan điểm gần đây tôi cho rằng rất giá trị về đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học, đó là trường đại học không nên chỉ đi giải quyết những vấn đề của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà ngược lại phải là nơi dẫn dắt, tạo ra những giá trị mới mang lại cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Ảnh 2: ông Nguyễn Hữu Hùng, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã

Phóng viên: Quan tâm hơn một chút về đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 -2025, bên cạnh những thách thức được ông Trần Đăng Khoa chia sẻ, trong 6 mục tiêu của đề án, đáng lưu ý là mục tiêu tham vọng tổ chức 10.000 lượt đào tạo ngắn hạn trong 5 năm, ông Khoa có thể chia sẻ về khả năng triển khai mục tiêu này trong tương lai?

Ông Trần Đăng Khoa: Mục tiêu đào tạo ngắn hạn về ATTT cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước với 10.000 lượt trong 5 năm là nhiệm vụ quan trọng, nhiều thách thức. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ hoàn toàn khả thi. Để thực hiện mục tiêu này, Đề án đã đưa ra nhiều giải pháp quan trọng như: Đầu tư các hệ thống công nghệ phục vụ công tác đào tạo; yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai hằng năm; huy động nguồn lực xã hội hoá.

Cục ATTT là cơ quan được giao chủ trì thực hiện đang tích cực, chủ động triển khai Kế hoạch đào tạo và hướng dẫn, điều phối các bộ ngành, địa phương cùng triển khai đồng bộ. Với nỗ lực và sự quyết tâm của các cơ quan, tổ chức, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng kết quả có thể tốt hơn so với mục tiêu đặt ra.

Phóng viên: Một khía cạnh khác, một trong những hướng đi nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ATTT là định hướng công dân toàn cầu. Ông Khoa nhận định sao về vấn đề này?

Ông Trần Đăng Khoa: ATTT không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề của toàn cầu. Vấn đề Việt Nam đang gặp phải cũng là vấn đề thế giới đang gặp phải. Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực ATTT cần có sự chia sẻ, hợp tác quốc tế là điều hiển nhiên.

Những năm gần đây, chúng ta có nhiều chuyên gia ATTT được các tổ chức quốc tế vinh danh, điều đặc biệt là các em đều còn rất trẻ, có nhiều đam mê công nghệ. Điều này có được là do các cơ sở đào tạo của Việt Nam đã có sự tiếp cận với thế giới.

Như tôi đã nói phía trên, chúng ta cần nhìn ra thế giới, trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo cần tiếp tục tăng cường hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế để hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo. Tiếp cận theo hướng toàn diện, gắn đào tạo với thực tế.

Không gian mạng là không giới hạn. Thực tế cho thấy có nhiều kỹ sư, chuyên gia ATTT Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước ngoài, tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu, tuy nhiên, vẫn đóng góp tích cực cho ATTT trong nước. Khi làm việc tại nước ngoài, đội ngũ chuyên gia này sẽ có cơ hội được học hỏi, tiếp cận những công nghệ, những giải pháp hiện đại nhất của thế giới, từ đó sẽ có thể đóng góp cho nước nhà. Nếu chúng ta biết cách tận dụng, khuyến khích các đối tượng này đóng góp cho đất nước thì sẽ tạo thành một sức mạnh lớn cho ATTT mạng quốc gia.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh liên kết cộng đồng chuyên gia an toàn thông tin trong nước và nước ngoài, tạo thành mạng lưới thường xuyên chia sẻ thông tin và hỗ trợ lẫn nhau.

Ảnh 3: Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông

Phóng viên: Đại diện đến từ Cục ATTT đã chia sẻ cho chúng ta về định hướng công dân toàn cầu, sau đây, xin ý kiến ông Nguyễn Hữu Hùng, Học viện Kỹ thuật mật mã đã chuẩn bị những bước đệm nào trong việc đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin định hướng công dân toàn cầu?

Ông Nguyễn Hữu Hùng: Học viện KTMM đã xác định rõ vấn để đào tạo nhân lực ATTT định hướng công dân toàn cầu cần phải thực hiện các giải pháp:

- Mục tiêu đầu tiên mà Học viện đặt ra là tới 2025, có tối thiểu 25% giảng viên có khả năng giảng dạy bằng Tiếng Anh. Điều này thể hiện sự quyết tâm đưa ngoại ngữ trở thành kỹ năng nền tảng cho sinh viên, buộc cả thầy và trò đều phải nâng cao trình độ ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu hội nhập.

