Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin

08:45 | 21/01/2014

Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) là một trong những giải pháp bảo đảm chủ quyền số quốc gia, làm chủ không gian mạng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.

Ngày 14/01/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020". Mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, đưa được 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về an toàn, an ninh thông tin (ATANTT) ở nước ngoài, trong đó có 100 tiến sĩ; đào tạo được 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về ATANTT chất lượng cao.
Bên cạnh đó, đưa được 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về ATANTT đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài; tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATANTT cho 10.000 lượt cán bộ làm về ATANTT và công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ quan Nhà nước.

Hỗ trợ  đào tạo, phát triển nhân lực an toàn, an ninh thông tin
Nhóm giải pháp đầu tiên để thực hiện Đề án là hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực ATANTT.
Cụ thể, ưu tiên kinh phí từ Đề án 911, Đề án 599 và các chương trình học bổng khác để đào tạo giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ ATANTT ở nước ngoài; hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, sử dụng các chương trình tiên tiến của nước ngoài nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trình độ kỹ sư, cử nhân ATANTT; ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực từ xã hội và các nguồn tài trợ quốc tế để đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT.
Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, dự án đào tạo ngắn hạn về ATANTT trong và ngoài nước; xây dựng kế hoạch đào tạo lại, thực tập trong nước và nước ngoài cho cán bộ phụ trách CNTT trong các đơn vị chuyên trách về CNTT tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm hình thành lực lượng đạt chuẩn quốc tế làm nòng cốt trong công tác bảo đảm ATANTT cho các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia.
Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức hợp tác giữa nhà trường, viện nghiên cứu và tổ chức, doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ATANTT; xây dựng chương trình hỗ trợ sinh viên thực tập, làm việc thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp, viện nghiên cứu; ưu tiên các tổ chức, doanh nghiệp nhận sinh viên chuyên ngành ATANTT đến thực tập tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như chương trình xúc tiến thương mại, chương trình sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt và các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ doanh nghiệp khác đang được Chính phủ triển khai.
Xem xét miễn, giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên chuyên ngành CNTT
Bên cạnh nhóm giải pháp hỗ trợ thúc đẩy hoạt động đào tạo, phát triển nhân lực ATANTT là nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đào tạo và sử dụng nhân lực ATANTT, trong đó, sẽ có cơ chế, chính sách thu hút các học sinh, sinh viên khá giỏi theo học ngành, chuyên ngành CNTT và ATANTT; xem xét miễn, giảm học phí, cấp học bổng cho sinh viên chuyên ngành CNTT và ATANTT; xây dựng quỹ học bổng và các giải thưởng khuyến khích tài năng cho sinh viên CNTT và ATANTT, tài trợ cho sinh viên CNTT và ATANTT thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, xây dựng, triển khai áp dụng chuẩn kỹ năng CNTT (bao gồm chuẩn kỹ năng ATANTT); xây dựng chuẩn kỹ năng CNTT theo hướng thường xuyên được cập nhật công nghệ mới, xây dựng hệ thống sát hạch cấp chứng chỉ kỹ năng về CNTT theo hướng định kỳ kiểm tra cấp lại chứng chỉ, bảo đảm người có chứng chỉ thường xuyên được cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới về CNTT, ATANTT.
Xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các chuyên gia CNTT và ATANTT giỏi làm việc cho các cơ quan Nhà nước; nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng mức lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách về ATANTT tại các cơ quan, tổ chức nhà nước theo chế độ đối với cán bộ cơ yếu làm việc trong các tổ chức cơ yếu của Nhà nước.
Kinh phí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Đề án là 470 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đào tạo ở nước ngoài và kinh phí hỗ trợ học phí, học bổng cho kỹ sư, cử nhân chất lượng cao); trong đó, kinh phí từ nguồn chi sự nghiệp là 162 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn chi đầu tư phát triển là 308 tỷ đồng.
Các cơ sở đào tạo tham gia chương trình đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin bao gồm:
  1. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ( Bộ GD&ĐT).
  2. Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng ( Bộ GD&ĐT).
  3. Học viện Kỹ thuật Quân sự ( Bộ Quốc phòng).
  4.  Học viện Kỹ thuật mật mã (Ban Cơ yếu Chính phủ).
  5. Học viện công nghệ bưu chính viễn thông (Bộ TT&TT).
  6. Trường Đại học Công nghệ thông tin ( Đại Học Quốc gia TP HCM).
  7. Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Việt Anh