- Chuẩn hóa chương trình đào tạo theo hướng modun hóa và chuẩn hóa, chúng tôi hướng đến các chuẩn đầu ra của các phân lớp kỹ sư tiệm cận dần với các tiêu chuẩn kỹ sư CNTT phổ biến trên thế giới, như chuẩn kỹ sư CNTT Nhật Bản.

- Đào tạo định hướng để học viên, sinh viên đạt được các chứng chỉ quốc tế về CNTT, ATTT, Tiếng Anh đủ khả năng làm việc trong môi trưởng quốc tế.

- Kết nối hỗ trợ sinh viên các năm cuối tham gia kiến tập, thực tập, tập sự tại các doanh nghiệp có môi trường làm việc hiện đại và có tính hội nhập quốc tế cao. Một hình mẫu nổi bật và hiệu quả là sự hợp tác của Học viện với tập đoàn Samsung tại Việt Nam trong vấn đề này.

Phóng viên: Chúng ta thường thấy những biện pháp như: Đổi mới mạnh mẽ nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng quốc tế, giảm bớt lý thuyết…. Nhưng thực tế vẫn cho thấy chương trình đào tạo không theo kịp thực tế, đặc biệt, với một ngành đặc thù như an toàn thông tin. Nguồn nhân lực luôn đỏi hỏi chất lượng cao và dày dặn kinh nghiệm. Để giải quyết vấn đề này, Học viện đã có những bước đi cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Hùng: Đào tạo phải gắn với yêu cầu thực tế, nhưng đến lúc chúng ta cũng phải tiến xa hơn, có nghĩa là phải đổi mới sáng tạo, tạo ra những cái mới để đưa vào thực tiễn. Đây là một quá trình mang tính tiến hóa, luôn luôn thay đổi và không bao giờ có kết thúc. Nếu làm không tốt, tức là chúng ta đào tạo nhiều lý thuyết, ít thực tế thì khoảng cách giữa đào tạo và thực tiễn sẽ lớn; ngược lại khoảng cách sẽ thu hẹp, và nếu khoảng cách bằng không là lý tưởng.

Đối với Học viện KTMM thì đây là vấn đề thường trực, thường xuyên trong công tác đào tạo của chúng tôi, tập trung ở mấy điểm:

- Thường xuyên cập nhật nội dung chương trình, giáo trình.

- Thay đổi phương pháp dạy học hướng tới cá thể hóa, phát huy năng lực người học.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các khóa đào tạo bồi dưỡng trong và ngoài nước

- Mở rộng và tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo uy tín trong và ngoài nước như đại học UEC (Nhật Bản), đại học Lorrain (Pháp), các doanh nghiệp. Vừa qua chúng tôi đã làm rất tốt việc này, hỗ trợ sinh viên kiến tập, đồng thời mới các giảng viên trong các doanh nghiệp tham gia giảng dạy và hướng dẫn đồ án tốt nghiệp; tiếp nhận phản hồi từ phía doanh nghiệp để thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với thực tiễn.

- Học viện KTMM cũng đã đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho sinh viên tham gia vào các cuộc thi về an toàn, an ninh thông tin để thông qua đó, sinh viên được trải nghiệm trình độ năng lực, kiến thức của mình sát với yêu cầu thực tiễn hơn.

Bài toán phát triển bền vững được xác định là chiến lược ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Một trong những cơ sở, nền tảng quan trọng nhất để thực hiện chiến lược phát triển đó là nguồn lực con người. Lịch sử phát triển xã hội đã chứng minh rằng, trong mọi giai đoạn, con người là yếu tố đóng vai trò quyết định sự phát triển theo chiều hướng tiến bộ của xã hội. Nguồn nhân lực an toàn thông tin cũng vậy. Chúng ta cần có những hoạch định và các kế hoạch triển khai tốt với mục tiêu dài hạn để đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin, từ đó hiện thực hoá tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an toàn thông tin, góp phần triển khai thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế - xã hội số và nâng cao uy tín, xếp hạng quốc tế của việt nam về an toàn thông tin theo đánh giá của liên minh viễn thông quốc tế.